Mới đây nhất, rạng sáng 21-9, tại giao lộ Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng (phường Đa Kao, quận 1, TP HCM), anh Fluery Otavio Augusto Formigoni (SN 1990, quốc tịch Mỹ, tạm trú quận 2) chạy xe phân khối lớn với tốc độ cao đã va chạm với một phụ nữ điều khiển xe máy và một người bán vé số. Cú va chạm mạnh làm Fluery Otavio Augusto Formigoni tử vong tại chỗ, 2 người còn lại bị thương.
Cấm nhưng vẫn cho thuê tràn lan
Một năm trước, tại cuộc họp tư vấn lãnh sự thường niên Việt - Nga, phía bạn đề nghị Việt Nam không cho khách du lịch Nga thuê xe máy nếu không có bằng lái hợp lệ. Trường hợp du khách Nga lái mô tô, xe máy ở Việt Nam vi phạm pháp luật dẫn đến tai nạn giao thông, các công ty bảo hiểm Nga sẽ từ chối thanh toán.
Sau đó, tháng 8-2013, Tổng cục Du lịch đã ra công văn về việc quản lý dịch vụ cho thuê xe máy đối với du khách Nga và các nước khác. Theo đó, yêu cầu các sở văn hóa - thể thao và du lịch địa phương thông báo cho các cơ sở dịch vụ du lịch cho thuê xe máy không được cho người nước ngoài thuê xe nếu không xuất trình được bằng lái hợp lệ theo quy định của luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên, việc nghiêm cấm cũng chỉ mới dừng lại ở mức vận động chứ các địa phương chưa kiểm soát được.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại TP HCM, chỉ riêng khu “phố Tây” Phạm Ngũ Lão (quận 1) đã có hơn 12 điểm cho thuê xe máy. Khách đến thuê xe chỉ cần đặt tiền cọc, để lại hộ chiếu là được. Chúng tôi hỏi một nhân viên khách sạn trên đường Đề Thám (quận 1) về việc có người bạn nước ngoài không bằng lái nhưng muốn thuê xe tay ga đi Vũng Tàu chơi, người này nhanh nhảu trả lời: “Không sao, chỉ cần để lại hộ chiếu và 5 triệu đồng thì lấy xe, giá mỗi ngày là 150.000 đồng. Ở đây cho thuê xe đã nhiều năm, chỉ trường hợp khách va quệt hoặc gây tai nạn thì mới phiền một chút, chứ chạy cẩn thận, đúng tốc độ thì không sao”.
Ở một điểm cho thuê xe máy khác ở khu “phố Tây”, khi chúng tôi hỏi về quy định không được cho thuê xe với du khách nước ngoài không có bằng lái, chủ tiệm trừng mắt: “Bỏ tiền ra thuê mướn mặt bằng để kinh doanh, nếu làm đúng quy định thì tiền đâu mà sống? Phần lớn người thuê xe là khách đi du lịch muốn tham quan một số vùng lân cận thành phố, lần đầu đến Việt Nam, làm sao mà có bằng lái?”.
Xử lý chưa nghiêm
Trên thực tế, người nước ngoài không có bằng lái, chưa quen với môi trường và luật giao thông ở Việt Nam nhưng trong quá trình đi lại, trừ những trường hợp gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, không mấy khi họ bị CSGT kiểm tra, xử lý do bất đồng ngôn ngữ. Nhiều vụ án giao thông do người nước ngoài gây ra, tòa án xử mức án chưa nghiêm, thậm chí chỉ phạt tiền hoặc trục xuất. Vì vậy, tình trạng người nước ngoài vi phạm luật giao thông và gây tai nạn vẫn cứ xảy ra.
Luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Luật sư TP HCM, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM) phân tích: “Phải thừa nhận nhiều vụ tòa xử chưa thực sự nghiêm bởi nhiều lý do: thứ nhất, do tính chất của tội danh, đây là loại tội không cố ý đối với hậu quả mà nó gây ra; thứ hai, khi gây tai nạn, nhiều người nước ngoài có điều kiện bồi thường thỏa đáng và được gia đình nạn nhân bãi nại.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của TAND Tối cao, nếu gây tai nạn mà lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển phương tiện giao thông và có sử dụng rượu, bia thì không được cho hưởng án treo mà phải phạt tù với mức án nghiêm, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài”.
Ở góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng phải xác định trách nhiệm của người cho thuê xe. Đây là loại quan hệ pháp luật đặc biệt khi ô tô, mô tô được xem là “nguồn nguy hiểm cao độ” và là loại tài sản đặc biệt. Vì vậy, người cho thuê phải xác định người thuê có đủ điều kiện hay không. Cụ thể, người thuê và là người trực tiếp sử dụng phương tiện phải có bằng lái theo quy định của nhà nước Việt Nam.
“Luật Giao thông đường bộ tại điều 8 cấm hành vi “Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định; giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển tham gia giao thông đường bộ”.
Nếu người cho thuê không tuân thủ quy định này, khi có tai nạn xảy ra, tùy mức độ tai nạn sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, theo điều 205 của Bộ Luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo đó, mức phạt tù cao nhất lên đến 12 năm nếu phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” - luật sư Công nói.
Chỉ phạt tiền, trục xuất
Ngày 30-1-2013, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, tuyên phạt bị cáo Li Zhong Jun (quốc tịch Trung Quốc) 30 triệu đồng vì gây tai nạn chết người tại huyện Củ Chi.
Ngày 27-9-2012, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Lars Bjronar Hanssen (quốc tịch Na Uy) 30 triệu đồng. Lars Bjronar Hanssen uống rượu say, tông chết một phụ nữ đang đứng trên lề đường tại quận 5.
Ngày 19-1-2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên trục xuất Makhov Vladimir Vladimirovich (quốc tịch Nga) do tông chết người bán hàng rong ở khu du lịch Mũi Né (Bình Thuận).
Bình luận (0)