Hiến pháp (sửa đổi) là bản Hiến pháp lần thứ 5 của nước ta kể từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, vào năm 1945. Gần 70 năm qua, 4 bản Hiến pháp 1946, 1960 (thông qua năm 1959, hiệu lực năm 1960), 1980, 1992 gắn với một giai đoạn lịch sử - phát triển của đất nước.
Những bản Hiến pháp này không chỉ đặt nền móng cho bộ máy nhà nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển mà còn vạch ra những phương hướng, nhiệm vụ lớn cũng như huy động sức mạnh của cả dân tộc để thực hiện nhiệm vụ đó.
Hiến pháp mới nhất được xem xét sửa đổi và thông qua trong bối cảnh nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực , từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội. Trong tiến trình phát triển chung của thế giới hiện nay cũng như trong tương lai, con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm, là đích đến của mọi sự phát triển.
Thế nên, có thể thấy ngay điểm mới và cũng là nổi bật nhất của Hiến pháp mới khi lần đầu tiên quyền cơ bản của con người, quyền công dân, nghĩa vụ công dân được thể hiện rõ nét nhất. Các quyền con người, quyền công dân phù hợp với Công ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên đã được ghi rõ ràng, cụ thể trong Hiến pháp và được nhà nước cam kết bảo đảm, bảo vệ và tôn trọng.
Hiến pháp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 và chắc còn cần nhiều thời gian hơn nữa để không chỉ đi vào cuộc sống mà còn phát huy hiệu quả cao nhất trong thực tiễn.
Hiến pháp mới là thành tựu, đánh dấu bước phát triển mới của đất nước nhưng mức độ của thành tựu và sự phát triển đó còn tùy thuộc vào việc được tôn trọng và phát huy hiệu quả thế nào trong thực tiễn cuộc sống.
Bình luận (0)