Trong đất có... “ma”
Kỳ lạ hơn, cứ sau mỗi trận mưa, cả trăm hécta mặt đất của làng lại lún sâu xuống khoảng 3-4cm. Nếu như trước kia, khi mưa to là gây úng ngập thì giờ đây, dù mưa lớn tới mức nào, toàn bộ nước cũng không còn tạo thành dòng chảy nữa mà bị “hút” tất vào lòng đất, giống như khi người ta tưới nước mưa lên cát khô.
Theo lời kể của ông Nguyễn Hùng Nguyên, hiện tượng đất sụt bắt đầu xảy ra từ đầu tháng 5-2006. Chỗ đất sụt lún đầu tiên nằm trong mảnh vườn của ông khi gia đình mời thợ về khoan giếng.
Khi mũi khoan vừa chạm đến mạch nước ngầm ở độ sâu 30m thì cả vùng đất xung quanh bỗng sụt xuống gần 1m với đường kính rộng 50m, tạo thành một hố lớn.
Đất sụt đã kéo đổ cả gian nhà bếp và làm nứt vỡ toàn bộ 4 gian nhà ở. Tệ hơn, khu vực xung quanh cái hố bị sụt cũng xuất hiện nhiều vết nứt nẻ chạy dài. Đến thời điểm này, nhiều vết nứt đã ăn ra cả đường nhựa.
Vụ sụt lún nhà ông Nguyên còn làm cho 4 hộ gia đình sống lân cận cũng bị rạn nứt nhà cửa, công trình phụ, đổ tường bao.
Theo ông Nguyên, thực ra người dân trong làng Phú Liễn chỉ biết đất làng mình đang sụt xuống khi phát hiện ngày càng có nhiều ngôi nhà bị rạn, nứt tường.
Do hiện tượng đất sụt lún vẫn đang tiếp tục diễn ra cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nên người dân rất lo ngại về tính mạng nếu những ngôi nhà của họ bất ngờ đổ xuống. Đến thời điểm này, ngôi nhà của ông Nguyên cũng sắp sập. Tuy nhiên, do chính quyền chưa bố trí được đất giãn dân nên gia đình ông cũng như các hộ dân khác vẫn đành phải ở lại “mảnh đất có... ma”.
Do dân đua nhau khoan giếng?
Theo ông Đặng Ngọc Chuẩn, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến, hiện tại vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân. Song một trong những căn cứ để cho rằng nguyên nhân làm đất sụt và lún dần là do thực trạng các gia đình đua nhau khoan giếng lấy nước ngầm từ nhiều năm qua. Theo thống kê, ngôi làng này đã có tới gần 200 giếng.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Nguyễn Hùng Nguyên (thôn Phú Liễn, xã Hợp Tiến) đang “võng” dần, nứt vỡ do đất lún và đành bỏ hoang do không ai dám vào ở.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng Phòng TN-MT huyện Mỹ Đức, khẳng định, các chuyên gia của Sở TN-MT tỉnh Hà Tây, Cục Quản lý tài nguyên nước và Cục Địa chất khoáng sản Việt Nam đã về Phú Liễn kiểm tra và đưa ra 3 giả định.
Một, do trong quá trình khoan giếng gặp phải một tầng chứa khí nằm trong lòng đất. Khí thoát lên đã làm mất thể tích trong lòng đất, gây nên lún, sụt.
Hai, khi khoan giếng, mũi khoan gặp phải khe nứt đá vôi có trong khu vực (vật liệu tràn vào khe nứt đá vôi) gây ra lún, sụt.
Ba là do lạm phát trong khoan nước ngầm khiến đất lún dần.
Được biết, thời gian gần đây, tại khu vực huyện Mỹ Đức (Hà Tây) đã xảy ra hiện tượng sụt lún ở thôn Vài (xã Hợp Thanh) và xã Phù Lưu Tế. Theo tiến sĩ Phạm Văn Quang- Phó Viện trưởng Viện Địa chất và môi trường (Tổng Hội địa chất khoáng sản Việt Nam) - hiện tượng này cũng tương tự vụ sụt Karst ở Cam Tuyền (Quảng Trị) hồi tháng 2-2006.
Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là giả định. UBND Hà Tây cho biết, hiện chính quyền tỉnh này đã giao cho Công ty Công nghệ địa vật lý tiến hành khảo sát địa chất để chính thức có kết luận và đưa ra phương án di dời dân nếu khu vực được xác định là nguy hiểm.
Bình luận (0)