"Các bằng chứng khoa học cho thấy chúng ta nhận thức chưa đúng về vấn đề nghiện ma túy. Giờ chúng ta đã đủ căn cứ để nói nghiện ma túy là bệnh mãn tính của não bộ, để chữa trị phải mất nhiều năm, tốn công phu" - ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), khẳng định tại buổi tọa đàm trực tuyến "Đổi mới công tác cai nghiện ma túy" chiều 24-6.
Người nghiện ma túy làm ghế thủ công tại Trường Giáo dục và Giải quyết việc làm số 3, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương Ảnh: Thiên Kim
Là bệnh, không phải tội phạm
Ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết cai nghiện ma túy ở Việt Nam đã được triển khai hơn 20 năm với hình thức chủ yếu là đưa vào trung tâm cắt cơn, cách ly người bệnh khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, hiệu quả cai nghiện và hòa nhập cộng đồng còn hạn chế.
Theo ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, trong một thời gian dài, xã hội coi người nghiện ma túy là đối tượng tệ nạn, thậm chí là tội phạm, thể hiện ở việc các trung tâm cai nghiện bắt buộc có chế độ hoạt động như là trại tạm giam; gia đình, cộng đồng kỳ thị đối với người nghiện. "Đã đến lúc thay đổi nhận thức, cần coi đây như là một căn bệnh" - ông Đắc nói.
"Do chưa hiểu đúng về nghiện ma túy nên cách làm cũng sai" - ông Đàm nhận định. Theo đó, cần xem nghiện ma túy là bệnh mãn tính nên việc điều trị phải thường xuyên, theo một phác đồ cụ thể.
"Từ việc coi người nghiện là người bệnh, chúng ta cung cấp dịch vụ chữa bệnh ở cộng đồng với mạng lưới tổ chức làm sao tiện lợi thì họ sẽ có cơ hội hòa nhập cộng đồng tốt hơn" - ông Đàm phân tích.
Tăng điều trị tự nguyện
Với người nghiện heroin, theo ông Đàm, nếu dùng thuốc thay thế như methadone, hiệu quả sẽ cao hơn. Do vậy, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong đề án tới là sẽ giảm dần việc điều trị bắt buộc trong các trung tâm, tăng dần điều trị tự nguyện tại cộng đồng, ưu tiên mở rộng điều trị bằng methadone. Cùng với đó, kết hợp các biện pháp hỗ trợ khác như tư vấn chăm sóc sức khỏe, kỹ năng sống, hướng nghiệp...
Với trung tâm cai nghiện, theo ông Đàm Hữu Đắc thì sẽ dành cho các đối tượng có tiền án, tiền sự, chuyên gây rối trật tự xã hội. Ngoài việc tổ chức các mô hình cai nghiện tại cộng đồng thì nhà nước cần khuyến khích đầu tư vào trung tâm cai nghiện tại địa phương, sản xuất thuốc cai nghiện; có chính sách hỗ trợ, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chuyên về cai nghiện ma túy.
Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Trọng Đàm, khi người nghiện từ trung tâm trở về, xã hội hay nhìn họ vừa đi cải tạo và né tránh. Do vậy, mô hình cai nghiện ở cộng đồng ưu việt hơn trong việc tạo điều kiện để họ không bị tách biệt với xã hội. Đây là mô hình hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới.
Tham gia buổi trực truyến, chị Huỳnh Như Thanh Huyền (từng 10 năm sử dụng ma túy) cho biết việc nhận thức nghiện ma túy chỉ là một căn bệnh sẽ giúp xã hội giảm kỳ thị với người nghiện, giúp họ tự tin hơn, nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ xã hội.
70.000 người được điều trị bằng methadone Ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết hiện cả nước có khoảng 60 điểm hỗ trợ điều trị nghiện bằng methadone. Theo đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy, đến năm 2015, khoảng 70.000 - 80.000 người trong tổng số 171.000 người nghiện có hồ sơ quản lý được tiếp cận với methadone. Tuy nhiên, theo ông Đàm, cần phải xác định không có mô hình nào là duy nhất, không có phác đồ nào là đúng cho tất cả người nghiện. |
Bình luận (0)