xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiểu đúng về vỉa hè mới làm đúng!

Gia Hy thực hiện

Giành lại vỉa hè thế nào để “kinh tế vỉa hè” vẫn tồn tại, bảo đảm sinh kế của người dân? Câu hỏi này đã được TS Dư Phước Tân, Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, giải đáp

Phóng viên: TP HCM đang quyết liệt giành lại vỉa hè. Vậy thì vấn đề này nên được nhận định và đánh giá thế nào, dưới góc độ nghiên cứu quản lý đô thị, thưa ông?

- TS Dư Phước Tân: Qua nghiên cứu đề tài chuyên sâu về vỉa hè, tôi nhận thấy TP HCM đã trải qua 4 giai đoạn khác nhau đối với công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, thể hiện qua các văn bản ban hành và cách thức thực thi đối với đối tượng hoạt động lấn chiếm trên vỉa hè. Cụ thể: Giai đoạn quyết liệt cấm đoán (1982-1993), giai đoạn hạn chế và thích nghi tình hình (1994-2007), giai đoạn cho phép chính thức sử dụng tạm vỉa hè trên nhiều tuyến đường (2008-2011) và cuối cùng là giai đoạn hạn chế cho phép chính thức (2013-2016).

img

Như vậy hiện nay, dường như chúng ta đang trở lại từ đầu của 4 giai đoạn trên (giai đoạn quyết liệt cấm đoán) để chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè đang rất phức tạp. Căn cứ theo xu thế phát triển vừa qua, tôi nghĩ rằng kết quả mang lại của chủ trương quyết liệt cấm đoán bước đầu có hiệu ứng tốt nhưng sẽ không khả thi về lâu dài nên cần bổ sung một chính sách xử lý căn cơ hơn, từ đúc kết kinh nghiệm của nhiều năm qua.

Nhiều người cho rằng những người bán hàng rong dựa vào vỉa hè để sống và thực tế “sau gánh hàng rong là cuộc sống của một gia đình”. Nhận định này có đúng với kết quả nghiên cứu của viện?

- Chúng ta cần phân biệt 2 đối tượng lấn chiếm. Đó là, người buôn bán từ nơi khác đến chiếm diện tích trên vỉa hè kinh doanh hay hộ kinh doanh tại chỗ lấn chiếm diện tích vỉa hè trước mặt tiền nhà. Bên cạnh đó, còn có một số đối tượng buôn bán hàng rong, xe đẩy lưu động dọc theo lòng đường, dễ gây ùn tắc giao thông. Do vậy, nếu hiểu theo khái niệm hàng rong là những người “buôn gánh bán bưng” và kể cả những người có xe đẩy chiếm dụng vỉa hè để buôn bán, theo tôi, đây thực sự là phương tiện mưu sinh của những người nghèo mà đúng như nhận định “sau gánh hàng rong là cuộc sống của một gia đình”. Do vậy, đối tượng này cần được sắp xếp, hỗ trợ nơi buôn bán theo giờ. Hiện nay, TP chúng ta đang định hướng triển khai theo quan điểm này.

Ở Việt Nam hình như từ lâu chủ nhà mặc định vỉa hè trước cửa nhà là của mình. Điều này đã nảy sinh những hệ lụy gì, thưa ông?

- Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, vỉa hè có 4 chức năng, bao gồm làm lối đi riêng cho người đi bộ (tối thiểu là 1,5 m); chứa đựng hạ tầng và tiện ích đô thị, để bố trí hệ thống cấp điện, đường cáp quang, đường ống cấp nước, cống thoát nước, đặt cột điện, cột chiếu sáng công cộng, các biển quảng cáo và trồng cây xanh; làm lối ra vào các công trình ở dọc phố và phải bảo đảm bố trí được vào các điểm tiếp cận các công trình giao thông khác như cầu vượt và hầm dành cho người đi bộ và chức năng không gian công cộng đô thị, là nơi để mọi người có thể lui tới, nhìn ngắm người qua lại hoặc đi lại tản bộ trò chuyện.

Chợ đêm Bến Thành, một không gian buôn bán vỉa hè được quản lý bài bản, cần nhân rộng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chợ đêm Bến Thành, một không gian buôn bán vỉa hè được quản lý bài bản, cần nhân rộng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Do vậy, việc mặc định vỉa hè trước nhà là thuộc sở hữu của chủ nhà là không đúng. Trong lúc chủ các căn hộ sống trong hẻm không hề có diện tích vỉa hè để sử dụng như căn hộ mặt tiền đường, về nguyên tắc công bằng, nếu chủ hộ mặt tiền muốn sử dụng tạm một phần diện tích trên vỉa hè (đất công cộng), họ phải có nghĩa vụ chi trả một khoản phí nào đó hằng tháng để có nguồn thu bảo trì cho chính vỉa hè họ đang sử dụng. Tuy nhiên, do hiện nay, TP chưa đề cập nguyên tắc này nên hệ lụy dẫn đến việc lấn chiếm sử dụng vỉa hè tự do, tràn lan, xem như là chuyện hiển nhiên.

Dư luận cho rằng “sự hiển nhiên” trên đang được các cấp chính quyền ủng hộ thông qua việc chủ nhà chiếm vỉa hè phải biết điều với cán bộ phường. Vậy phải chăng vỉa hè lại được sang tay cho cán bộ quản lý địa bàn trực tiếp? Giải tỏa dư luận này bằng cách nào, thưa ông?

- Khi vỉa hè được phân cấp cho quận, huyện quản lý, giả sử cán bộ địa phương cho phép “ngầm” và thu khoản bồi dưỡng riêng từ các hoạt động diễn ra trên vỉa hè (nếu có) sẽ tạo ra tâm lý xấu cho các đối tượng lấn chiếm vỉa hè, theo nghĩa địa phương sẽ không dám chế tài các hành vi vi phạm của họ. Điều này dẫn đến hoạt động lấn chiếm sẽ nhiều hơn và phức tạp hơn. Vì vậy, để giải quyết điều này, theo tôi, cần xác định nguyên tắc thu phí công khai sử dụng vỉa hè như trên đã đề cập. Như vậy, bảo đảm sẽ không có cảnh tái lấn chiếm vì mọi thứ đã được quản lý bài bản và công khai.

“Kinh tế vỉa hè” là khái niệm không mới ở Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để giữ được “kinh tế vỉa hè” nhưng vẫn có lối đi cho người đi bộ?

- Cho đến nay, vấn đề “kinh tế vỉa hè” đã có rất nhiều thông tin, tài liệu đề cập, kể cả các văn bản pháp lý đã được ban hành khá đa dạng và hướng đến việc quản lý hoạt động trên vỉa hè sao cho phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là cách thực thi như thế nào sẽ mang tính quyết định.

Trước hết, theo tôi, quan điểm xuyên suốt và bao trùm khi giải quyết vấn đề này là “không thể xóa bỏ hoàn toàn những hoạt động kinh tế trên vỉa hè”, mà cần xác định quan điểm giải quyết là “không xóa bỏ, chỉ nên sắp xếp lại sao cho trật tự, theo các tuyến đường cho phép kinh doanh và quy định thời gian kinh doanh để bảo đảm hài hòa giữa một bên là vấn đề mưu sinh của người dân và một bên là trật tự, mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng do hiện tượng lấn chiếm vỉa hè gây ra và nhất là ảnh hưởng đến người đi bộ.

Vậy sắp xếp thế nào là ổn thỏa, thưa ông?

- Dự thảo đề án quy hoạch 2 tuyến đường dành cho đối tượng buôn bán hàng rong của UBND quận 1 đề xuất vừa qua đã hài hòa được những lợi ích của các bên. Đó là vừa tạo điều kiện tạo thu nhập cho người lao động vừa bảo đảm công tác trật tự đô thị. Tuy nhiên, do phải hài hòa lợi ích nên người buôn bán hàng rong phải chấp nhận khó khăn (kinh doanh trong một khung giờ hạn hẹp). Đây là bước tập dượt cho thói quen ngăn nắp buôn bán trên vỉa hè theo địa điểm và giờ giấc cho phép.

“Không thể xóa bỏ hoàn toàn những hoạt động kinh tế trên vỉa hè mà chỉ nên sắp xếp lại để hài hòa giữa một bên là vấn đề mưu sinh và một bên là trật tự, mỹ quan đô thị”.

Lập công ty quản lý vỉa hè, tại sao không?

Theo TS Dư Phước Tân, để quản lý vỉa hè bài bản hơn, chính quyền TP HCM cũng nên nghĩ đến việc thành lập công ty quản lý và khai thác quỹ vỉa hè đô thị. Công ty này có thể tận dụng đơn vị hiện có là công ty công ích của các quận, huyện. Công ty này có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng... và phối hợp với các công ty về hạ tầng khác trong đô thị trong việc cải tạo chỉnh trang đô thị. Đồng thời, việc này cũng tạo ra nguồn thu rất lớn cho TP thông qua việc tổ chức khai thác vỉa hè.

Để có luận cứ đề xuất, thử tính toán sơ khởi một số lợi ích mang lại. Hiện nay, toàn TP có khoảng 3.600 km đường giao thông. Nếu lấy bình quân 6 m vỉa hè hai bên đường toàn TP, sẽ có khoảng 21,6 triệu m2 diện tích vỉa hè. Nếu sử dụng khoảng 30% diện tích có giá trị khai thác (như đậu xe, bán hàng rong, bố trí ghế ngồi nghỉ, bảng quảng cáo, quầy bán hoa, mỹ phẩm…), ước có khoảng 6,5 triệu m2 vỉa hè có giá trị kinh doanh. Nếu tính mức cho thuê 50.000 đồng/m2/tháng, ước tính nguồn thu sẽ là 3.250 tỉ đồng/năm (theo ước lượng 50.000 đồng/m2/tháng x 6,5 triệu m2 x 10 tháng). Với nguồn thu như vậy, công ty này sẽ thuê các chuyên gia nghiên cứu văn hóa trục đường, phát triển kinh doanh vỉa hè, phù hợp kinh nghiệm quản lý vỉa hè của các nước phát triển.

Bên cạnh đề xuất giải pháp thành lập một cơ quan thống nhất quản lý vỉa hè, TS Dư Phước Tân còn kiến nghị thêm một giải pháp. Đó là, có thể tận dụng không gian “bán công cộng” cho người đi bộ thông qua hình thức “hợp tác công - tư”, nghĩa là những cửa hàng dọc các tuyến đường có chiều rộng vỉa hè quá hẹp (nhỏ hơn 3 m) sẽ buộc phải bố trí lùi vào một gian trống, vỉa hè chỉ dành cho khách bộ hành. “Giải pháp này, theo tôi, sẽ góp phần giải quyết phương thức tạo không gian vỉa hè được thông thoáng hơn” - TS Tân chia sẻ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo