Chỗ sâu nhất của hồ chỉ còn 0,9 m
Trong “Đề án nghiên cứu bảo tồn rùa hồ Hoàn Kiếm” do CETASD, Ban Chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long và Viện Công nghệ sinh học phối hợp thực hiện, các cán bộ trong nhóm quan trắc chất lượng nước hồ của CETASD trong khi lấy mẫu nước ở hồ Hoàn Kiếm phục vụ cho công việc nghiên cứu đã phát hiện ra mực nước hồ quá thấp. Anh Phạm Văn Quân, một thành viên trong nhóm, kể lại: “Ngày 14-11-2003, tổ khảo sát của chúng tôi bơi thuyền ra hồ để lấy mẫu nước, và thật bất ngờ, vừa ngồi xuống thuyền thì đáy thuyền đã chạm... đất. Chúng tôi không ngờ mực nước hồ lại thấp đến thế. Sau đó, chúng tôi đo mực nước hồ tại một số điểm như: Khu vực trước tượng đài Vua Lê, khu vực gần nhà vệ sinh công cộng trên phố Đinh Tiên Hoàng... và phát hiện mực nước sâu nhất của hồ là 1,2 m - tại khu vực trước tượng đài Vua Lê, cách bờ khoảng gần 2 m; mực nước nông nhất chỉ còn 0,4 m - ở khu vực nhà vệ sinh công cộng trên phố Đinh Tiên Hoàng, cách bờ khoảng 7 m”. Ngày 28-11, nhóm nghiên cứu tiếp tục đo mực nước hồ, thu được kết quả như sau: Điểm giữa hồ sâu 1 m, điểm gần nhà hàng Thủy Tạ sâu 0,9 m, đoạn gần cống xả trên đường Hàng Khay sâu 0,7m...
Gần đây nhất, ngày 15-12, kết quả đo mực nước hồ mà nhóm nghiên cứu thu được lại thêm một lần nữa khẳng định: Nước hồ đang... cạn dần. Cụ thể: Tại khu vực gần Tháp Rùa sâu 0,7 m, tại hố ga trên đường Đinh Tiên Hoàng (cách nhà vệ sinh công cộng 7 m) sâu 0,5 m, tại cống xả ở góc đường Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng sâu 0,3 m, tại khu vực giữa hồ sâu 0,9 m... Và trong lần khảo sát này, thuyền của nhóm nghiên cứu đã không thể đi được tại nhiều điểm trước đây vẫn được cho là có mực nước rất sâu.
Theo quan sát của chúng tôi, hố ga phía đường Đinh Tiên Hoàng (khu vực gần nhà vệ sinh công cộng) trước đây nằm sâu dưới mặt nước, nhưng bây giờ đã nổi nhô hẳn lên khá cao. Nhìn thoáng qua, hồ Hoàn Kiếm vẫn yên bình; mặt hồ xanh biếc gợn từng đợt sóng... Nếu chỉ nhìn trực quan, ít ai có thể tưởng tượng được rằng tại nhiều điểm nước hồ chỉ sâu chưa đầy hai gang tay. Chúng tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên một số người xung quanh hồ với câu hỏi “Nước hồ sâu bao nhiêu mét?”. Trong số này, có 6 người cho rằng nước hồ sâu 3 - 5 m, 3 người cho rằng nước hồ sâu trên 5 m, và chỉ có một người cho rằng nước hồ sâu dưới 3 m. Tất cả đều vô cùng sửng sốt khi biết: Tại thời điểm này, chỗ sâu nhất của hồ chỉ có độ sâu chưa đầy 1 m. Ông Vũ Thế Minh - một người thường xuyên tập thể dục ở bờ hồ - tỏ vẻ bất ngờ: “Từ trước tới giờ, chúng tôi vẫn thường xuyên ngày hai buổi có mặt ở địa điểm này tập thể dục, và hưởng không khí trong lành. Tuy nhiên, nếu như nước hồ quá cạn thì đó là điều đáng báo động, vì khi đó môi trường không được trong lành như nhiều người vẫn lầm tưởng”.
Rùa hồ Gươm có bị ảnh hưởng?
Theo anh Phạm Văn Quân, thành viên của CETASD, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng nước hồ cạn là thời điểm hiện nay đang là mùa khô, lượng mưa hầu như không đáng kể, hồ không có nguồn nước dẫn vào. Hơn nữa, bùn không được nạo vét cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Hồ cạn sẽ làm nồng độ ô nhiễm của nước trong hồ tăng lên nhiều lần, mặc dù nước thải đã bị chặn hết, không chảy vào hồ mà vào cống xả của cống nước thải TP.
Tình trạng nước hồ trở nên cạn kiệt đã làm nhiều người e ngại rằng những “cụ” rùa sống trong hồ sẽ bị ảnh hưởng. Để giải tỏa mối quan ngại này, chúng tôi đã trao đổi với GS Hà Đình Đức - người có thâm niên nghiên cứu về rùa hồ Gươm. GS Đức khẳng định: “Mặc dù ở thời điểm hiện nay nước hồ rất cạn, nhưng rùa không bị ảnh hưởng. Việc rùa thường xuyên nổi là do thời tiết. Tuy nhiên, hồ cạn đi nhiều như vậy cũng làm cho nồng độ ô nhiễm tăng nhiều lần, và hàm lượng ô xy trong nước giảm. Đó cũng là nguyên nhân làm rùa nổi nhiều trong thời gian gần đây”. Theo ông, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới sự “sống còn” của rùa là lớp bùn dưới đáy hồ, bởi môi trường sống chính của rùa là bùn. Nếu tiến hành nạo vét hồ, cũng chỉ nên nạo theo kiểu “dọn rác”, tức là bóc đi khoảng 0,3 m lớp bùn phía trên. Điều đáng lo ngại là người dân, khách du lịch xả chất thải bừa bãi xuống hồ, gây ô nhiễm. Cũng theo GS Đức, để hồ liên tục được thay đổi nước mới thì cần phải cải tạo lại “dải tràn” (cống thoát nước) ở góc đường Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng. Chiếc cống này cần được xây cao thêm ít nhất là 0,3 m và cần làm cửa xoay chiều để linh động trong việc đóng mở cửa xả. Như thế sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền của trong việc lấy nước sạch vào hồ. Nếu chỉ cần xây cống cao thêm 0,3 m thì vào mùa nước, sẽ có 36.000 m3 nước mới được đưa vào hồ, tránh được tình trạng nước hồ tù đọng như hiện nay. Theo các cán bộ nghiên cứu trong “Đề án nghiên cứu bảo tồn rùa Hoàn Kiếm”, thì các phương án cải tạo hồ cần phải được bàn định một cách kỹ lưỡng, bởi không thể thay nước toàn bộ, như thế rùa trong hồ sẽ không thích ứng được với môi trường mới. Việc nạo vét, nếu làm, cũng chỉ có thể tiến hành từng phần.
Bình luận (0)