Nhiều chuyên gia y tế lo ngại con người hoàn toàn bị động trước các chủng virus cúm mới. Kể cả những loại virus cúm có một thời gian dài “làm quen” như H5N1 thì sự xuất hiện trở lại của chúng vẫn là nỗi khiếp sợ của con người.
Rất dễ lây lan, bùng phát
Trong công điện mới nhất vừa được phát ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm từ gia cầm lây sang người.
Ông Long cho biết theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong những ngày đầu năm mới 2014, tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc (TQ) tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và tăng cao so với năm 2013. Riêng trong hơn một tháng đầu năm 2014, TQ đã ghi nhận 151 trường hợp mắc mới. Trong đó, 16 người tử vong do cúm A/H7N9, nhiều hơn so với cả năm 2013. Đã có 63 ca tử vong trong số gần 300 người mắc chủng virus này và phần lớn đều tiếp xúc với gia cầm.
Trong khi đó, cũng tại TQ, đã có thêm 2 người mắc cúm A/H10N8 tại tỉnh Giang Tây và đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. H10N8 là chủng virus cúm gia cầm thứ 5 xuất hiện trong 17 năm qua tại TQ. Virus này có khả năng xâm nhập các mô sâu bên trong phổi và có những đặc điểm khiến nó dễ lây lan từ người sang người. Tại Đài Loan, một trường hợp nhiễm cúm A/H6N1 cũng đã được ghi nhận.
Đặc biệt, TQ lại vừa ghi nhận chủng cúm mới H9N2 có nguồn gốc từ chim hoang dã. Cùng đó, cuối tháng 12-2013, virus cúm độc lực cao H5N2 gây ổ dịch lâm sàng và chết nhiều gia cầm cũng đã hiện diện ở TQ, gây nhiều lo ngại cho các quốc gia láng giềng về nguy cơ nhiều chủng virus cúm độc lực cao xâm nhập, trong đó có Việt Nam.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, Việt Nam chưa ghi nhận virus H7N9 xuất hiện. Song, do virus này đã tiến sát biên giới Việt - Trung, cộng với sự bùng phát của dịch cúm A/H5N1 trên người cướp đi sinh mạng 2 người ngay trong tháng 1 vừa qua nên khả năng lây lan, bùng phát dịch rất dễ xảy ra.
“Trong dịp đầu Xuân, người dân đi lễ hội đông đúc, lại thêm thời tiết ẩm ướt nên tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho cúm gia cầm lây lan và bùng phát. Cùng đó, vào mùa lễ hội, nhu cầu tiêu thụ gia cầm của các gia đình thường lớn hơn, dễ nảy sinh các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm lậu rất khó kiểm soát” - ông Phu lo ngại.
Đành phải chung sống
TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho rằng sự thay đổi môi trường, khí hậu chính là điều kiện để virus biến đổi theo cho thích ứng.
“Virus cúm bản chất là có độc lực, có tính đột biến và thích nghi cao với 2 kháng nguyên chính - kháng nguyên H có 16 H và kháng nguyên N có 9 N - nên có thể tái tổ hợp, tạo ra rất nhiều chủng khác nhau. Virus chứa H5, H7, H9 thuộc nhóm có độc lực cao” - TS Kính băn khoăn.
Trong khi đó, GS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế, nhận định tình trạng nuôi gia cầm bừa bãi, nhỏ lẻ, không có tổ chức đã tạo ra sự “giao lưu” giữa các chủng virus cúm, từ đó dễ dàng tái tổ hợp thành các chủng cúm mới. Điều này lý giải tại sao chủng virus mới thường xuất hiện nhiều ở các nước khu vực châu Á.
GS Huấn cảnh báo rằng con người không thể tiêu diệt được mà chỉ có thể chung sống với virus cúm. Theo ông, virus cúm luôn sống ký sinh trên người hoặc động vật. Tiêu diệt cúm chẳng khác nào phá hủy thế giới động vật và con người. Hơn nữa, khả năng tự biến đổi gien và cấu trúc kháng nguyên của cúm tương đối nhanh nên mọi khám phá, hiểu biết luôn đi sau những biến hóa khôn lường của virus cúm. “Đến nay, con người vẫn bị động hoàn toàn trước sự thay đổi đến chóng mặt của virus cúm, nhất là các chủng cúm có độc lực cao đang tấn công chúng ta” - ông ưu tư.
GS Huấn cho biết với 2 kháng nguyên H và N có thể tái tổ hợp tới 144 chủng virus, “họ hàng nhà cúm” sẽ ngày càng đông và các chủng này đều có nguy cơ cao đối với con người. “Chúng ta luôn phải chạy theo sự biến hóa của virus cúm để đối phó. Con người chỉ có thể cố gắng tìm hiểu được về con đường lây, cách chúng tác động với các cơ quan trong cơ thể để giữ lấy mạng sống và sức khỏe của mình. Việc nghiên cứu các loại thuốc và vắc-xin phòng bệnh cũng là một biện pháp nhưng sự biến đổi của virus cúm là rất nhanh nên nhiều khi vắc-xin cúm được lưu hành thì đã trở nên lạc hậu” - ông nhận định.
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng về lý thuyết, khi virus cúm H7N9 lây từ gia cầm sang người là có thể gây ra đại dịch nếu nó phát triển được khả năng lây trực tiếp từ người sang người. Hiện chưa có bằng chứng về chủng H7N9 có khả năng lây lan từ người sang người. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, thông thường, khi xuất hiện, chủng virus mới sẽ thoát khỏi sự nhận biết của hệ miễn dịch, dễ dàng gây dịch lớn và dẫn đến nguy cơ tử vong cao cho cộng đồng do chưa có sức đề kháng.
Độc lực mạnh, tử vong cao
Theo giới chuyên môn, cúm A/H7N9 và H5N1 đều là virus cúm gây bệnh trên gia súc, gia cầm nhưng đến nay vẫn chưa xác định được chính xác đường lây của H7N9. Gia cầm nhiễm virus H7N9 đa số lại không có biểu hiện bệnh lý, trong khi giám sát dịch tễ cho thấy rất khó phát hiện loại virus này.
Ngay với virus cúm A/H5N1, dù chúng ta đã có hơn 10 năm “làm quen” kể từ khi dịch được phát hiện tại Việt Nam nhưng đến nay độc lực vẫn rất mạnh, tỉ lệ tử vong vẫn chiếm hơn 50%. Gần đây nhất, Việt Nam phát hiện 2 ca nhiễm cúm A/H5N1 thì cả 2 đều tử vong. Với cúm A/H7N9, tỉ lệ tử vong cũng chiếm trên 30%.
Bình luận (0)