xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hồ Tông Hiến hàm oan, chết trong ngục

THIÊN TƯỜNG

Là một danh tướng bình oa khấu uy thế lẫy lừng, Hồ Tông Hiến không ngờ sớm sa vào tuyệt lộ, như một sự báo ứng

Diệt xong Từ Hải, Trần Đông, Hồ Tông Hiến hướng mục tiêu về Lão thuyền chủ Vương Trực. Đây là đầu lĩnh oa khấu lẫy lừng, Tông Hiến muốn dương danh qua nhân vật này.

Nuốt lời hứa, giết Vương Trực

Năm Gia Tĩnh 36 (1557), Vương Trực nghe tin nhóm chiến hữu Từ Hải đều bị diệt thì cảm thấy hoang mang, mới cùng thủ hạ dong chiến thuyền xuống vùng Sầm Cảng, Ninh Ba để thăm dò tình hình.

Lúc này, Hồ Tông Hiến phái người đến gặp Tưởng Châu, chuyển thông tin đến Vương Trực rằng: “Nếu Vương công chịu quy thuận thì triều đình sẽ phong làm đô đốc, trấn giữ vùng biển”. Vương Trực nghe rất vui mừng, khẳng khái nói rằng: “Ta sẽ vì triều đình làm cho sóng yên biển lặng”.

Năm 1558, Vương Trực cho đại quân đóng trại ở Sầm Cảng, dân chúng một dải Chiết Giang đều kinh hãi, triều đình họp bàn cho là Hồ Tông Hiến “dẫn sói vào nhà”, di họa Đông Nam. Quan Án sát ngự sử Vương Bản Cố vốn không cùng quan điểm với Tông Hiến, cho bắt luôn điệp viên Tưởng Châu để điều tra tội thông đồng oa khấu.

Vương Trực thấy phía trên bờ quân lính canh phòng nghiêm mật, trận thế hùng dũng, nghiêm cấm tàu thuyền thì không vui, sai Vương Ngao đến trách Hồ Tông Hiến. Tông Hiến bèn làm giả tờ chiếu xá tội Vương Trực giao cho Vương Ngao và cử mưu sĩ tâm phúc Hạ Chính sang chỗ Trực làm con tin, tha thiết nói rằng triều đình vạn phần mong Trực quay về.

Vương Trực nhận chiếu, không còn nghi ngờ gì nữa, bèn mang theo tùy tùng lên bờ. Vương Ngao giữ Hạ Chính làm con tin cùng hơn 3.000 tinh binh vẫn đóng ngoài Sầm Cảng.

Phủ Thượng thư của Hồ Tông Hiến cũng là từ đường họ Hồ ở Long Châu, huyện Tích Khê, tỉnh An Huy - Trung Quốc Ảnh: TƯ LIỆU
Phủ Thượng thư của Hồ Tông Hiến cũng là từ đường họ Hồ ở Long Châu, huyện Tích Khê, tỉnh An Huy - Trung Quốc Ảnh: TƯ LIỆU

Bản ý Hồ Tông Hiến là muốn triều đình xá tội và trọng dụng Vương Trực để dùng địch chế địch, giải trừ nỗi lo trên biển. Nhưng sớ dâng lên, các đại thần đều phản đối, gọi Vương Trực là kẻ cầm đầu oa khấu không thể tha thứ. Trong triều lại rộ lên tin đồn là do Hồ Tông Hiến nhận hối lộ của Vương Trực rất nhiều nên cố xin tha tội cho Trực. Chìm nổi trong bể quan trường nhiều năm, Hồ Tông Hiến nghe vậy thì toát mồ hôi, lại dâng tấu thư thay đổi đề nghị trước đây, nói rằng Vương Trực “câu kết oa khấu, đánh phá cướp bóc, làm loạn Đông Nam, vùng biển chấn động, tội ác cùng cực, phải xử đại hình”.

Minh Thế Tông liền hạ chiếu khép Vương Trực vào tội theo giặc phản quốc, phải chém đầu thị chúng.

Vương Trực tại Hàng Châu ngày đêm trông tin triều đình bổ nhiệm, chuẩn bị lấy thân phận Đô đốc Minh triều tiêu diệt hải khấu. Cho đến một hôm, Vương Bản Cố dẫn quân binh ập vào bắt trói, Trực hiểu ra, chỉ cười nhạt nói: “Tông Hiến hại ta!”.

Ở trong ngục, Vương Trực viết “Tự minh sớ” cả vạn chữ để minh oan hành vi của mình chỉ là muốn thông thương, buôn bán có lợi cho dân chứ không hề phản bội, theo giặc hại nước. Ngày 15 tháng 12 năm Gia Tĩnh thứ 38 (1559), Vương Trực cùng quyến thuộc hơn 10 người bị xử chém ở cửa Thành Quan, Hàng Châu. Trực ung dung thọ hình, mặt không biến sắc.

“Hồn trung cuộn mây trắng”

Diệt được Từ Hải, Vương Trực, Hồ Tông Hiến uy danh vang dội, được triều đình trọng thưởng, thăng hàm Thái tử Thái bảo.

Quân Vương Trực tức giận thề báo thù, đánh phá từ Triều Châu đến Phúc Châu, quân triều đình do Nguyễn Ngạc chỉ huy không sao địch nổi phải đem 2 vạn lượng bạc cùng 6 chiếc thuyền mới làm quà tặng để đổi sự bình yên.

Lúc này do mất Vương Trực, các nhóm hải khấu như “quần long vô thủ”, nổi dậy quấy phá khắp nơi, giăng cờ báo thù cho Lão thuyền chủ, không ai còn nghe lời chiêu an nữa. Triều đình khiển trách Hồ Tông Hiến nặng nề. Thời điểm này, Hồ Tông Hiến đã mất chỗ dựa trong triều do cha con Nghiêm Tung bị xử tội phản quốc, còn Triệu Văn Hoa đã chết.

Từ năm 1559, La Gia Tân, Bàng Thượng Bằng phụng chiếu đi điều tra thực trạng vùng Đông Nam, nơi Tông Hiến chuyên quyền trong nhiều năm. Sớ dâng lên rằng Tông Hiến chiếm đoạt công khố đến hơn 30.000 lạng bạc, lại tiêu hủy hết sổ sách. Triều đình xét hỏi, Tông Hiến biện bạch rằng: “Thần hết lòng trừ giặc, phải sử dụng gián điệp và tiền bạc để mua chuộc. Nếu không bỏ ra cái lợi nhỏ thì không thể thành mưu lớn”. Vua cho là phải, phong Tông Hiến làm Thượng thư Bộ binh. Hiến lại dâng lên 2 con rùa trắng và linh chi ngũ sắc.

Cuối năm 1562, dưới sự chỉ đạo của tân Thủ phụ Từ Giai, Cấp sự trung Nam Kinh là Lục Phụng Nghi dâng sớ tố cáo Hồ Tông Hiến 10 trọng tội như tham nhũng quân lương, trưng lạm thuế khóa, cùng phe Nghiêm Tung đảng... Do áp lực của nhiều đại thần vốn căm thù Nghiêm Tung, Minh Thế Tông hạ lệnh bãi mọi chức vụ của Tông Hiến, áp giải về kinh. Vua niệm tình công lao chống oa khấu nên thay đổi chủ ý, hạ chiếu rằng Tông Hiến không thuộc phe đảng Nghiêm Tung, xá tội cho về quê cũ ở Long Châu, Tích Khê.

Nhưng Hồ Tông Hiến về quê được 2 năm thì kẻ thân tín là La Long Văn mắc tội, khi khám xét nhà thì quan ngự sử Uông Nhữ Chính phát hiện có bức thư của Tông Hiến gửi Long Văn nhờ “chạy án” với Nghiêm Thế Phan là con của Nghiêm Tung. Thư thể hiện lòng biết ơn và trung thành của Hồ Tông Hiến với cha con Nghiêm Tung, lại còn phụ theo một bức soạn giống như thánh chỉ. Đến mức này thì vua Gia Tĩnh nổi giận, giáng chỉ hỏi tội. Tháng 10-1565, Hồ Tông Hiến bị bắt vào ngục lần thứ hai. Trong ngục, Tông Hiến viết “Biện vu sớ” dâng lên nhưng không có kết quả.

Ngày 3-11-1565, Hồ Tông Hiến viết mấy dòng tuyệt mệnh: “Bảo kiếm mai oan ngục/ Trung hồn nhiễu bạch vân” (Gươm báu chôn ngục oan, Hồn trung cuộn mây trắng) rồi tự sát, lúc ấy mới 54 tuổi. Đến năm Long Khánh thứ 6 (1572), Hồ Tông Hiến được minh oan, truy phong dật hiệu là Tương Mậu.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-8

Không còn mặt mũi gặp cường tặc

Minh sử đánh giá Hồ Tông Hiến là “nhiều quyền biến, mê công danh, từ quen biết Triệu Văn Hoa mà liên kết với cha con Nghiêm Tung, hằ̀ng năm dâng hiến vàng bạc, mỹ nữ, đồ xa xỉ vô số... Nhưng đặt thêm lao dịch, tăng thuế khóa, dân chúng khốn khổ; còn việc chiếm đoạt của công, vơ vét tài sản của phú hào thì rất nhiều”.

Đời Thanh, nhà sử học Cốc Ứng Tần có bình rằng: “Hồ Tông Hiến tuy vung dao tự sát cũng không mặt mũi nào gặp 2 cường tặc Từ Hải, Vương Trực nơi âm cảnh. Nói mà thất tín, dối trá lập công, cuối cùng cũng không có kết thúc tốt đẹp”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo