
Giới hạn 60 m, khoan đến 81 m!
Theo Phòng Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn TP Biên Hòa hiện có 9 mỏ đá rộng 130 ha do 5 công ty khai thác (Công ty Đồng Tân, Công ty TNHH Hiệp Phong, Công ty TNHH An Phú, Công ty Cổ phần Hóa An và Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa). Tuân thủ quy hoạch, hiện các công ty đã ngưng nổ đá để khai thác. Tuy nhiên, do khối lượng đá đã nổ còn tồn đọng rất nhiều nên HĐND tỉnh Đồng Nai cho phép các công ty chế biến, vận chuyển đá khai thác tối đa đến cuối năm 2011.
Trong năm 2010, năm cuối cùng của thời hạn được nổ đá, các công ty đã tranh thủ “ăn đá”, khoan đá dữ dội. Quá bức xúc, mới đây, một hộ dân sống gần mỏ đá ở xã Hóa An, TP Biên Hòa đã làm đơn kêu cứu. Theo hộ dân này, việc khoan đá quá sâu đã khiến tầng nước ngầm xung quanh mỏ đá cạn kiệt, giếng khoan sâu hơn 100 m vẫn không có nước.
Độ sâu tối đa được khai thác đá là 60 m. Tuy nhiên, giữa năm 2010, hầu hết các công ty khai thác các mỏ đá ở TP Biên Hòa đều bị Phòng Khoáng sản phát hiện và đề nghị Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường xử phạt vì “ăn” quá sâu vào lòng đất. Cụ thể, Công ty TNHH An Phú đã vi phạm khai thác vượt độ sâu trên diện tích 1,28 ha, nơi sâu nhất đến 76 m; Công ty TNHH Hiệp Phong vi phạm khai thác vượt độ sâu trên diện tích 1,57 ha, nơi sâu nhất đến 76 m; Công ty Đồng Tân khai thác vượt độ sâu và khai thác ra ngoài khu vực được cấp phép với tổng diện tích 1,12 ha, nơi sâu nhất đến 70 m; đặc biệt, tại mỏ đá Hóa An, Công ty Cổ phần Hóa An bị phát hiện khai thác vượt độ sâu và khai thác ra ngoài khu vực được cấp phép với tổng diện tích là 9,2 ha, nơi sâu nhất tới 81 m.
Hiểm nguy chực chờ
Chiều 6-3, phóng viên Báo Người Lao Động khảo sát một mỏ đá nằm sát khu dân cư thuộc xã Hóa An, TP Biên Hòa. Rợn người là cảm giác khi chúng tôi đứng trên bờ vực mỏ đá để ghi hình khung cảnh sâu hun hút dưới lòng mỏ. Mỏ quá sâu và rộng nên nhìn những chiếc xe tải chở đá từ lòng mỏ lên như những con cóc. Một người dân đi ngang mỏ đá này rụt vai nói: “Mấy đứa nhỏ trong xóm mà mò ra đây chơi sẩy chân là chết mất xác!”. Gần đó, mỏ đá xã Tân Hạnh cũng chỉ cách đường lộ khoảng 1 km, lân cận có khá nhiều nhà dân. Mặc dù các cổng ra vào đều có chốt bảo vệ, tuy nhiên việc ra vào mỏ đá, thậm chí tiến sát vực thẳm của mỏ, lại không có ai kiểm soát, ngăn chặn.
Với độ sâu như trên, nhiều người cho rằng giải pháp cải tạo các mỏ đá ở TP Biên Hòa thành khu công viên cây xanh gắn với hồ nước, phục vụ giải trí, du lịch như quy hoạch là không nên. Ông Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng Phòng Khoáng sản Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai, nói: “Nếu để hồ ngập nước 60 - 70 m, nói thẳng chẳng ai dám đi du thuyền trên đó!”. Được biết mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã cử một đoàn cán bộ sang Malaysia tham khảo, học hỏi cách cải tạo các mỏ đá của nước bạn. “Bên đó khi kết thúc khai thác đá, có hồ sâu đến 100 m người ta vẫn sử dụng, mở rộng, xây dựng thành khu đô thị bậc thang” - ông Nghĩa cho biết.
Nhằm tránh những cái chết oan uổng, hiện nay, trước thời điểm bàn giao “hồ tử thần” cho chính quyền quản lý, các công ty khai thác đá đã trồng cây xanh, làm hàng rào xung quanh. Tuy nhiên, với 9 mỏ đá với diện tích hơn 100 ha, nằm rải rác ở các phường - xã của TP Biên Hòa liệu chính quyền địa phương có đủ lực lượng quản lý để những cái chết oan uổng không xảy ra như “hồ tử thần” ở Làng Đại học Quốc gia TPHCM?
Khoảng 50 người đã bỏ mạng
Theo người dân địa phương, từ năm 1993 đến nay, đã có khoảng 50 người bị chết đuối ở “hồ tử thần” – tên gọi của hồ nước nằm trong Làng Đại học Quốc gia TPHCM, thuộc xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Phần lớn các nạn nhân chết là do đến đây để tắm, câu cá, ngắm cảnh, chụp hình, vui chơi. Một trong những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra vào ngày 7-2-2010, 4 nữ công nhân quê Nghệ An ra đây chụp hình lưu niệm đã sẩy chân té hồ chết đuối. “Hồ tử thần” này được tạo thành do việc khai thác đá. Sau khi mỏ ngưng hoạt động, nước ngầm và nước mưa tích tụ lâu ngày tạo nên một hồ nước khá đẹp, sâu thăm thẳm. Theo nhiều chuyên gia về lĩnh vực khai thác khoáng sản, việc khai thác quá rộng và quá sâu đã vô tình tạo nên những hồ nước gần như không thể san lấp và cực kỳ nguy hiểm. |
Bình luận (0)