Theo ban tổ chức, không đặt nhiều cây là để phòng ngừa nạn bẻ cành, hái hoa, lực lượng canh giữ ngăn chặn không xuể.
Cây anh đào duy nhất được bảo vệ một cách nghiêm ngặt thành nhiều tầng, nhiều lớp để ngăn chặn người đi chơi hội bẻ, hái tùy tiện.
Lễ hội hoa anh đào, theo ý tưởng của những người tổ chức, là một tổng hòa nhiều hoạt động giới thiệu đất nước, văn hóa, con người Nhật Bản chứ không chỉ có hoa. Song, không thể phủ nhận rằng không gian lễ hội - dù không bị hoạt động canh chừng, kiểm tra làm cho quá căng thẳng - cũng ít nhiều bị ảnh hưởng từ “điểm nhấn” hơi đơn điệu này. Cảm giác hụt hẫng có thể xuất hiện ở những ai đến với mong mỏi được thấy một lễ hội có nhiều hoa anh đào như trước đây.
Đúng là tại các lễ hội hoa anh đào đã qua, sự đông đúc, tưng bừng cộng với thói vô kỷ luật, mất trật tự của một số người thiếu ý thức đã biến nơi chốn được dự kiến là điểm thưởng ngoạn thanh lịch trở thành một bãi chiến trường hỗn độn. Không chỉ người trực tiếp bẻ cành, hái hoa vô tội vạ bị coi là xấu mà cộng đồng cũng bị mang tiếng lây.
Tuy nhiên, nếu vì sợ không đủ sức ngăn chặn nạn vùi hoa, dập liễu mà chỉ mang mỗi một cây hoa ra trưng bày tại lễ hội thì có vẻ không ổn. Đáng lý ra, người tổ chức nên cố gắng giải cho được bài toán làm thế nào thu hút thật đông người đến tham quan, đồng thời vẫn bảo đảm vật trưng bày không bị hủy hoại.
Ở các nước, chuyện này không khó giải quyết. Trên một mặt bằng dân trí cao, con người được dạy dỗ cẩn thận từ bé về nhiều phương diện, đặc biệt là về cách ứng xử, giao tiếp trong không gian chung. Hầu hết người tham dự lễ hội đều đi đứng trật tự, biết nhường nhịn nhau và tôn trọng, gìn giữ, bảo vệ khung cảnh chung để cùng thưởng thức, cùng vui. Nếu có phần tử nào phá phách và gây mất trật tự thì sẽ bị phạt thật nặng, thậm chí nếu có điều kiện thì cấm cửa, không cho đi hội lần sau.
Ở nước ta, dân trí còn khiêm tốn, nhiều người đi hội có thói quen vô tư giẫm đạp thảm cỏ công cộng, xả rác bừa bãi, cười nói ồn ào, tay chân hồn nhiên vung vẩy, vồ vập tứ phía. Muốn giữ cho nơi lễ hội không bị tàn phá bởi hành vi của những người như thế, tốt nhất là lập một hàng rào khoanh khu vực lễ hội lại và tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc ra vào.
Thông thường, một khi hiểu rằng việc đi vào, đi ra của mình được đặt dưới sự kiểm soát thì tự nhiên người ta sẽ thấy cần phải thận trọng, dè chừng trong đi lại, ứng xử để tránh gặp rắc rối với nhà chức trách. Ở những điểm cần bảo vệ kỹ, như chỗ có hoa quý, nên đặt máy quay phim để quan sát, theo dõi, cho phép nhận dạng chính xác những ai làm bậy, rồi xử phạt thật nghiêm để răn đe.
Bình luận (0)