Phóng viên: Thưa ông, đã 40 năm kể từ ngày thống nhất đất nước nhưng vấn đề hòa hợp dân tộc vẫn là điều mà nhiều người thường xuyên nhắc tới. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Hàng ngàn năm qua, lịch sử đã chứng minh dân tộc Việt Nam luôn có sức mạnh đoàn kết dân tộc. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã tạo nên sức mạnh phi thường để chống ngoại xâm, chiến thắng kẻ thù. Trong giai đoạn hiện nay, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thể hiện trong việc cả nước đồng nhất, đồng lòng xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là có một bộ phận nhỏ kiều bào ở nước ngoài vẫn còn giữ định kiến, làm những việc đi ngược lại lợi ích của đất nước, dân tộc. Đây là một điều trăn trở của lãnh đạo Đảng và nhà nước. Câu chuyện hòa hợp dân tộc không phải bây giờ mới nhắc đến. Ngay từ trước năm 1975, lãnh đạo nước ta đã đề cập vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm là hòa hợp dân tộc. Năm 2004, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã xác định “Việt kiều là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt, nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng đất nước”. Chính vì vậy, thực hiện đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu cao cả và cuối cùng của toàn dân tộc Việt Nam.
Vậy, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban) đã làm gì để thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc?
- Ủy ban đã cử nhiều đoàn để tiếp cận những người còn có ý kiến khác; còn những hoạt động chống đối, lời nói xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc. Thông qua tiếp cận gián tiếp hoặc trực tiếp, chúng tôi tranh luận, giải thích, vận động, làm rõ chủ trương, đường lối đúng đắn, chuyển tải thông tin, chính sách ưu việt của Đảng và nhà nước tới những kiều bào còn thiếu thông tin hay có thông tin lệch lạc về đất nước… Nhiều người chúng tôi gặp và họ đã thay đổi quan điểm, có cái nhìn đúng đắn về đất nước. Điển hình như ông Trần Bá Phúc, kiều bào Úc, hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Úc.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mời tất cả những ai muốn tham gia vào sự nghiệp hòa hợp dân tộc về nước để họ tự mắt thấy tai nghe, tự nhìn thấy thành tựu của đất nước trong những năm qua. Từ đó, họ sẽ nhận thấy những thông tin trước kia là sai lệch, không đúng. Khi về nước sở tại, họ sẽ giải thích lại cho kiều bào. Có một số kiều bào lo ngại, không về là do trong quá khứ họ có lỗi lầm. Tuy nhiên, Đảng và nhà nước ta có chủ trương rất rõ ràng là đất mẹ Việt Nam luôn mở rộng cánh tay đón kiều bào, không phân biệt quá khứ, thành phần, bất kể người đó ra đi vì lý do nào, trong trường hợp nào, miễn là trở về với tấm lòng yêu nước, xây dựng đất nước.
Hiện nay, kiều bào về nước rất nhiều, Đảng và nhà nước đã có những chính sách cụ thể nào để tạo điều kiện cho họ sinh sống và làm ăn?
- Thứ nhất, về quốc tịch, năm 2008, chúng ta đã sửa đổi cho phép kiều bào giữ lại quốc tịch Việt Nam mà không mất quốc tịch nước họ đang sinh sống; tạo điều kiện cho họ tiếp tục phát triển tại nước sở tại và đồng thời thuận lợi về Việt Nam khi có nhu cầu. Đến năm 2014, sửa đổi một cách mạnh mẽ hơn, tất cả những ai có nguyện vọng quay trở lại quốc tịch Việt Nam thì chúng ta đều chấp nhận và được xem xét, cấp lại ngay hộ chiếu, quốc tịch. Những trường hợp không còn giấy tờ gì chứng minh, chúng ta cũng giải quyết. Vấn đề thứ 2 là mua nhà. Hiện người Việt Nam ở nước ngoài chỉ cần nhập cảnh là được phép mua nhà, không cần giấy tờ gì thêm.
Pháp luật về kinh doanh trước đây có phân biệt nhưng giờ Việt kiều được ưu đãi ngang hoặc hơn người trong nước, họ về nước còn được nhập một ô tô miễn thuế. Ở Việt Nam, không ai được hưởng quyền lợi như thế đâu, trừ ngoại giao các nước đến làm việc. Hiện có khoảng 7.000 Việt kiều đã đăng ký sở hữu nhà tại Việt Nam và trực tiếp đứng tên, chưa kể có thể không ít Việt kiều mua nhà nhờ người thân đứng tên.
Kiều bào tham dự Xuân Quê hương 2015 tăng đột biến
Chương trình Xuân Quê hương 2015 sẽ được tổ chức tại TP HCM trong 2 ngày 7 và 8-2. Đã có trên 1.500 kiều bào đăng ký tham dự và con số này đang tiếp tục tăng. Theo Thứ trưởng Vũ Hồng Nam, một trong những lý do số lượng kiều bào về quê ăn Tết ngày càng đông là do vị thế Việt Nam được nâng lên rõ rệt so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, kiều bào ngày càng tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng và nhà nước khi thực hiện nhiều chính sách đại đoàn kết dân tộc. Hiện có khoảng 4,5 triệu kiều bào sinh sống ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỗi năm có khoảng 500.000 Việt kiều về Việt Nam đón Tết cổ truyền. Năm 2014, lượng kiều hối do kiều bào gửi về nước là 12 tỉ USD. Từ năm 2007 đến năm 2013, kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 sau vốn FDI, cao hơn cả vốn ODA.
Bình luận (0)