Tối 25-5, nhận được tin báo từ Công an tỉnh Nghệ An, Đội Kiểm lâm cơ động Chi cục Kiểm lâm TPHCM phối hợp với Đội 3 Phòng Cảnh sát Môi trường Công an TPHCM tiến hành phục kích và tóm gọn một vụ buôn bán động vật hoang dã đặc biệt quý hiếm tại quận Bình Tân - TPHCM.
Beo lửa 500.000 đồng thành cọp rừng vài chục triệu
Khi cuộc mua bán đang diễn ra tại nhà ông Hồ Văn Thiết (quận Bình Tân - TPHCM), lực lượng chức năng bất ngờ xuất hiện và bắt quả tang. Tại hiện trường là một con cọp có trọng lượng 8,5 kg đã bị giết chết, còn nguyên lông, chưa xẻ thịt được đông lạnh trong thùng xốp. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm, cơ quan kiểm lâm nhận định đây không phải là cọp rừng dù bộ nanh vuốt và nhất là bộ lông với nhiều vằn rất giống cọp rừng.
Chú beo lửa này được chủ nhân của nó dùng thuốc nhuộm vẽ thêm vằn, vuốt thêm móng, răng nanh để biến thành cọp rừng.
Vụ việc bị cơ quan kiểm lâm và cảnh sát môi trường bắt ngày 25-5
Qua khai thác, chủ nhân của con “cọp rừng” thừa nhận đây thực chất là con beo lửa, được ông ta mua từ Nghệ An với giá 500.000 đồng, sau đó đưa về nhà “hóa kiếp” bằng cách dùng thuốc nhuộm đen lông, vẽ thêm vằn, vuốt thêm móng và răng nanh cho giống cọp rừng, sau đó vận chuyển bằng xe khách vào TPHCM bán với giá vài chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Lưu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM, cho biết toàn bộ hình ảnh con vật đã được gửi ra Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật ở Hà Nội để giám định chính xác là con gì: cọp, hổ mèo hay beo lửa? Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM, theo quy định của pháp luật thì dù là cọp rừng hay beo lửa cũng đều nằm trong danh mục động vật đặc biệt quý hiếm (nhóm 1B) nên có thể khởi tố hình sự.
Trước đó, vào tháng 12-2010, Chi cục Kiểm lâm TP cũng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường Công an TPHCM bắt quả tang Nguyễn Minh Tiến (ngụ quận 12) đang bán một con beo lửa cho một khách hàng. Con beo này cũng đã được chủ nhân của nó dùng thuốc nhuộm tóc để hóa trang thành cọp rừng nhằm bán với giá cao.
Xử lý hình sự để răn đe
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Người Lao Động, vụ buôn bán động vật hoang dã quý hiếm bị bắt vào đêm 25-5 có thể là mắt xích của đường dây buôn bán động vật quý hiếm từ Bắc vào Nam. Hiện vụ việc đã được chuyển lên Cơ quan Điều tra Công an TPHCM để mở rộng điều tra.

Theo ông Cương, do động vật quý hiếm bán được giá rất cao nên thời gian gần đây, nạn buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn TP diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Hầu hết động vật quý hiếm được vận chuyển từ các địa phương khác về, thậm chí từ Lào, Campuchia, sau đó bán lại cho các “đại gia” để nấu cao, hoặc chưng làm cảnh, ngâm rượu… Những loại động vật thuộc danh mục 2B hay có giá trị thấp hơn thì cho vào các nhà hàng lớn để làm đồ nhậu.
Phương thức vận chuyển cũng rất tinh vi: Hàng được cho vào thùng xốp sau đó vận chuyển bằng các phương tiện ít người để ý như xe chất lượng cao, taxi, thậm chí giấu vào trong các thùng hàng, container… để qua mặt cơ quan chức năng. “Để ngăn chặn tình trạng này, biện pháp mạnh hiện nay là phải khởi tố, xử lý hình sự để răn đe!”- ông Cương nói. Cụ thể, tháng 3-2010, Chi cục Kiểm lâm TP cùng Phòng Cảnh sát Môi trường Công an TP bắt một người tên Huê (ngụ quận 12) đang bán 3 con mèo rừng và một số động vật khác thuộc nhóm động vật quý hiếm.
Sau khi bắt quả tang, các đơn vị đã chuyển hồ sơ sang Công an quận 12 để khởi tố hình sự, xử phạt ông Huê 2 năm tù giam về tội buôn bán và tàng trữ động vật hoang dã quý hiếm trái phép. Tiếp theo đó, tháng 6-2010, Chi cục Kiểm lâm cùng cảnh sát môi trường bắt quả tang Nguyễn Văn Sang (ngụ TPHCM) đang chuẩn bị bán một con mèo rừng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3). Hiện hồ sơ đã được Công an quận 3 thụ lý, chuẩn bị khởi tố vụ án.
Giải cứu hàng ngàn cá thể
Năm tháng đầu năm 2011, Chi cục Kiểm lâm TPHCM đã triệt phá 20 vụ buôn bán động vật quý hiếm, tịch thu 791 cá thể, trong đó chủ yếu là kỳ đà, chồn… thuộc nhóm 2B. Riêng trong hai năm 2009, 2010, đơn vị này cũng đã bắt hàng trăm vụ buôn bán động vật hoang dã, giải cứu hàng ngàn cá thể. “Hiện nay ở nước ta có nhiều loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, vì vậy việc ngăn chặn được Chi cục Kiểm lâm tiến hành thường xuyên. Bên cạnh đó chúng tôi còn cài đặt lực lượng “vệ tinh”, cùng cảnh sát môi trường, lực lượng hải quan... để triệt phá nhanh các vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã” - ông Nguyễn Xuân Lưu nói. |
Bình luận (0)