Cuối năm 2010, tổng dư nợ Chính phủ là gần 47 tỉ USD, tương đương hơn 889 ngàn tỉ đồng. Đến cuối năm 2014, dư nợ Chính phủ đã tăng khoảng 105%, tương đương 86 tỉ USD, tức khoảng 1,8 triệu tỉ đồng.
Ngoài nợ Chính phủ gần 86 tỉ USD nêu trên, Chính phủ còn đứng ra bảo lãnh để vay gần 20 tỉ USD. Dư nợ Chính phủ trong giai đoạn 5 năm (2010-2014) đã tăng thêm hơn 936,6 ngàn tỉ đồng. Trong thời gian này, tổng trả nợ cũng tăng tương ứng với dư nợ (năm 2010: tổng trả nợ là hơn 4,7 tỉ USD, tương ứng 87 ngàn tỉ đồng; cuối năm 2014: tổng trả nợ 12,2 tỉ USD, tương ứng 260,8 ngàn tỉ đồng). Đến cuối năm 2015, nợ công chiếm 61,3% GDP. Tính ra, mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh khoản nợ 29 triệu đồng. Đây cũng là con số khiến người ta giật mình, lo lắng.
Dù rằng Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá ngưỡng nợ của Việt Nam “an toàn” và hoàn toàn có khả năng trả đủ 100% các khoản vay đáo hạn nhưng chúng ta vẫn rất lo. Bởi lẽ, nhận định của WB chỉ khả thi khi Việt Nam cắt giảm được bội chi ngân sách và chặn đứng lãng phí, tham nhũng. Hiện thực hóa được 2 nhiệm vụ này là điều không hề dễ dàng. Về bội chi ngân sách, báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về thu chi ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2016 cho biết ngân sách đang bị bội chi 82,9 ngàn tỉ đồng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong cân đối ngân sách nhà nước, nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chi thường xuyên, tiếp tục tăng cao, từ 50% lên 65% tổng chi. Với khả năng thu hiện nay, tổng thu ngân sách sẽ không đủ để chi thường xuyên và trả nợ. Do đó, toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào vốn vay của Chính phủ. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, năm 2016, Chính phủ dự kiến vay 452 ngàn tỉ đồng, tương ứng 20 tỉ USD.
Vậy là chúng ta vẫn phải tiếp tục đi vay để có tiền đầu tư. Mà vay nước ngoài ngày càng khó, đến tháng 7-2017, nhiều khả năng WB chấm dứt các khoản cho vay ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) đối với Việt Nam; các định chế tài chính quốc tế khác cũng sẽ dần cho Việt Nam vay từ ODA sang vay thương mại. Thế nên, yêu cầu quan trọng nhất mà chúng ta phải làm cho được là sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay.
Quyết tâm đã rõ và được quán triệt rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị nhưng liên tục nhiều năm qua, tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư công, mua sắm công sản chưa được cải thiện; vẫn còn đó hàng chục dự án ngàn tỉ bị bỏ hoang hoặc kém hiệu quả; tham nhũng vẫn nhức nhối và biến tướng tinh vi… Phát biểu tại phiên chất vấn cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận: “Thất thoát, lãng phí trong xây dựng công trình có sử dụng vốn nhà nước còn nghiêm trọng, chưa kiềm chế được”.
Chưa kéo giảm được bội chi ngân sách và còn để xảy ra lãng phí, tham nhũng công sản thì đôi quang gánh nợ công sẽ vẫn còn oằn vai mỗi người dân Việt.
Bình luận (0)