Sự cố nghiêm trọng
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó giám đốc Công ty PTSC M&C, khoảng từ 11 giờ 30 đến 13 giờ cùng ngày, Công ty TNHH Anpha, nhà thầu phụ của PTSC M&C chịu trách nhiệm chụp ảnh phóng xạ kiểm tra các mối hàn tại giàn BOD - phát hiện bị mất nguồn phóng xạ. Lúc này đang có khoảng 500 công nhân thi công giàn khoan. Tuy nhiên đến khoảng 15 giờ, Công ty Alpha mới báo với Phòng An toàn phía Công ty PTSC M&C về sự cố, ngay lúc đó công ty đã thông báo công nhân dừng làm việc, phong tỏa khu vực và sơ tán công nhân để tìm kiếm nguồn phóng xạ.
Một số công nhân đang làm việc tại công trường thì cho rằng nguồn phóng xạ bị mất từ tối 27-12 nhưng Công ty Alpha đã cố tình che giấu thông tin (!).
Đến 16 giờ 30 phút, nguồn phóng xạ bị thất lạc đã được tìm thấy. Tuy nhiên đến hơn 17 giờ cùng ngày, hàng trăm công nhân vẫn không rời khỏi công trường do lo lắng về khả năng nhiễm xạ. Đại diện Công ty PTSC M&C cho biết công ty sẽ đưa 10 công nhân (chọn ngẫu nhiên) đi xét nghiệm trước xem có bị nhiễm xạ hay không.
Alpha từng để xảy ra sự cố
Công ty TNHH Alpha đã từng để xảy ra sự cố bức xạ vào năm 2002, trong khu vực Công ty TNHH nhà máy tàu biển Hyundai - Vinashin (HVS), tỉnh Khánh Hòa. Theo nguồn tin từ Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân, sự cố xảy ra khi một nhóm 3 nhân viên chụp ảnh phóng xạ công nghiệp của Công ty Alpha tiến hành chụp ảnh phóng xạ công nghiệp bằng thiết bị sử dụng nguồn phóng xạ gamma Ir-192, hoạt độ 42,45 Ci đã gặp sự cố kẹt nguồn. Khi chụp xong phim cuối, kỹ thuật viên phụ việc chụp ảnh phóng xạ công nghiệp điều khiển thiết bị để đưa nguồn trở về container chứa nguồn thì nguồn bị kẹt, không đưa trở về được.
Công ty Alpha đã đưa 3 chuyên gia khắc phục sự cố đến hiện trường. Một kế hoạch khắc phục sự cố tỉ mỉ đã được xây dựng, phân công rõ nhiệm vụ từng người. Sơ đồ các dụng cụ cần cho khắc phục sự cố được vẽ lại. Mỗi người tham gia chỉ được sử dụng 15 - 20 giây cho một lần vào thao tác xử lý sự cố, tối đa là 4 lần. Một người được cử theo dõi thời gian để thông báo thời điểm kết thúc mỗi lần tham gia của từng người. Kế hoạch sau đó đã được diễn tập thành thục trước khi tiến hành đưa nguồn vào container chì dự phòng, chuyển xuống kho chứa nguồn là một hầm bê tông, được che chắn bổ sung bằng các tấm chì và thép trên nắp hầm chứa nguồn.
Hậu quả là 7 nhân viên của Công ty Alpha bị chiếu xạ cao nhất, bao gồm cả 3 chuyên gia khắc phục sự cố phải tiếp xúc với nguồn ở khoảng cách dưới 1 m. Tiếp đến là 7 nhân viên của Công ty Alpha nghỉ ở trong các container vận chuyển khổ lớn dùng làm văn phòng ở công trường cách nguồn từ 1,5 m – 4 m và 9 nhân viên của Công ty APAVE nghỉ trong các container văn phòng cách nguồn từ 4 m - 7 m.
Công ty TNHH Alpha là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giám định công nghiệp dầu khí và tàu thuyền bằng phương pháp kiểm tra không phá hủy NDT (Non-Destructive Testing). Theo Công ty Alpha, đây là phương pháp kiểm tra các khuyết tật của sản phẩm bằng cách sử dụng tia X hoặc một dạng sóng từ có năng lượng cao phát ra từ nguồn là máy X-ray hoặc nguồn phóng xạ. Phương pháp này hiện đang được sử dụng rất rộng rãi ở Việt Nam trong công tác kiểm tra chất lượng cho các công trình xây dựng công nghiệp. Tuy nhiên, bản thân phương pháp có rất nhiều giới hạn, do liên quan tới phóng xạ nên vấn đề an toàn khi sử dụng phương pháp được đòi hỏi rất cao.
Bình luận (0)