Kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur TPHCM mới đây đã phát hiện chuột cống tại TPHCM chứa virus gây bệnh suy thận và có thể tử vong khiến người dân bất an.
Có thể gây chết người
Theo bác sĩ Lý Huỳnh Kim Khánh, phụ trách khoa động vật côn trùng y học Viện Pasteur TPHCM, việc xét nghiệm chuột được viện thực hiện sau khi có một bệnh nhân dương tính với virus Hanta do chuột cắn. Viện đã bắt ngẫu nhiên 25 con chuột xung quanh nhà bệnh nhân để xét nghiệm. Kết quả, có 3/25 con mang virus Hanta, loại gây bệnh cho người. Viện Pasteur TPHCM mỗi tháng tiếp nhận từ 30-50 trường hợp đến tiêm ngừa uốn ván do bị chuột cắn.
Ngoài gây bệnh do virus nói trên, các bác sĩ còn cảnh báo chuột là thủ phạm gây ra gần 40 bệnh ký sinh trùng và vi sinh vật khác nhau, đem đến những dịch bệnh chết người. Cụ thể, các bệnh ký sinh trùng bên ngoài da, như: nấm da lông, bọ chét truyền dịch hạch, ghẻ; các bệnh nhiễm giun, sán gây viêm màng não, gan, bệnh “chân voi”; bệnh phong thấp qua vết cắn cào. Riêng ký sinh trùng máu nguy hiểm mà các loài chuột có thể lây truyền cho người là bệnh tiên mao trùng với những triệu chứng phù nề, rối loạn tim, tiến triển theo thể cấp tính gây tử vong hoặc theo thể mãn tính với các hội chứng thần kinh (múa giật, mất tiếng nói, rối loạn vận động…).
Sống chung với chuột
Rất nhiều khu dân cư ở TPHCM, nhất là gần kênh rạch, chợ tự phát..., bất kể ngày đêm, chuột xuất hiện liên tục và kéo vào nhà dân kiếm ăn như chốn không người. Ban đêm, những con chuột rụng hết lông, mình lở loét chạy thẳng vào nhà dân, rất dễ phát sinh dịch bệnh.
Một trong những khu vực chuột lộng hành như vậy là phường 15, quận Tân Bình. Đi dọc bờ kênh Tân Trụ và Hy Vọng vào buổi chiều, chúng tôi ghi nhận đủ loại rác thải kết thành bè trên lòng kênh. Bất kể loại rác thải nào, cứ hễ không sử dụng được thì người dân vứt xuống kênh vô tội vạ, cùng với dòng nước đen ngòm lẫn thức ăn dư thừa là điều kiện để chuột sinh sôi.
Chị Phạm Thị Mộng Thường, một người dân sống gần kênh Tân Trụ, ngao ngán cho biết: “Cứ tối đến là chuột chạy vào nhà tôi cắn phá quần áo, đồ đạc. Có những con chuột rụng hết lông, mình lở loét. Tôi sợ là chúng mang mầm bệnh vào nhà”.
Rải một ít cơm trên bờ kênh Tân Trụ làm mồi nhử, chỉ trong phút chốc, chúng tôi đã thấy có 5 con chuột to hơn cổ tay, ghẻ lở, trụi lông từ các hang bên bờ kênh lổm ngổm tiến lại mà không hề sợ có người qua lại.
Một người dân ở đây nói lúc trời bắt đầu tối, những con chuột to chui từ dưới cống nước bẩn lên rồi chạy nhốn nháo ngoài đường. Nhiều người đã đánh bẫy nhưng chúng rất khôn, dính một lần chứ không có lần thứ hai.
Mặc dù ban ngày nhưng tại một mảnh đất trống trên đường Cống Lở, hàng trăm con chuột bu quanh sọt rác để ven đường. Thấy có bóng người đi tới là chúng chạy loạn xạ.
Tại kênh Bà Tiếng dọc theo đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), người dân cũng rất khổ sở với chuột. Chị Phạm Thị Diễm, một người dân ngụ ở đây, kể: “Chuột ở đây lộng hành lắm, không những vào nhà tìm thức ăn mà còn cắn người nữa. Hôm trước, tôi đang ngủ bỗng dưới ngón chân bị đau, giựt mình dậy thấy 2 con chuột to tướng đang gặm. Sống chung với chuột như thế này chắc tôi phải chuyển nhà đi nơi khác”.
Bác Trần Thị Kiên, ngụ ở đường Cống Lở, bức xúc: “Tôi ít nhất đã 2 lần bị chuột cắn. Đang ngủ, thấy đau đau dưới ngón chân là biết bị chuột cắn rồi. Khi tỉnh dậy, tôi thấy ngón chân bị sứt một miếng, máu chảy đầm đìa. Mỗi lần như vậy tôi đều thoa thuốc, chích ngừa nhưng vẫn lo sợ không biết có bị bệnh truyền nhiễm gì không”.
Bác sĩ Trần Quang Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Bình, cho rằng tình trạng chuột hoành hành tại phường 15 của quận này là ở mức báo động và trung tâm y tế dự phòng đã tổng lực ra quân truy diệt. Hiện chuột cống có virus gây cho người bệnh suy thận nên quận sẽ tăng cường tuyên truyền cho người dân khi ngủ phải mắc màn và dọn dẹp nhà cửa
sạch sẽ.
“Tuyệt chiêu” đuổi chuột
Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, virus Hanta ủ bệnh kéo dài khoảng vài tuần và có thể gây bệnh ở thận, phổi và nguy cơ gây tử vong ở người; hiện chưa có vắc - xin phòng ngừa và chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, không phải ai bị chuột cắn cũng nhiễm và không phải chuột cống nào cũng mang virus này, chỉ lẻ tẻ chứ không thể phát triển thành dịch.
Các chuyên gia động vật và côn trùng cho biết diệt chuột là không dễ. Dùng hóa chất được cho là giải pháp hữu dụng nhưng ảnh hưởng lớn đến môi trường, sức khỏe con người; hóa chất cũng không thể giao cho người dân tùy tiện sử dụng vì rất nguy hiểm. Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh lây lan từ chuột là ngoài việc khi ngủ phải mắc màn thì nên thực hiện vệ sinh môi trường sống, nhà cửa, xử lý phế thải trong sinh hoạt, không tạo điều kiện để chuột có nơi phát triển, trú ẩn; thường xuyên làm thông các đường thoát nước; hạn chế dùng thùng giấy chứa đồ…
Ngoài ra, các chuyên gia còn chia sẻ có vài “tuyệt chiêu” để đuổi chuột hiệu quả. Đó là dùng dầu bạc hà (peppermint oil) vẩy quanh các khu vực ngóc ngách, hang ổ có chuột sinh sống (bằng cách thấm dầu vào cục bông gòn, vải). Loại dầu này bán nhiều trên thị trường. Thỉnh thoảng nên pha loãng dầu này xịt quanh nhà. Thêm một cách khác là dùng viên thuốc được luyện từ nước tiểu của kẻ thù loài chuột như mèo, cáo và chồn, bằng cách gom nước tiểu của những con vật này hòa với một vài hóa chất khác để chế thành. Chuột nghe mùi nước tiểu này là sợ. Đừng dùng thuốc hay các độc chất khác để diệt chuột, vì nếu diệt không chết thì thuốc ngấm từ từ, chuột chạy khắp nơi rồi chui vào xó xỉnh mà chết thì căn nhà sẽ trở thành ổ vi trùng, đầy mùi hôi thối, khó xử lý.
Các bác sĩ khuyến cáo ai bị chuột cắn hay tiếp xúc với chuột rồi thấy sức khỏe biểu hiện bất thường thì nên nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị.
Những thảm họa do chuột
Lịch sử thế giới đã từng ghi lại những thảm họa cho con người do dịch bệnh lây lan từ chuột. Năm 543-767, bệnh dịch lây từ chuột đã gây tử vong 40 triệu người từ châu Phi tới Địa Trung Hải và lan tới châu Á. Cơn dịch thứ nhì vào năm 1347, bắt đầu từ châu Á lan tới châu Âu, giết chết 1/4 dân số của các quốc gia có dịch. Cơn dịch thứ 3 xuất phát từ Trung Quốc vào nửa cuối thế kỷ thứ XIX và sau đó lan qua những hải cảng quan trọng trên thế giới. Năm 1910, bệnh dịch do chuột đã lan vòng quanh trái đất… |
Bình luận (0)