xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hoang tàn “đệ nhất hùng quan”

BÍCH VÂN - QUANG NHẬT

Được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” nhưng Hải Vân quan ngày càng xuống cấp bởi không được trùng tu, tôn tạo, gây nên cảnh lộn xộn, nhếch nhác

Hải Vân quan (còn gọi là cửa ải Hải Vân) nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, thuộc địa phận giáp ranh giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế, được xây dựng vào thời nhà Trần, trùng tu vào năm 1826 (thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn). Cửa ải này được xây với tường dày kiên cố, cao khoảng 6 m, bên dưới có vòm cổng lớn, bên trên là một tầng riêng có cửa sổ để quan sát. Mặt cửa hướng về tỉnh Thừa Thiên - Huế đề 3 chữ “Hải Vân quan”, mặt hướng về TP Đà Nẵng đề 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Di tích thành phế tích

Hải Vân quan được xem là công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử thời phong kiến, là vị trí chiến lược về quân sự trong các cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, thay vì được bảo quản, lưu giữ thì Hải Vân quan đang ngày càng xuống cấp, hoang tàn.

Rong rêu phủ kín, cỏ mọc um tùm tạo cảnh hoang tàn, đổ nát ở các di tích trên Hải Vân quan Ảnh: BÍCH VÂN
Rong rêu phủ kín, cỏ mọc um tùm tạo cảnh hoang tàn, đổ nát ở các di tích trên Hải Vân quan Ảnh: BÍCH VÂN

Tại di tích này hiện có hàng chục hàng quán giải khát hoặc bán hàng lưu niệm của người dân tự phát dựng lên, mạnh ai nấy làm, không theo quy hoạch nào. Các hạng mục di tích xuống cấp trầm trọng, rong rêu phủ đầy cửa ải, cỏ mọc um tùm. Lối dẫn lên Hải Vân quan cũng đổ nát, đầy cỏ dại. Một số lô cốt do quân đội Pháp xây dựng nay chứa đầy rác, bốc mùi hôi thối.

Hằng ngày, nơi đây thường đón hàng trăm du khách đến tham quan. Song, vì chưa có hình thức du lịch nào cụ thể nên du khách luôn gặp nhiều phiền hà do quá nhiều hàng quán, người bán hàng rong chèo kéo. Khu vực này lại không có bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng.

Chị Lương Thị Tuyết Trân, một du khách đến từ TP HCM, bày tỏ: “Chúng tôi không ngờ một điểm du lịch đầy tiềm năng như thế này lại đang dần bị bỏ quên, không ai giữ gìn. Nếu được bảo tồn và phát huy thì có lẽ đây là một điểm đến du lịch nổi tiếng không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn cả thế giới”.

Ranh giới bảo vệ chưa rạch ròi

Lâu nay, TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn nhùng nhằng trong việc phân định ranh giới và quản lý di tích Hải Vân quan, dù lãnh đạo cả 2 địa phương này đều cho rằng đây là một điểm du lịch hết sức quý giá, cần sớm được phân định rõ ràng để đầu tư, tôn tạo.

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Hải Vân quan là một cụm di tích lịch sử về kiến trúc quân sự của triều Nguyễn, nằm ở độ cao 490 m so với mực nước biển. Cụm bố phòng quân sự này có nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, pháo đài thần công... Nơi đây còn là một thắng cảnh nổi tiếng.

“Theo các cứ liệu thư tịch học, có thể nói một phần lớn vùng rừng núi trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển với đèo Hải Vân là thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế. Di tích Hải Vân quan thì thuộc sự quản lý của các cơ quan bảo tồn, bảo tàng tỉnh này” - TS Hải nhấn mạnh.

Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khảo sát hiện trạng Hải Vân quan, gắn bảng tên cho di tích lịch sử này; giao Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế xúc tiến lập hồ sơ trình Chính phủ công nhận di tích quốc gia. Về việc vì sao không trùng tu Hải Vân quan, ông Hải cho rằng bởi ranh giới phân vùng bảo vệ chưa rạch ròi nên di tích này chưa được công nhận.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP Đà Nẵng, giải thích vì chưa có phân định rõ ràng nên Đà Nẵng không thể quản lý Hải Vân quan. Theo ông, đây là một địa điểm thu hút khách du lịch nên cần nhanh chóng bảo tồn, trùng tu và tôn tạo.

“Không nhất thiết là Đà Nẵng hay Thừa Thiên - Huế, điều quan trọng là phải làm sao để quản lý và có kế hoạch bảo tồn. Nếu càng để kéo dài, di tích này càng hoang phế và xuống cấp thì rất đáng tiếc” - ông Cường lo ngại.

Lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết rất muốn làm hồ sơ khoanh vùng để bảo vệ, sau đó có kế hoạch trùng tu Hải Vân quan. Thế nhưng, khi Thừa Thiên - Huế làm hồ sơ gửi Cục Di sản - Bộ VH-TT-DL thì đơn vị này đề nghị lãnh đạo 2 địa phương có sự thống nhất vì nằm ở ranh giới chung.

Cửa ngõ vào kinh kỳ

Đầu thế kỷ XIX, Phú Xuân (TP Huế ngày nay) trở thành thủ đô của cả nước, là cửa ngõ đi vào vùng kinh kỳ nên cần tăng cường phòng ngự. Vì thế, tháng 2 năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng cho xây một cửa quan ở đỉnh núi Hải Vân.

Theo sách “Đại Nam thực lục” và “Đại Nam nhất thống chí” (triều Nguyễn), sau khi xây dựng xong cửa ải này, triều đình chuẩn định: “Từ cửa quan trở về Bắc thuộc quản hạt phủ Thừa Thiên, ngoài cửa quan trở về Nam thuộc quản hạt tỉnh Quảng Nam”. Vì thế, “Đại Nam nhất thống chí” liệt cả núi Hải Vân lẫn cửa Hải Vân vào quyển “Kinh sư - Thừa Thiên phủ”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo