Bác Hồ từng nói “Nghề nào trong xã hội cũng cao quý, miễn sống bằng sức lao động của mình trong khuôn khổ pháp luật”. Câu nói đó của Bác đã trở thành động lực giúp chị Huỳnh Thị Liên - Tổ trưởng Tổ Quét đường Long Hòa Đội Vệ sinh môi trường quản lý bến xe, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Cần Giờ, TP HCM - làm tròn nhiệm vụ suốt nhiều năm qua.
Làm gương mới có nêu gương
Đối với chị Liên, học Bác không ở đâu xa mà hiện hữu trong chính cuộc sống, công việc hằng ngày. Nhiệm vụ của chị ở Tổ Quét đường Long Hòa bắt đầu lúc 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Trong 8 giờ đó, chị phải bảo đảm đường sá luôn sạch sẽ, cây cỏ hai bên xanh tốt. Vào dịp lễ, Tết, lượng rác tăng gấp 4-5 lần nhưng những con đường do tổ chị phụ trách đều sạch đẹp.
Từ khi công ty triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bản thân chị Liên càng ý thức hơn vai trò của mình trong xã hội. Dù mới học hết lớp 7 nhưng chính những câu chuyện giản dị, ý nghĩa về Bác đã giúp chị tin vào chính mình, có trách nhiệm hơn với công việc.
Chia sẻ về những điều học từ Bác, chị Liên tâm sự: “Tôi học Bác rất nhiều. Bắt đầu từ những việc đơn giản như quý trọng thời gian, hoàn thành nhiệm vụ được giao, giúp đỡ đồng nghiệp. Tôi nhận thức được rằng khi lãnh đạo phân công bất cứ việc gì, phải lấy tinh thần trách nhiệm đặt lên trên hết”.
Theo chị Liên, để mọi người cùng thực hiện tốt công việc thì người tổ trưởng phải nêu gương trước. Minh chứng cho điều đó, 10 năm qua, chị chưa bao giờ trễ nải công việc. Vượt qua nhiều khó khăn, vất vả của nghề chính là cách chị Liên sống và tự hào về công việc mình đang làm như lời Bác Hồ đã dạy.
Một điển hình nêu gương khác là bà Võ Thị Bình Dân - Trưởng Ban Vận động khu phố 2, phường 12, quận 5, TP HCM. Để chị em hội viên tích cực học tập và làm theo, bà đã chọn biện pháp nêu gương, đi đầu trong các hoạt động đoàn thể, tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức lối sống, giúp đỡ người nghèo. Kết quả của sự nêu gương đó là 100% hộ dân ký hợp đồng lấy rác, đem rác đúng giờ quy định; đăng ký tiết kiệm điện, nước; trồng thêm cây xanh, cây kiểng cho tuyến đường, tuyến hẻm xanh, sạch, đẹp.
Nói về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Võ Văn Thưởng cho rằng đã dần tạo thành tính tự giác ở mỗi người, mỗi tập thể trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.
“Rất khó để nói hết những tấm gương tiêu biểu học Bác bởi lẽ dù tỏa sáng nhưng họ chỉ muốn là người bình dị đời thường, không muốn nói về mình nên trong thực tế, còn rất nhiều những gương tiêu biểu chưa được phát hiện. Nhưng chúng ta thật ấm lòng vì còn thật nhiều, nhiều lắm những người sống tốt, sống đẹp vì tấm gương đạo đức của Bác là hết sức cao cả nhưng cũng thật bình dị, gần gũi” - ông Thưởng bày tỏ.
Giản dị mà ý nghĩa
Tấm gương của Bác đã lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân. Đối với những người trẻ, việc học Bác càng được ý thức và trau dồi. Nhớ lời Bác dạy “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, Nguyễn Ngọc Bình - Đoàn phường 10, quận Phú Nhuận,
TP HCM - đã tích cực tổ chức hoạt động “Du lịch học sử” hay những chuyến đi thực tế, tìm hiểu các khu di tích; tổ chức thăm và họp mặt giao lưu với các cựu chiến binh hoặc các địa chỉ đỏ cho đoàn viên, thanh niên trong đơn vị. “Nhiều năm qua, điểm thi đại học môn sử rất thấp. Mới đây, hầu như không có bạn trẻ nào chọn môn sử để thi tốt nghiệp. Mình thấy buồn lắm nên muốn làm điều gì đó dù rất nhỏ” - Bình tâm sự.
Là một công nhân trực tiếp gia công tại xưởng và lắp đặt tại công trường, anh Trần Anh Quốc, Công ty CP Xi măng Fico Tây Ninh, đã đóng góp nhiều sáng kiến giảm được thời gian gia công, lắp đặt, tiết kiệm hàng chục tỉ đồng cho công ty. Với Quốc, để có kết quả như ngày hôm nay là nhờ vận dụng học tập và làm theo những điều giản dị từ Bác; bất cứ người nào, làm công việc gì và ở cương vị ra sao cũng có thể học Bác.
Trong buổi tuyên dương 37 điển hình làm theo lời Bác do Thành đoàn TP HCM tổ chức mới đây, có một hình ảnh rất đẹp là những điển hình thanh niên tiên tiến chuyền tay lá cờ Tổ quốc thắm đỏ. “Đây là lá cờ đã theo dân tộc Việt Nam trong suốt những cuộc trường chinh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chở ngọn lửa yêu nước để truyền qua bao thế hệ người Việt Nam. Và tuổi trẻ thành phố đã thể hiện lòng yêu nước của mình bằng sự nỗ lực học tập, lao động, chiến đấu, tiên phong ở những nơi đầu sóng ngọn gió. Đó cũng chính là sự học Bác thiết thực, ý nghĩa nhất” - Nguyễn Đức Nguyên Vỵ, Phó Chủ nhiệm CLB Quốc tế thanh niên Trường ĐH Luật TP HCM, khẳng định.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Mừng sinh nhật Bác, chúng ta càng ghi nhớ lời dặn “Phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói nổi tiếng ấy thật có nhiều ý nghĩa, tính thời sự sâu sắc và nóng hổi. Giữ lấy nước là bảo vệ Tổ quốc trước các mưu toan xâm lấn, là bảo vệ vững chắc chủ quyền trong mọi tình huống; giữ lấy nước là bảo vệ bình yên trước những hành vi gây rối, phá hoại của các thế lực thù địch; giữ lấy nước là tích cực lao động để phát triển kinh tế và đoàn kết, gắn bó vượt qua mọi thử thách.
Vượt qua cám dỗ
Đó là thiếu úy Nguyễn Thanh Thảo - Đội CSGT Công an quận 8, TP HCM. Anh đã trên 30 lần từ chối tiền hối lộ của người vi phạm. “Người vi phạm không nhận thức được hành vi của mình, họ đưa tiền nhưng tôi không nhận. Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải cảnh giác, vượt qua mọi cám dỗ, tiêu cực để thực thi nhiệm vụ một cách nghiêm minh. Hơn nữa, mình nhận tiền sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho người vi phạm. Những cán bộ ngành tư pháp cần lắm tính liêm khiết như Bác Hồ đã dạy” - thiếu úy Nguyễn Thanh Thảo tâm sự.
Bình luận (0)