Hàng trăm trường học ở vùng lũ Quảng Bình sẽ trở lại dạy học vào hôm nay, 11-10, sau một tuần bị mưa lũ nhấn chìm. Tuy nhiên, sau khi lũ rút, các ngôi trường này đang đứng trước rất nhiều khó khăn.
Học sinh Trường Tiểu học Hạ Trạch, huyện Bố Trạch – Quảng Bình giúp nhà trường phơi sách sau lũ. Ảnh: Quang Nhật
Những ngày qua, hàng trăm chiến sĩ quân đội cùng thanh niên tình nguyện của Tỉnh đoàn và Trường ĐH Quảng Bình đã về giúp các trường học dọn dẹp vệ sinh, lau chùi bàn ghế. Theo ông Nguyễn Kế Thân, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình, đợt mưa lũ vừa qua đã làm hàng trăm trường học ở 43 xã trong toàn tỉnh bị ngập chìm, hư hỏng nặng, thiệt hại hơn 300 tỉ đồng. Thầy Phạm Ngọc Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Minh - huyện Quảng Trạch, cho biết lũ đã làm tất cả đồ dùng dạy học, trang thiết bị của nhà trường hư hỏng; tường rào bị sập, lớp bùn trước sân dày gần 30 cm.
Học sinh vùng lũ Quảng Bình cũng đã mất hết sách vở và đồ dùng học tập. “Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là tất cả học sinh vùng lũ đã mất hết sách vở mà không có tiền mua lại. Phải 10-15 ngày nữa, việc dạy học tại các trường mới trở lại bình thường” - ông Nguyễn Kế Thân cho biết.
- Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến ngày 10-10, đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua đã làm 64 người chết, tăng 2 người (đều ở Quảng Bình) so với ngày 9-10; 22 người mất tích và 73 người bị thương. Hiện Hà Tĩnh vẫn còn ngập ở 5 xã của 2 huyện Hương Khê và Vũ Quang; Quảng Bình còn 9 xã và 5 thôn của 5 huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh và Tuyên Hóa bị ngập.
Cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Đôn, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch - Quảng Bình, cho biết 9 ngư dân của xã này vẫn còn mất tích, khả năng sống sót là rất ít. Trước đó, tối 4-10, tàu cá của hai ngư dân ở xã Quảng Phúc là Nguyễn Văn Chiến (24 tuổi) và Nguyễn Văn Tới (19 tuổi) đang neo đậu ở cửa sông Gianh bị nước lũ làm đứt dây neo trôi ra biển. Cùng ngày, tàu của anh Nguyễn Ngọc Tiến, cũng ở xã Quảng Phúc, cùng 6 ngư dân đang trên đường chạy vào bờ neo đậu thì gặp biển động dữ dội, mưa và gió rất to nên chìm ngoài biển.
Sau khi lũ đi qua, người thân của 9 ngư dân nêu trên ngày nào cũng ra bờ biển ngóng chờ tin người thân, ra cả Hà Tĩnh và vào tới Đà Nẵng tìm kiếm nhưng đều vô vọng. Nhiều gia đình lập bàn thờ, xem như người thân của mình đã thiệt mạng.
- Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 10-10, sau khi đi vào vùng biển ngoài khơi phía Tây tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển về phía Bắc, suy yếu và tan dần. Tuy nhiên, ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa lại xuất hiện một vùng áp thấp mới. Đến chiều 10-10, vị trí tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 9-11 độ vĩ Bắc, 110-112 độ kinh Đông.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với gió Tây Nam hoạt động mạnh, ở khu vực phía Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh, TP từ Khánh Hòa đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông nmạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh.
Trao 30 triệu đồng giúp người dân vùng lũ
Trong hai ngày 9 và 10-10, Báo NLĐ phối hợp với LĐLĐ và Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã trao 30 triệu đồng của bạn đọc hỗ trợ người dân vùng lũ ở tỉnh. Trong đó, 22 triệu đồng được trao cho người dân xã Hàm Ninh - huyện Quảng Ninh; 3 triệu đồng giúp gia đình anh Võ Duy Tuấn, công nhân Công ty Lâm nghiệp Long Đại, thiệt mạng do lũ cuốn trôi trong khi làm nhiệm vụ; 2 triệu đồng hỗ trợ gia đình chị Hoàng Thị Chuyển, ngụ xã Phong Thủy - huyện Lệ Thủy, bị điện giật chết trong lũ; 1 triệu đồng giúp gia đình ông Hoàng Văn Bường, ngụ xã Liên Trạch - huyện Bố Trạch, thiệt mạng trong lũ.
Đại diện Báo NLĐ (bìa trái)trao tiền của bạn đọc Báo NLĐ hỗ trợ người dân xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh – Quảng Bình. Ảnh: Quang Nhật
Ngoài ra, Báo NLĐ đã hỗ trợ 2 triệu đồng cho chị Trần Thị Đào, ngụ xã Quảng Minh - huyện Quảng Trạch. Trong cơn lũ vừa qua, căn nhà của gia đình chị Đào bị sập, đồ đạc cũng bị nước cuốn trôi. Chị Đào đang trở dạ chuẩn bị sinh con nhưng không có tiền đến bệnh viện nên ở nhà chờ sinh. Nhận số tiền từ bạn đọc Báo NLĐ giúp, anh Nguyễn Văn Sang, chồng chị Đào, liền thuê ngay thuyền đưa vợ lên trạm xá xã chờ sinh. Chiều cùng ngày, chị Đào đã sinh được con gái nặng 3,1 kg. “Nhờ có bạn đọc Báo NLĐ hỗ trợ, vợ con tôi được mẹ tròn con vuông” – anh Sang xúc động.
Tr.Hân – Q.Nhật |
Bình luận (0)