Những ngày sau Tết, nhiều vùng quê nghèo ven phá Tam Giang – Cầu Hai ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đâu đâu cũng chứng kiến cảnh nước mắt ly hương. Đó là những giọt nước mắt của những người làm cha, làm mẹ khóc tiễn những đứa con đang tuổi đến trường vào Nam để bắt đầu cuộc mưu sinh đầy gian khó.
Mới 14 tuổi nhưng Nguyễn Thị Như phải vào TPHCM bắt đầu cuộc mưu sinh vất vả
Gánh nặng tuổi thơ
Sáng sớm 18-2, trên những nẻo đường của thị trấn ven biển Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế có khá đông người tay xách nách mang tới bến xe đi vào Nam. Để không cho thầy giáo, bạn bè nhìn thấy, cô bé Phạm Thị Thanh Thúy, trú thôn An Hải, thị trấn Thuận An, học lớp 8 Trường THCS Thuận An, chọn cho mình chỗ ngồi đón xe ở góc khuất của một siêu thị. Mẹ Thúy, bà Nguyễn Thị Bê, ngồi bên con mà nước mắt lưng tròng. “Nó học hành được lắm nhưng gia đình nghèo khó nên đành nghỉ học vô Nam làm ăn”.
Thúy là con thứ 3, hai người chị đầu đã vào Nam, chỉ còn lại đứa út ở nhà học hành. Nay vào TPHCM, ngoài được bao ăn, ở Thúy được trả 7 triệu đồng/năm với nghề may. Số tiền đó, theo bà Bê, có thể đủ để gia đình bà trang trải nợ nần và có một chút vốn làm ăn.
Đi trong nhóm bạn của Thúy còn có cô bé Nguyễn Thị Như (14 tuổi), cùng trú thôn An Hải. Lần đầu xa quê, cô bé đang tuổi học trò này không giấu nổi vẻ hồi hộp: “Cũng biết vào đó làm vất vả lắm nhưng con còn hai đứa em, mong kiếm được ít tiền để giúp mẹ nuôi em”.
Quá trưa, chiếc xe khách 50 chỗ từ từ vào bến. Thúy bước lên xe, bà Bê nước mắt chảy trào. Thúy cũng chẳng thể nào cầm được nước mắt. “Mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe, cuối năm con sẽ về”- Thúy chỉ kịp nói vội qua ô cửa khi chiếc xe dần lăn bánh. Bà Bê lo lắng: “Từ trước đến nay có bao giờ nó xa nhà một ngày nào đâu. Không biết vào xứ người có tự chăm sóc được không nữa”.
Để em được đến trường
Ngày 17-2, gia đình em Trần Ngọc Tiến (học sinh lớp 9 Trường THCS Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) làm bữa cơm gia đình để tiễn Tiến vào TPHCM theo người anh họ làm thợ may. Bữa cơm thật tươm tất nhưng không khí chẳng thể nào vui khi những khuôn mặt người thân ai cũng rớm lệ. Từ đây, cuộc đời học trò chắc sẽ không còn với Tiến, mở ra trước mắt Tiến là muôn vàn vất vả của cuộc mưu sinh.
Nhìn con ngồi xếp sách vở, bà Nguyễn Thị Bé chẳng thể nào cầm được nước mắt: “Nó hiền lắm, học cũng được nhưng gia đình không có điều kiện nên đành cho con nghỉ học. Đã 17 tuổi rồi mà có khi nào nó đi ra khỏi cái làng này đâu, không biết vào trong đó, nó ra sao?”.
Cha mẹ Tiến làm nghề đánh cá trên phá Tam Giang – Cầu Hai, cuộc sống ngư dân vất vả nhưng không đủ ăn. Vậy nên gia đình quyết định cho Tiến nghỉ học vào Nam làm ăn, mong sao có ít tiền gửi về cho 3 đứa em đi học.
Bình luận (0)