xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hội An mất điểm vì ô nhiễm

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

Mùi hôi thối từ khu vực chùa Cầu theo gió bay khắp TP Hội An khiến người dân và du khách hết sức khó chịu

Một nhóm bạn ở TP HCM vừa đi du lịch Hội An, tỉnh Quảng Nam về đã nhận xét: “Việc ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề đang khiến Hội An dần đánh mất mình”.

Bịt mũi qua chùa Cầu

Chùa Cầu được xem là biểu tượng của TP Hội An nhưng không biết từ bao giờ, nước ở con kênh dưới chân chùa Cầu trở nên đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Du khách thưởng ngoạn trên cầu thi thoảng lại phải bịt mũi vì không chịu nổi mùi hôi. Người dân sống dọc con kênh này cũng chịu cảnh tương tự từ năm này qua năm khác. “Mùa mưa đỡ hơn, còn nắng thì không thể tả được. Mương tiêu chùa Cầu ứ đọng nước đã gần chục năm nay, mùi hôi này cũng đã hình thành chừng đó năm. Chúng tôi ở riết cũng quen nhưng du khách khi đi ngang qua chỗ này thì ai cũng lắc đầu, bịt mũi. Nhiều khi thấy du khách nước ngoài chỉ trỏ dưới nước mà mình cũng cảm thấy xấu hổ” - một người dân sống gần khu vực chùa Cầu nói.

 

Chùa Cầu bị ô nhiễm trầm trọng nhiều năm nay
Chùa Cầu bị ô nhiễm trầm trọng nhiều năm nay

 

Thống kê của các cơ quan chức năng TP Hội An cho thấy mỗi ngày, khu vực kênh chùa Cầu là bãi đáp của hàng ngàn mét khối nước thải từ các phường Minh An, Cẩm Phô và Tân An. Hàng trăm hộ dân, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dọc những tuyến đường Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Phan Châu Trinh, Trần Hưng Đạo... xả thẳng nước thải xuống dòng kênh chùa Cầu.

Theo người dân nơi đây, để hạn chế tình trạng ô nhiễm, nhiều năm qua, TP Hội An đã triển khai nhiều dự án tu bổ, cải tạo cảnh quan chùa Cầu, trong đó có một hạng mục là thành lập hệ thống máy bơm nước để rửa trôi bề mặt ô nhiễm và làm hồ điều tiết. Cứ khoảng 15 giờ mỗi ngày, nước từ sông Hoài được bơm vào ống ngầm đưa lên phía đầu con kênh để đẩy nước bẩn chảy ra  sông Hoài. Cách làm trên đang khiến con sông Hoài ngày càng ô nhiễm, trong khi mùi hôi thối chỉ giảm được chừng vài giờ thì cũng đâu lại vào đấy. Người dân sống ở quanh khu vực này, thậm chí ở cách đó vài cây số, đành phải chấp nhận cảnh sống chung với mùi hôi. Chưa nói đến việc ảnh hưởng tới sức khỏe, nhiều hộ kinh doanh cho biết doanh thu của họ cũng sụt giảm đáng kể.

Khổ sở vì rác thải

Nếu như ô nhiễm nguồn nước đang dần làm Hội An mất điểm trong mắt du khách thì việc xử lý rác thải cũng bắt đầu gây khó cho ngành chức năng TP này.

Hơn 10 năm nay, người dân thôn Bàu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà phải sống chung với mùi hôi khi bãi rác Cẩm Hà trở nên quá tải. Mùi hôi thối cộng với nước thải rò rỉ đã khiến không khí và nguồn nước bị ô nhiễm. Tuy kết quả giám sát môi trường vào cuối năm 2014 do Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh Quảng Nam tiến hành trong và ngoài Nhà máy Xử lý rác thải Hội An (thôn Bàu Ốc Thượng) cho thấy chất lượng không khí và nguồn nước tại đây vẫn nằm trong mức cho phép nhưng người dân địa phương thì liên tục “kêu trời”.

 

Bãi rác thải trên đường đến làng gốm Thanh Hà, TP Hội An
Bãi rác thải trên đường đến làng gốm Thanh Hà, TP Hội An

 

Ngoài ra, tình trạng rác thải vùng ven Hội An cũng trở thành một vấn đề gây nhiều bức xúc. Đoạn đường từ huyện Duy Xuyên đến làng gốm Thanh Hà là “điểm đen” của ô nhiễm rác thải sinh hoạt. Đây là con đường chính để khách du lịch lên Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Hai bên đường là cánh đồng lúa bát ngát nhưng ở cạnh con đường bê-tông lại có một bãi rác to. Được biết, bãi rác này nằm trên cánh đồng của xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn), giáp với phường Thanh Hà. Trước đây, xã Điện Phương cho xây dựng một hố rác để trung chuyển nhưng sau đó thấy bất hợp lý nên đã cấm đổ rác. Dù vậy, lệnh cấm không được người dân chấp hành. Một người dân làng gốm Thanh Hà than: “Người nước ngoài đến đây thấy toàn rác thì làm sao nhìn ra được vẻ đẹp của làng gốm này?”.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, thừa nhận tình trạng ô nhiễm tại khu vực chùa Cầu đã diễn ra nhiều năm nay, TP cũng có nhiều giải pháp để hạn chế nhưng chỉ mang tính tạm thời. Tháng 8-2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải thiện chất lượng nước tại khu vực chùa Cầu với tổng kinh phí gần 244 tỉ đồng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Sơn, do các thủ tục quá nhiêu khê nên dự kiến cuối năm 2015 mới có thể khởi công xây dựng. Về việc xử lý rác thải, ông Sơn cho biết Hội An đã thực hiện được một bước là phân loại rác hữu cơ và đang xây dựng gần hoàn thành lò đốt để xử lý rác. Sau khi hoàn thành, dự kiến có khoảng 50% lượng rác sẽ không phải chôn lấp.

 

Vượt giới hạn cho phép

Theo một khảo sát gần đây của các chuyên gia thuộc Viện Công nghệ môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nồng độ một số chất đo được tại một số điểm quanh khu vực chùa Cầu đã vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Ví dụ, chỉ số BOD (nhu cầu ôxy sinh học) từ 250-350 mg/lít, cao hơn 10 lần tiêu chuẩn cho phép; nồng độ TSS (tổng lượng cặn lơ lửng) và khuẩn coliform cao hơn rất nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo