“Hội An và Mỹ Sơn đã giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của cộng đồng về bảo tồn di sản văn hóa, là nền tảng động lực phát triển kinh tế” - ông Hài nói. Tuy nhiên, ông Hài lưu ý công tác trùng tu, bảo tồn còn rất nhiều khó khăn do thiếu ngân sách, việc tiếp cận các nguồn vốn thuộc chương trình hỗ trợ mục tiêu của Chính phủ còn nhiều hạn chế, do vướng mắc về sở hữu giữa tư nhân và nhà nước nên nhiều di tích xuống cấp nhưng chưa được trùng tu. Đối với di sản Mỹ Sơn, các công trình nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng tháp Chăm chưa nhiều. Công tác tu bổ, tôn tạo các công trình kiến trúc giàu tính nghệ thuật gặp nhiều khó khăn.
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch trung ương Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng Hội An từ chỗ chỉ đón khoảng 200.000 du khách (năm 1999) lên mức 2,1 triệu lượt du khách (năm 2014); GDP toàn TP Hội An từ 345 tỉ đồng (năm 1999) tăng lên 3.037 tỉ đồng (năm 2013), nguồn thu từ bán vé tham quan từ năm 1999 đến tháng 6-2014 đạt 405 tỉ đồng. So với mức đầu tư 188 tỉ đồng để trùng tu, bảo tồn thì đã thu về một con số quá lớn. “Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh làm như thế nào cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông suốt về hiệu quả đầu tư, để Chính phủ biết mà đầu tư” - ông Bài nói.
TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), đặt câu hỏi về sự liên kết giữa Hội An và Mỹ Sơn. Theo ông Hùng, lượng khách đến với 2 địa điểm này quá chênh lệch. Năm 2013, du khách đến Hội An hơn 1,6 triệu lượt người nhưng Mỹ Sơn chỉ đạt hơn 200.000 lượt người trong khi cách nhau không xa. “Cần phải xem lại sự liên kết ở đây thế nào. Chính sự thiếu liên kết đã không kéo được du khách từ Hội An đến Mỹ Sơn” - ông Hùng nói.
Kết luận mới về Hoàng thành Thăng Long
Tại hội nghị báo cáo kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên thuộc trung tâm Hoàng thành Thăng Long tổ chức ngày 16-12, 2 đơn vị tổ chức là Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long và Viện Khảo cổ học cho biết thông qua khai quật, lần đầu tiên xác định được các dấu tích kiến trúc ở trục trung tâm có niên đại kéo dài từ thời Lý đến thời hiện đại. Trong đó, bước đầu làm xuất lộ dấu tích kiến trúc lớn thời Lý như móng kiến trúc, móng tường, sân gạch và đặc biệt là đường nước lớn. Một mặt, các nhà khảo cổ cũng bước đầu xác định được một phần không gian chính điện Kính Thiên ở khu vực trung tâm như: Ngự đạo, sân Đan Trì, móng kiến trúc (hành lang), đặc biệt các di tích này đều xác định rõ 2 giai đoạn Lê sơ và Lê trung hưng chồng xếp lên nhau. Riêng dấu tích kiến trúc thời Trần nhiều nhưng bị phá hủy nghiêm trọng.
B.T.C
Bình luận (0)