Giải thích việc để xảy ra vụ việc kéo dài, ông Nguyễn Việt Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên, nói là do xã chưa báo cáo nên huyện chưa nắm. Ông Bình hứa sẽ lập đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có sai phạm như dân phản ánh.
Thời gian gần đây, tình trạng quan chức tỏ ra bất ngờ, giật mình bỗng rộ lên, kèm theo liệt kê những việc sẽ làm thế này thế nọ sau những sự cố, tai nạn, những vụ tiêu cực. Không chỉ lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Cần Thơ “bất ngờ” khi 3 cán bộ thanh tra sở bị bắt quả tang nhận hơn 3,4 tỉ đồng bảo kê mà ông Võ Kim Cự, người cấp phép cho Formosa, cũng giãi bày: “Thật sự là bất ngờ. Đùng một cái xảy ra sự cố, nghe như kiểu là tin giật gân”.
Đến vụ chìm nhà hàng nổi ở vịnh Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận vào ngày 23-7 làm 2 người thiệt mạng, nhiều người lại giật mình về thực trạng các tàu du lịch, nhà hàng bè nổi ở các địa phương. Theo Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận, vào tháng 7-2015, sở này đã xử phạt hành chính 6 nhà hàng nổi ở vịnh Vĩnh Hy vì không bảo đảm an toàn giao thông thủy. Phạt thì phạt mà tai nạn vẫn xảy ra.
Mới đây, 2 giờ ngày 25-7, trên đường Vành đai 3, gần nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), một chiếc xe 7 chỗ đâm rụng lan can cầu cạn và lao xuống đất, lái xe tử vong tại chỗ. Thông tin và hình ảnh tai nạn khiến nhiều người giật mình, lạnh tóc gáy vì thiết kế đoạn đường này có nhiều điều không ổn. Nhiều ý kiến tranh luận với lý giải của chủ đầu tư và nêu ra những khiếm khuyết trong thiết kế, nhận định đây cũng là một phần nguyên nhân để xảy ra tai nạn chết người. Sở GTVT Hà Nội cũng nhanh chóng sửa chữa khu vực bị hư hỏng, lan can bị gãy được thay thế bằng lan can sắt mới. Để hạn chế tai nạn tương tự, Sở GTVT và đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu lắp đặt thêm dải phân cách bằng bê tông, sơn phản quang, đặt theo hình vòng cung tại khu vực lái xe gặp nạn.
Sẽ rất đáng lo trước hội chứng giật mình sau những tai nạn, những sự cố để rồi vội vã đưa ra giải pháp tình thế lúc hậu quả đã nặng nề, mất mát lớn lao. Nếu được ngăn ngừa từ đầu, biệt phủ trên núi Hải Vân ở TP Đà Nẵng hay tòa nhà 8B Lê Trực đã không tồn tại rồi lùm xùm chuyện đập bỏ, tháo dỡ. Khi chúng ta có nhiều cơ quan quản lý chồng chéo mà không rõ trách nhiệm, những lỗ hổng chỉ vá tạm thời rất dễ gây tai họa trở lại lúc mọi việc trôi dần vào quên lãng, lúc đó hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng.
Bao giờ mới hết tình trạng chạy theo sự vụ, mất bò mới lo làm chuồng? Cái hội chứng giật mình phải chăng là do chủ quan, hời hợt, trách nhiệm không rõ ràng hay do tầm nhìn thiển cận hoặc lợi ích cá nhân đã làm lóa mắt người thừa hành?...
Bình luận (0)