Sáng 5-5, ông Bùi Tân Nguyên, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC), cho biết vào lúc 1 giờ cùng ngày, tàu cứu nạn SAR 412 đã tiếp cận, đưa 34 ngư dân gặp nạn vào bờ. Dự kiến, khoảng 15 giờ, các ngư dân sẽ về đến TP Đà Nẵng.
Theo ông Hồng Quốc Cường, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), sau khi nắm được thông tin về việc tàu cá QNa-95959 TS do ông Phạm Phú Thành (ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) làm thuyền trưởng cùng 33 lao động đang hành nghề câu mực trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam bị đâm chìm, lãnh đạo huyện Thăng Bình đã đến thăm hỏi, động viên người nhà của các ngư dân.
Bà Bùi Thị Luận, vợ thuyền trưởng Thành đã ngất xỉu khi nhận được thông tin tàu bị đâm chìm
Trong chiều 5-5, huyện sẽ thuê xe ra TP Đà Nẵng để đón các ngư dân về nhà. Ban đầu, UBND huyện Thăng Bình sẽ hỗ trợ mỗi ngư dân gặp nạn 1 triệu đồng để động viên tinh thần.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam sẽ cùng với lãnh đạo huyện Thăng Bình ra Đà Nẵng để đón các ngư dân. Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cũng đang lên phương án hỗ trợ cho các ngư dân gặp nạn.
Về phía người nhà các ngư dân, chiều 4-5, sau khi nhận được thông tin tàu gặp nạn, họ đã tập trung tại nhà của thuyền trưởng Phạm Phú Thành (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) để động viên, an ủi nhau. Rất đông người dân ở địa phương cũng đến đây đẻ thăm hỏi, động viên gia đình các ngư dân.
Tiếp xúc với phóng viên, bà Bùi Thị Luận (51 tuổi, vợ ông Thành) cho biết, trên tàu còn có con trai bà là Phạm Phú Nhân (19 tuổi), con rể và 2 người em ruột.
Theo bà Luận, tối 3-5, chồng bà có gọi về hỏi thăm và thông báo tàu đã đánh bắt được khoảng 28 tấn mực khô (tương đương 1,5 tỉ đồng). Nghe nói vậy, bà rất vui mừng vì đây là chuyến biển đầu tiên của năm 2016. “Chưa kịp vui mừng thì sáng 4-5, tôi nhận được thông tin tàu chồng tôi bị đâm chìm. Nghe tin mà như trời đang sập xuống nên tôi ngất xỉu khi nào cũng không hay” – bà Luận chia sẻ.
Người nhà các ngư dân và người dân địa phương tập trung tại nhà bà Luận để động viên, chia sẻ nhau
Bà Luận cho hay, chồng bà kể lại rằng, lúc tàu bị đâm chìm chỉ có 4 người trên tàu, trong đó có 3 người nấu ăn và ông Thành. 30 ngư dân khác đang thả thúng xuống biển đi câu mực. Nếu lúc tàu bị đâm chìm mà trên tàu có tất cả 34 người thì sẽ nguy hiểm.
Bà Luận cho biết, tàu QNa-95959 TS được gia đình mua lại từ năm 2012, hoạt động nghề câu mực khơi ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Để có được con tàu này, gia đình đã vay mượn ngân hàng và người thân số tiền hơn 2,5 tỉ đồng. Hiện gia đình vẫn còn nợ ngân hàng gần 1 tỉ đồng.Tàu xuất bến từ ngày 26 tháng giêng, đến nay tàu đi được 2 tháng 2 ngày.
“Biết tàu chìm là rất buồn, vì toàn bộ tài sản gần 5 tỉ đồng đã chìm sâu dưới biển, nợ nần chồng chất, nhưng an toàn về con người cũng đã may mắn lắm rồi… Nếu được các cấp ngành hỗ trợ thêm, vợ chồng tôi sẽ tiếp tục cầm cố nhà cửa để vay ngân hàng đóng lại tàu mới vươn khơi. Nghề mình là nghề biển, bỏ biển sao đành” - bà Luận quả quyết..
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, lúc 23 giờ ngày 3-5, tàu cá QNa-95959 TS do ông Thành làm thuyền trưởng cùng 33 lao động đang hành nghề câu mực trên vùng biển Hoàng Sa tại tọa độ 19o10 Vĩ bắc, 113o50 Độ kinh đông (cách Đà Nẵng khoảng 350 hải lý về hướng Đông Bắc) thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Tất cả 34 thuyền viên trên tàu sau đó được tàu cá QNa-94998-TS do ông Phạm Phú Trung (ngụ cùng xã) đi kèm cứu vớt.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Công Bảy, Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh, cho biết qua trình báo của chủ tàu và các ngư dân bị nạn, dù ban đêm không nhìn thấy số hiệu chính xác nhưng qua quan sát, họ khẳng định thủ phạm chính là tàu Trung Quốc.
Bình luận (0)