xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hỗn mang thị trường xuất bản

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Sách ngôn tình làm mưa làm gió, sách thiếu nhi đã thiếu vắng lại mắc nhiều sai sót, in sách thì “chui” và chụp giật... trong khi cơ chế quản lý có quá nhiều lỗ hổng. Đây là hiện tượng văn hóa hết sức đáng lo ngại

Nói về những quyển sách và nghề làm sách, mới đây, 2 nhà văn Jean-Claude Carrière và Umberto Eco có nhắc mọi người rằng “đừng mơ từ bỏ sách giấy”. Sách in đang bị thu hẹp thị phần, bị internet và các phương tiện truyền thông đại chúng cạnh tranh khốc liệt nhưng nó sẽ không chết và không đánh mất ưu thế của mình.

Ngổn ngang trăm mối

Nếu chúng ta chứng kiến sách in đang tìm cách chuyển hóa thành sách điện tử và phát hành trên mạng để tiếp cận được đông đảo độc giả thì đồng thời cũng diễn ra một quá trình ngược lại: nhiều tác phẩm đã công bố trên mạng, nay được tập hợp, chọn lọc, biên tập để “tái xuất giang hồ” trong hình thức của sách in, dưới một khuôn mặt mới và mang một giá trị mới.

 

Đông đảo bạn đọc trẻ đến với một hội sách ở TP HCMẢnh: HÒA BÌNH
Đông đảo bạn đọc trẻ đến với một hội sách ở TP HCMẢnh: HÒA BÌNH

 

Từ đó, những người làm xuất bản sách đã chọn một nghề nghiệp có tính đòi hỏi cao. Sách, dù là sáng tác, khảo cứu, dịch thuật hay sách công cụ, sách giáo khoa, sách hướng dẫn nấu ăn… đều cần phải được tiêu thụ và sống đời sống của nó trong thị trường. Nhưng sách bước ra thị trường không giống như những sản phẩm hàng hóa khác. Một mặt hàng công nghệ thứ phẩm, quần áo kém chất lượng… khi bị công chúng chê bai, chối bỏ, thậm chí tẩy chay, có thể điều chỉnh ngay về công thức sản xuất, chế tạo và thời gian sẽ dần dần xóa dấu của nó trong đời sống.

Trong khi đó, một đầu sách đã ấn hành, dù chỉ 500 hay 1.000 bản thì vết tích của nó để lại trên đời này sẽ rất lâu dài, thậm chí là vĩnh viễn. Và những người làm sách, không chỉ tác giả, dịch giả mà cả giám đốc, tổng biên tập, người liên kết xuất bản, người biên tập, họa sĩ, người sửa bản in… còn để lại tên mình trên sách, cùng cộng đồng trách nhiệm về sự ra đời của cuốn sách.

Ở miền Nam, trước năm 1975, trong điều kiện xuất bản tư nhân được thừa nhận, có những người dám lấy tên mình làm tên nhà xuất bản (NXB), nghĩa là dám nhận trách nhiệm về mình và sẵn sàng chịu sự phán xét của công chúng cũng như sự chế tài của pháp luật về sản phẩm văn hóa của bản thân.

Thời trước cũng như thời nay, ở xứ ta cũng như ở xứ người, sách hay, sách tốt lẫn lộn và cạnh tranh với sách dở, sách xấu là một thực trạng không dễ khắc phục. Nhưng điều đáng lo chính là sự phân định ranh giới giữa hay và dở, tốt và xấu không thật rõ ràng như hiện nay. Một số hiệu sách ở nước ngoài quy định những cuốn sách có nguy cơ gây hại cho tuổi thiếu niên thì phải trưng bày trên kệ cao nhất để độc giả nhỏ tuổi không với tới được. Ở nước ta, những cuốn sách như vậy được kiểm soát và ngăn chặn ngay từ khâu cấp giấy phép, vậy mà vẫn có những ấn phẩm lọt lưới và xuất bản, thậm chí tái bản nhiều lần.

Tình hình này diễn ra ở nhiều thể loại. Những cuốn sách âm thầm nằm đó trong cửa hiệu, thư viện, tủ sách gia đình, ngấm ngầm “điều chỉnh” nhận thức, tình cảm và hành vi của độc giả trẻ theo hướng tiêu cực và đến khi dư luận phát hiện thì đã muộn. Trong số đông bạn đọc tiếp nhận những sách đó, chắc chắn có con em của chính những người đã góp phần tạo ra sách.

Gần đây, một nhà nghiên cứu tâm sự rằng ông rất lo âu khi đọc một số tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc được dịch, in đẹp và thu hút lượng người đọc khá lớn hiện nay. Trong đó, các tác giả không chỉ miêu tả những chuyện tình éo le, gay cấn có phần giả tạo mà còn lồng vào các yếu tố tính dục thô thiển và tư tưởng của chủ nghĩa Đại Hán một cách tinh vi.

Đi tìm câu trả lời

Vì sao xảy ra những chuyện như vậy?

Đã qua cái thời sách xuất bản in theo kế hoạch mà không cần tính đến nhu cầu và sức mua của độc giả, có thể in ra hàng vạn cuốn phân phối về các thư viện để rồi nằm im trên các giá sách. Từ chế độ bao cấp về xuất bản chuyển sang hạch toán về tài chính, các NXB với cách làm ăn cũ rõ ràng là lúng túng trong việc ứng xử với những quy định mới về xuất bản, trước những nhu cầu to lớn và đa dạng của độc giả.

 

Một số sách ngôn tình Trung Quốc có cảnh nóng bị Cục Xuất bản “thổi còi” 
Ảnh: HÒA BÌNH
Một số sách ngôn tình Trung Quốc có cảnh nóng bị Cục Xuất bản “thổi còi” Ảnh: HÒA BÌNH

 

Không nên quy lỗi tình trạng này cho sự liên kết và tham gia của tư nhân vào ngành xuất bản cũng như không nên đổ trách nhiệm cho kinh tế thị trường. Một cách công bình, nếu không có chủ trương liên kết xuất bản để phát huy tiềm lực của xã hội thì không dễ có được thị trường sách năng động gần 20 năm qua. Thị trường ấy đã thỏa mãn nhiều loại công chúng khác nhau với những sản phẩm đa dạng, từ văn học đại chúng, tiêu khiển đến văn học tinh hoa, cách tân.

Thời gian qua, sự nhạy bén của những doanh nhân văn hóa đã làm cho các cơ sở xuất bản và nhà sách ở TP HCM nhộn nhịp hơn và số lượng doanh thu của các đơn vị phát hành cũng tăng nhanh. Một đóng góp cần ghi nhận là một số nhà làm sách uy tín bỏ vốn đầu tư vào loại sách công cụ, sách tra cứu, những bộ tuyển tập hay kiệt tác của những tác gia trong nước và thế giới. Điều đó không chỉ cần vốn lớn mà cần cả tầm nhìn xa về mặt văn hóa.

Nhu cầu đọc tăng, bát nháo tăng!

Theo một thống kê vào năm 1974, ở miền Nam cứ 3 đầu người đọc chung 1 bản sách trong 1 năm, không kể sách giáo khoa. Còn thống kê năm 2014, sau 40 năm, cho biết cứ 1 đầu người đọc 3,4 bản sách trong năm nhưng lại tính cả sách giáo khoa, giáo trình. Dù sao, có thể khẳng định chắc chắn: Đây là một bước tiến cho thấy thành tích của ngành xuất bản trong nỗ lực phục vụ nhu cầu tinh thần của công chúng.

Nhưng những mâu thuẫn cũng nảy sinh từ đây. Đó là mâu thuẫn giữa số lượng NXB tăng theo cấp số cộng với số lượng tư nhân tham gia làm sách tăng theo cấp số nhân. Đó là mâu thuẫn giữa năng lực chuyên môn nhất định của từng NXB với việc biên tập và quản lý danh mục sách liên kết ngày càng nhiều. Đó là mâu thuẫn giữa khả năng tài chính có hạn của từng NXB với nhiệm vụ đào tạo và tái đào tạo đội ngũ làm xuất bản chuyên nghiệp và việc trả lương cho đội ngũ đó. Về mặt này, trong tổng số 63 NXB đang hoạt động hiện nay, có đến 75% đơn vị có vốn chỉ khoảng 2 tỉ đồng trở xuống.

Về mặt chủ quan, tuy chức năng, nhiệm vụ của các NXB đã được xác định rõ ràng nhưng quan niệm về nghề làm sách đã thay đổi rất nhiều. Đối với một số ít người, làm sách là cách kiếm tiền, làm giàu được càng tốt, trước khi nói đến chuyện xa vời là sứ mạng văn hóa. Và cũng như trong những lĩnh vực hoạt động văn hóa khác, lỗi trong xuất bản vừa gây ra những hệ lụy trước mắt vừa để lại những ảnh hưởng lâu dài, làm tổn thương cho văn hóa dân tộc, để lại tiếng xấu cho chính những người làm sách.

Và cũng chính vì tình hình đó mà xã hội lại càng mong mỏi những nhà làm sách tác động tích cực vào việc thay đổi môi trường văn hóa.

 

Chiếc áo đã quá chật

Ứng với thị trường sách khá năng động và phức tạp hiện nay, chúng ta lại chưa tìm được một mô hình xuất bản tiên tiến, phù hợp với thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những quy định hiện hành về xuất bản là chiếc áo quá chật so với đòi hỏi của một cơ thể văn hóa đang nảy nở. Xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành một chu trình linh hoạt kết nối giữa sản xuất, trao đổi, phân phối, truyền bá và tiêu thụ sách để những khâu đó tác động và kích thích lẫn nhau. Điều đáng nói là chính hệ thống pháp luật về xuất bản hiện có cũng chưa được thực thi và kiểm tra nghiêm túc để ngăn ngừa và hạn chế những sai phạm. Chỉ tính riêng năm 2014, đã có đến 400 trường hợp vi phạm Luật Xuất bản.

Các cơ quan xuất bản nên soạn thảo quy chế hoạt động và áp dụng chặt chẽ trong việc liên kết với đối tác, biên tập và cấp giấy phép. Quy chế của NXB phải phù hợp với pháp luật về xuất bản chứ không thể mỗi nhà mỗi kiểu. Trong quy chế đó, cần yêu cầu ghi rõ trong mỗi cuốn sách tên thật (chứ không chỉ bút hiệu) của giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên, người sửa bản in và người chịu trách nhiệm đơn vị liên kết.

 

Hiện tượng chụp giật trong lĩnh vực xuất bản hiện nay nói lên điều gì nếu không phải là phản ánh tình trạng “ăn xổi ở thì”, hám danh hám lợi của một lối sống?

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo