Theo biên niên sử Xiêm La, người Thái “đen” đã bị đưa sang Thái Lan từ năm 1778 khi quân Xiêm La đánh Viêng Chăn, Luang Phrabang (Lào) rồi tấn công luôn Mường Thanh, Mường Muỗi của ta. Trong vòng 60 năm tiếp theo, có thêm 4 đợt “lùa” người Thái “đen” sang tỉnh Phetchaburi phía tây nam Bangkok. Đến nay, hậu duệ người Thái Điện Biên là công dân Thái Lan sống tập trung ở tỉnh Phetchaburi, và rải rác hơn 10 tỉnh khác của miền trung, một số ít ở miền nam.
Trong luận văn thạc sĩ về văn tự người Thái “đen” năm 1981, ông Visarut Suvannavivak, đại học Silpakorn, cho rằng từ tỉnh Phetchaburi, người Thái “đen” có xu hướng di chuyển lên phía bắc với ý định tìm đường trở về quê cũ tức Mường Thanh, Điện Biên Phủ. Luật Xiêm La xử lý nặng con tin trốn đi, nên người Thái “đen” phải lén lút đi từ từ. Trong hành trình tìm về quê hương, người khỏe đi tiếp, người yếu thì ở lại dọc đường. Họ đi, gặp mùa mưa ở đâu thì dừng lại nơi đấy làm ruộng lấy gạo ăn. Qua mùa nắng tiếp tục đi, cho đến khi người già chết dần, người trẻ hết phấn khởi, gặp đâu thì định cư nơi đấy.
Sinh hoạt hội hè của người Thái “đen” ở tỉnh Phetchaburi, miền nam Thái Lan - Ảnh: C.K.Q |
Dù đã sang Thái Lan hơn 200 năm, người Thái Điện Biên vẫn giữ nếp sống, phong tục tập quán riêng biệt và có tổng hội hẳn hoi. Họ ở nhà sàn mái hình mu rùa mà ngay ở Việt Nam hiện cũng còn rất ít. Phụ nữ vẫn mặc bộ quần áo màu đen, tóc búi lên đỉnh đầu như phụ nữ Thái "đen" ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Họ vẫn nói tiếng Thái “đen” với nhau, không như người Việt gốc Kinh, các thế hệ gần đây đa số đã quên tiếng của dân tộc mình.
Hôm ông Cầm Trọng, nhà nghiên cứu từ Hà Nội, đến thăm người Thái “đen” ở tỉnh Phetchaburi, họ ôm lấy ông và nói tiếng Thái "đen", “cu cu mưng mưng” (mày mày, tao tao), tự nhiên như người cùng làng. Ông Trọng khen văn tự của họ là đúng cổ truyền hơn văn tự Thái "đen" hiện nay ở Việt Nam.
Người Thái “đen” có một phong tục truyền từ đời này sang đời khác, thấm đẫm tình yêu đối với quê cha đất tổ của mình, đó là tục đọc kinh chỉ đường cho linh hồn người chết tìm về đất mẹ. Ở Thái Lan, người ta mang thi thể người chết vào chùa, đặt vào quan tài, làm lễ rồi thiêu đi. Trái lại, người Thái "đen" đặt xác người chết trên khung tre và làm lễ đọc kinh chỉ cho linh hồn biết đường trở về Mường Thanh, rồi mới mang đi nghĩa trang thiêu xác.
Kinh chỉ đường cho linh hồn có 2 bậc, bậc cao dành cho người chết cấp “tạo” tức quí tộc và bậc thấp dành cho người chết cấp “phú nói” tức thường dân. Bài kinh do “thầy mo” đọc, chỉ linh hồn đường đi dài 14 ngày, từ Thái Lan, qua Lào rồi về đến Việt Nam: “Bắt đầu từ tỉnh Phetchaburi qua tỉnh Suphanburi qua Băng Cốc, đến Mương Mày đã là buổi chiều rồi… qua sông Cửu Long, đến Mường Viêng Chăn, đã là buổi chiều rồi… Đi đến Thác Phi Phay, đi phía Na nói òi nủ, đi Mường Mốt, qua Khăm Xuống, đi phía Khăm Khoi cho đến Mường Thanh, thì hãy ngồi xuống chờ thiên thần. Khi gặp Ngài rồi thì Ngài nói gì phải nói theo. Ta đưa ngươi về đến bản đến mường rồi, đã gánh nước đổ ruộng, đến bắt cá nuôi con, đến đây làm ruộng nuôi nhà rồi. Bây giờ ta trở lại Khăm Xuống, qua Mường Mốt, qua Na nói òi nủ…”
Bài kinh chỉ đường viết bằng văn tự Lao Xống của người Thái "đen" ở Thái Lan, một loại chữ có dạng nhọn, trái với chữ Thái Điện Biên ở Việt Nam hiện tại hơi tròn. Về tên địa danh trong nước Thái Lan thì hoàn toàn đúng, đọc theo giọng Thái “đen”. Riêng về địa danh ở Lào và Việt Nam có lẽ cần kiểm tra kĩ hơn.
Hiện nay tài liệu chữ Lao Xống thất lạc đi nhiều, người biết đọc biết viết ngày càng ít đi, cũng như văn tự Lán Na miền bắc và các văn tự cổ vùng đông bắc Thái Lan vậy. Tuy nhiên, nguồn gốc của người Việt gốc Điện Biên đã được ghi rõ trong biên niên sử Xiêm La, tục đọc kinh chỉ đường vẫn tồn tại cho đến ngày nay và đã thành đề tài nghiên cứu bậc đại học. Kinh chỉ đường nói rõ con đường đi từng ngày từ tỉnh Phetchaburi nước Thái về Mường Thanh, Điện Biên và khi đưa linh hồn về tận quê xong thì người dẫn đường lại kể tên địa danh dọc theo con đường trở lại Thái Lan. Do đó không ai có thể đặt câu hỏi nghi ngờ là con đường của hành trình ấy có thật là đường về Điên Biên hay không. Nghiên cứu con đường linh hồn Lao Xống về Mường Thanh, Điện Biên hẳn là việc thú vị không ít.
Bình luận (0)