Phải nói rằng đặc tính duy tình và cách tư duy của người Việt từ xa xưa đã góp phần xây dựng, hun đúc những phẩm chất tốt đẹp của người Việt, từ tinh thần đoàn kết, yêu nước đến ý thức nhường cơm sẻ áo, đùm bọc lẫn nhau trong thiên tai, địch họa... Ngay cả với những kẻ thù hung bạo nhất, khi đã ngã ngựa, ông cha ta vẫn mở rộng vòng tay bao dung. Tính cách duy tình của người Việt đã thể hiện đậm đà trong rất nhiều câu ca dao, tục ngữ và bàng bạc trong những lời ru êm ái của mẹ. Tất cả đã trở thành máu huyết, thành văn hóa ngàn năm của dân tộc Việt Nam.
Sẽ không có gì để bàn nếu khuynh hướng duy tình của người Việt không ảnh hưởng đến việc xây dựng một xã hội phát triển bền vững mà cốt lõi là ý thức pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Cũng sẽ không có gì để mổ xẻ nhiều nếu cách cảm nhận hiện thực theo lăng kính duy tình không dễ dãi, hời hợt vì vắng bóng những tri thức cần thiết cùng chiếc chìa khóa tư duy logic.
Theo dòng phát triển của xã hội hiện đại, tâm lý dễ "mủi lòng" của không ít người Việt bắt đầu va đập với những tường thành của cách tư duy duy lý. Câu chuyện lay động về người cha có hai con bị teo não đã cho thấy điều đó. Bi kịch là nó đã sớm biến những giọt nước mắt thương cảm của ngàn vạn công chúng thành sự hụt hẫng, ngỡ ngàng như bị dội nước lạnh vào trái tim nhạy cảm!
Sự ồn ào gần đây về hiện tượng hài nhảm cũng là một ví dụ khác. Bằng những tiểu phẩm hài rổn rảng về hình thức nhưng nông cạn về tính thẩm mỹ và giáo dục, các nhà sản xuất, người biểu diễn, kể cả phương tiện truyền tải, đã bắt không ít khán giả làm "con tin" không biết từ lúc nào. Họ khiến nhiều người xem trở nên thụ động, buộc phải "nuốt" những mảng miếng gây cười nghèo nàn và dung tục đến nhàm chán! Biết vậy, nhưng một bộ phận công chúng khó mà quay lưng với thần tượng bởi họ đang thiếu điều kiện để tương tác, thiếu sự lạnh lùng và tư duy logic cần thiết cho việc đánh giá, ít ra là phê bình trên tinh thần "thương cho roi cho vọt".
Ngay cả khi nóng giận - một cảm xúc thường thấy trong đời sống hiện đại - dân Việt chúng ta cũng thiếu kỹ năng kiểm soát. Chỉ cần xem cách người ta bàn luận về một vấn đề nào đó trên mạng xã hội sẽ thấy. Có chuyện nhỏ xíu, vụn vặt nhưng lại là thỏi nam châm mạnh, thu hút rất nhiều ý kiến kiểu "chém đinh chặt sắt" trong cái vỏ ngôn ngữ chì chiết, hằn học hoàn toàn không đáng có.
Với tinh thần gạn đục khơi trong, chúng ta cần phát huy cách thức suy nghĩ, tâm lý, thói quen tốt… mang đậm dấu ấn duy tình của người Việt. Nhưng trong thế giới của hội nhập và phát triển như vũ bão hiện nay, không thể không hướng đến tư duy duy lý bằng tâm thế khai phá mạnh mẽ. Đó là sự kết hợp tất yếu để vừa cổ vũ tư duy độc lập, sáng tạo, tranh biện vừa giữ gìn hình ảnh người Việt thân thiện, hiếu hòa.
Bình luận (0)