xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hướng tầm nhìn ra biển

Tương Lai

Cứ ngẫm sâu vào truyền thuyết 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi và 50 người theo cha Lạc Long Quân xuống biển, phải chăng đã là một lựa chọn của sự cân bằng tâm thế hướng núi và hướng biển của cha ông ta?

“Mỗi người VN, dù sống ở đâu, ngay cả ở trên miền núi, hình như bao giờ cũng nghe được tiếng rì rào của biển cả ngày đêm không mỏi vỗ sóng vào bờ. Đấy là vì đất nước ta là một bán đảo có chiều dài lớn gấp 4 lần chiều rộng nhất, do đó mà không có nơi nào ở nước ta lại xa biển hơn 500 km theo đường chim bay. Ngay cây rừng cũng mọc rậm rạp hơn ở hướng nhìn ra Biển Đông và hướng nhà đâu đâu cũng quay về phía gió biển đến”. Trong Thiên nhiên VN, giáo sư - nhà giáo ưu tú Lê Bá Thảo đã nhận xét như vậy.


Tâm thế lục địa át cảm hứng đại dương


Đứng trước biển nhưng cha ông ta không có cái tâm thế vươn ra biển mà lại dồn sức đắp đê để giữ lấy “tấc đất, tấc vàng” của nghề trồng lúa nước, con trâu đi trước cái cày theo sau của cái nghiệp “nông vi bản”. Cha ông ta đã từng đánh thắng những trận thủy chiến lớn nhưng vẫn không có nổi các chiến thuyền tầm cỡ, không có mấy thuyền buôn lớn vượt biển. Ấy thế mà ở đòn quyết chiến chiến lược trên sóng nước Biển Đông, nơi cửa sông Bạch Đằng, lại chính là đòn quyết định số phận của đạo quân xâm lược viễn chinh ở thế kỷ XIII từng kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ bờ Thái Bình Dương đến bên kia Hắc Hải. Cái đế chế vốn được xây dựng trên lưng ngựa ấy lại bị đánh bại trên sóng biển nước ta! Khí phách và cảm hứng của Bà Triệu “muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông” xưa chắc đã truyền lại cho con cháu mình lập nên chiến công hiển hách ấy.

img
Chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa của VN tuần tra bảo vệ đảo Trường Sa lớn. Ảnh: T.T

Sóng Bạch Đằng không chỉ cuộn lên một lần trong lịch sử chống ngoại xâm của ông cha ta. Rồi trong chiến tranh cứu nước, giải phóng miền Nam, cùng với đường mòn Hồ Chí Minh thần kỳ xẻ dọc Trường Sơn, cũng đã có đường Hồ Chí Minh thần kỳ trên biển. Kinh nghiệm và bản lĩnh sóng nước người Việt chắc không phải quá kém cỏi. Vậy cớ sao cái tâm thế lục địa vẫn lấn át cảm hứng đại dương trong tâm thức người Việt chúng ta?


Đã ra đến sát mép nước của Thái Bình Dương bao la sóng vỗ mà rồi lững thững quay trở lại “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục ao nhà đã quen”. Chính cái “đã quen” này đã dập tắt mọi khát vọng đổi mới vươn lên, dìm chết mọi tìm tòi sáng tạo, bỏ lỡ bao thời cơ để đưa đất nước bứt phá để phát triển. Cái “đã quen” khuyến khích cung cách tự bằng lòng với lối “năng nhặt chặt bị”, “trăm hay không bằng tay quen”, sản phẩm “truyền thống” của “chủ nghĩa kinh nghiệm”, con đẻ của lối tư duy tiểu nông. Lối tư duy ấy cổ vũ một thái độ sống “ngựa quen đường cũ”, cứ “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, không dám bứt phá...


Chính cái “chủ nghĩa kinh nghiệm” ấy dẫn đến triết lý “bớt bát, mát mặt”, tự bằng lòng với một nhu cầu “cơm ba bát, áo ba manh, đói chẳng xanh, rét chẳng chết”. Thế là đủ, phiêu lưu, mạo hiểm làm gì! Triết lý ấy dẫn dắt và củng cố tâm lý “nông vi bản” khiến cho nền kinh tế giẫm chân tại chỗ, không sao chuyển nổi sang kinh tế hàng hóa, làm thui chột tính năng động xã hội. Vì thế cũng không dám vươn ra biển.


Hướng núi quyện hướng biển


Thế nhưng, cũng chính ông cha ta từng khẳng định “có cứng mới đứng đầu gió” và đã mấy ngàn năm thực sự “đứng đầu gió” như vậy. Nhưng rồi lại bị cái khung tư duy tiểu nông thít chặt đầu óc, không dám mở cửa, không  dám vươn xa, sợ “say sóng”, đành tự nhốt mình trong cái “ao nhà” với niềm an ủi “dù trong dù đục ao nhà đã quen”. Cái “đã quen” ấy, nếu diễn đạt theo ngôn ngữ của Hégel thì chính là “trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hóa”.


Theo đề nghị của Bộ Tài nguyên - Môi trường, ngày 12-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký văn bản đồng ý tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo VN.

Theo đó, Tuần lễ Biển và Hải đảo VN sẽ được Bộ Tài nguyên - Môi trường và các địa phương ven biển tổ chức hằng năm, kéo dài từ ngày 1 đến 8-6. Tuần lễ này nhằm hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới (5-6) và ngày Đại dương Thế giới (8-6).
T.An

Quả là đất nước ta “hình khe thế núi gần xa, đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao” (Chinh phụ ngâm), cho nên dựa vào sự cấu tạo của hình thể của thế liên hoàn núi sông để mở nước là một sự ràng buộc khách quan của lịch sử. Nhưng đứng trước Thái Bình Dương bao la mà vẫn không có được cái cảm hứng đại dương để vươn ra biển thoát ra khỏi cái thế kẹt “trứng nằm dưới đá” thì quả có vấn đề. Càng ngẫm nghĩ càng thấy vấn đề ấy lớn thật, khi mà con thuyền đất nước đã và đang giong buồm, vượt lên sóng cả, hướng tới một chân trời đang mở rộng. Có chuyện chi đây trong tâm thức của người VN chúng ta?


Thật ra thì từ xa xưa, chìm sâu trong tâm thức Việt không phải chỉ một chiều chọn hướng núi mà quay lưng với biển. Cứ ngẫm sâu vào truyền thuyết 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi và 50 người theo cha Lạc Long Quân xuống biển, phải chăng đã là một lựa chọn của sự cân bằng tâm thế hướng núi và hướng biển? Chỉ có điều, ân huệ của biển rất nhiều song không dễ thụ hưởng, còn tai họa vì bão lụt do biển gây ra thì lại bạo liệt tàn khốc. Vì thế, dựa vào địa hình, đó là “yếu tố trội” nhưng là yếu tố bảo thủ nhất, biến đổi chậm nhất theo thời gian. Cùng với các yếu tố tự nhiên khác như khí hậu, sông ngòi và lớp phủ sinh vật, thì chọn hướng núi, dựa vào núi để mà mở nước phải chăng là một sự lựa chọn trong thế chẳng đặng đừng vào buổi ấy?


Mặc dù vậy, trong sâu thẳm tâm thức Việt, cả hai hướng ấy quyện vào nhau. “Non cao đã biết hay chưa, Nước đi ra bể lại mưa về nguồn”. Câu thơ của Tản Đà liệu có gợi lên chút gì về điều ta đang nói? Và rồi hơn nửa thế kỷ sau, Trịnh Công Sơn, trong những biểu tượng vượt ra khỏi ý định chủ quan của người nghệ sĩ, cũng đã nói về sự gắn quyện ấy: “Trong khi ta về lại nhớ ta đi.  Đi lên non cao, đi về biển rộng”, rồi “Biển sóng, biển sóng đừng trôi xa. Bao năm chờ đợi sóng gần ta”. Ở những khoảnh khắc sáng tạo có dáng dấp của thiên tài, những dự cảm nghệ thuật từ những tác phẩm nghệ thuật lớn nói lên được khát vọng của con người, của thời đại cũng là điều dễ hiểu. Trường hợp Ernest Hemingway trong Ngư ông và biển cả là một ví dụ.


Biển đang vẫy gọi chúng ta


Và thế rồi hôm nay đâu chỉ là sự chờ đợi. Biển đang vẫy gọi chúng ta. Ngày Biển Đông và Hải đảo VN đang được đặt ra nhằm đáp ứng một nhu cầu nóng bỏng của những trái tim yêu nước muốn hòa nhịp đập với nhịp sóng trên Biển Đông. “Con mắt và trái tim chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở đường bờ biển thường được biểu diễn bằng một nét vẽ mảnh trên bản đồ: những phần đất nổi và đất nằm dưới mặt biển mà chúng ta có trách nhiệm xây dựng, khai thác và bảo vệ, rộng lớn hơn nhiều...” (Lê Bá Thảo – Thiên nhiên VN). Đấy điều mà mỗi một trẻ em VN đang ngồi trên ghế nhà trường ngay từ lớp một phải được nhập tâm.


Lịch sử đã từng ghi nhận về một tầm nhìn hướng ra biển. Đôi mắt của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn ra cái thế chiến lược của việc mở nước về phương Nam, hướng ra biển từ dãy Hoành Sơn, tạo ra một thế phát triển mới. Để rồi “với Nguyễn Hoàng, một nửa VN là mới tinh khôi và luôn luôn mới... chiến lược bừng sáng trong đầu về một chân trời mới mở rộng ra trước mắt, không phải cho một đời Nguyễn Hoàng mà cho ngàn ngàn đời một dân tộc thường xuyên đi tìm lối thoát khỏi một vị thế địa dư “trứng nằm dưới đá”... Nam tiến ngày hôm nay, đứng về mặt địa chính trị, chính là Nam tiến trong cái đầu. Phải có một dãy Hoành Sơn trong cái đầu...” (Cao Huy Thuần - Thế giới quanh ta). Quả là tầm nhìn chiến lược, xuyên lịch sử, xuyên không gian và thời gian từ đôi mắt của bậc danh sĩ thế kỷ XVI, cùng với bản lĩnh và sự nghiệp của người anh hùng đi mở cõi, đã hình thành nên diện mạo của hình thể đất nước như ngày nay, hiên ngang đứng trước biển, chống trả mọi thách thức. Với lịch sử, thời gian vừa phủ bụi lên các sự kiện, nhưng cũng lại là biến số làm nổi bật chân lý lịch sử mà thế hệ hôm nay cần thấu hiểu.


Cái thế đứng trước biển, hướng tầm nhìn ra biển đòi hỏi bản lĩnh “có cứng mới đứng được đầu gió” mà ông cha ta đã từng đúc kết, Trong cái thế đứng trước biển, vươn mạnh ra biển phải là con đường của phát triển. Đó là cái thế chiến lược của cả dân tộc trong thời đại của thế kỷ XXI. Mà muốn thế thì “sóng cả không ngã tay chèo”.


Thế rồi ta bỗng chợt ngộ ra rằng, hóa ra trên đất nước ta vùng nào cũng có “những dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi” (Trịnh Công Sơn). Lòng chúng ta bỗng tràn đầy xúc cảm với phát hiện rất tinh tế và độc đáo ấy của người nghệ sĩ tài hoa, để rồi cùng đắm mình vào sự thăng hoa trong biểu cảm nhạc sĩ thiên tài này gợi lên: “Mặt trời lấp lánh trên cao, vừa  xa vừa gần. Con sông là thuyền, mây xa là buồm. Không hẹn mà đến. Không chờ mà đi...”

Con thuyền VN đang căng buồm thời đại, đón gió đại dương hướng ra biển lớn với bản lĩnh “sóng cả không ngã tay chèo”. Bản lĩnh ấy ông cha ta đã từng dạy lại cho chúng ta “có cứng mới đứng đầu gió”. Và dân tộc ta từng thể hiện bản lĩnh đó trên sóng Biển Đông.

Đất ở đấy đất vàng đất bạc

Ở thời kỳ cổ đại, khu vực mà ngày nay chúng ta gọi là Đông Nam Á này, được các nhà hàng hải và thương nhân mô tả như là một vùng đất cực kỳ giàu có. Nhà văn và nhà khoa học cổ La Mã Plinius (23-79 sau Công nguyên) viết rằng: “Đất ở đấy là đất vàng đất bạc”. VN là một bộ phận của bán đảo truyền thuyết đó. Di chỉ Óc Eo cho thấy dấu vết của những thương nhân các nước từng đến bán đảo này. Các thuyền buôn Trung Hoa cổ đại, từ Java (Indonesia) và Mã Lai cũng đã đến đây từ Biển Đông.


Vị trí địa - chiến lược của VN càng nổi trội lên khi mà bờ biển của ta dài đến thế với những vịnh, những cảng lý tưởng cho tàu buôn neo đậu cũng như các hạm đội trú ẩn. Từ thuở ấy cho đến Hiến chương của khối ASEAN công bố cuối tháng 11-2007, đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của khối đoàn kết Đông Nam Á như một thực thể có tiếng nói có ý nghĩa trong đời sống quốc tế. Khối đoàn kết đó có ý nghĩa lớn trong tình hình tranh chấp trên Biển Đông từng lúc dịu đi, từng lúc nóng lên tùy theo mức độ cuốn hút của tỉ lệ trữ lượng tài nguyên nằm dưới thềm lục địa vừa phát hiện thêm và tương quan của thế và lực trong bối cảnh quốc tế.


Động thái vừa rồi của VN và Malaysia cùng đệ trình lên Liên Hiệp Quốc hồ sơ chung về thềm lục địa mở rộng với liệt kê phần lớn những phần lãnh hải thuộc chủ quyền mỗi nước là sự ghi nhận một cố gắng lớn trong việc giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông một cách hợp lý, hợp tình. Điều này càng làm cho đòi hỏi hướng tầm nhìn ra biển của mỗi một người VN hiểu rõ nghĩa vụ của mình với Tổ quốc là có ý nghĩa sâu xa như thế nào.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo