* l Phóng viên: Thưa ông, để đạt được mục tiêu phát triển đến năm 2020 của TPHCM là phát triển mạnh khoa học - công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức, làm nền tảng thúc đẩy TP phát triển nhanh, bền vững và từng bước trở thành trung tâm khoa học công nghệ lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, chúng ta sẽ phải làm những gì?
- PGS-TS Lê Hoài Quốc: Định hướng phát triển mạnh khoa học - công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức chính là khẳng định sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về khả năng TP của chúng ta trong việc thực hiện thành công mục tiêu này. TP sẽ là đầu tàu về phát huy tính năng động, sáng tạo truyền thống trong công cuộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nước ta từ chiều rộng sang chiều sâu, có hiệu quả đầu tư cao, góp phần chủ lực vào công cuộc hiện đại hóa đất nước.
Về lĩnh vực khoa học - công nghệ của TPHCM, chúng ta cần tập trung vào những mảng nào?
- Với vị trí trung tâm kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các khu công nghiệp mạnh của Đông Nam Bộ và vùng nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM không thể phát triển khoa học - công nghệ chỉ về công nghệ công nghiệp. Do vậy, bên cạnh các lĩnh vực công nghệ cao mà TP có ưu thế về tiềm năng nhân lực như công nghệ thông tin, cơ khí tự động hóa, hóa chất thì các trường ĐH lớn của TP cũng đang dẫn đầu về công nghệ y sinh học, nông nghiệp, môi trường. Do vậy, khó có thể xác định là TP nên tập trung vào một hay 2 lĩnh vực công nghệ cao nào. Tất cả nhu cầu phát triển đều chịu sự tác động của cơ chế thị trường, mà đơn đặt hàng về khoa học - công nghệ cho TP thì đa dạng cho sự phát triển bền vững nền kinh tế tri thức của cả vùng phía Nam.
Hiện chúng ta gặp những khó khăn, thách thức gì trong việc thực hiện những nhiệm vụ trên?
- Để từng bước trở thành trung tâm mạnh về khoa học - công nghệ, chắc chắn cần sự nỗ lực phấn đấu rất cao của tất cả các ngành, đơn vị, doanh nghiệp... Trong đó, trước hết là những chính sách khuyến khích phù hợp và mạnh mẽ để thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội nhằm xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ cao; chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với người hoạt động nghiên cứu, sáng tạo; đổi mới cơ chế quản lý phát triển khoa học - công nghệ; cơ chế thu hút, đào tạo, sử dụng nhân tài và tập trung đầu tư, tạo môi trường cho đội ngũ trí thức, lực lượng sản xuất mới có đất dụng võ, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh tế TP.
Quan tâm hơn đến đãi ngộ trí thức Đội ngũ các nhà quản lý, nhà khoa học được định hướng như thế nào trong việc thực hiện nhiệm vụ này, thưa ông? Ngày 14-8 vừa qua, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã phối hợp với Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM và Thành đoàn TP tổ chức hội thảo Trí thức trẻ tham gia hoạt động công nghệ cao TPHCM. Tại đây, nhiều lần các bạn trẻ nhắc đến từ đam mê khoa học - công nghệ... Hội thảo cũng nhất trí về định hướng thị trường cho các nhà khoa học trẻ ở các lĩnh vực công nghệ cao hiện nay và tương lai, xác định vị trí của trí thức trong sứ mệnh đóng góp của mình vào chuỗi giá trị mang tính toàn cầu để định hướng cho mọi hoạt động. Ngoài ra, việc nhanh chóng cải thiện các chính sách đãi ngộ, tôn vinh trí thức và chế độ tiền lương, thu nhập tương xứng với kết quả cống hiến của nhà khoa học là vấn đề cần phải được quan tâm. |
Bình luận (0)