xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hút hầm cầu rồi đổ bậy

Bài và ảnh: TRUNG THANH

Đó là hiện tượng đáng lên án của một số chủ xe hút hầm cầu ở TPHCM. Nơi đổ chất thải này thường là các cống, các lùm cây ven đường. Trong khi đó, việc xử phạt bị bỏ ngỏ

Nhà máy Xử lý chất thải (XLCT) Hòa Bình (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) - nơi duy nhất tiếp nhận và xử lý toàn bộ chất thải hầm cầu tại TPHCM - đã chính thức vận hành cách đây 3 ngày, nhưng trung bình mỗi ngày chỉ tiếp nhận 25 lượt xe (khoảng 40 m3 chất thải). Trong khi đó, theo Công ty XLCT Hòa Bình, trước đây, khi còn hoạt động ở quận Tân Phú, trung bình mỗi ngày công ty tiếp nhận 100 lượt xe hút hầm cầu với khoảng 250 m3 chất thải. Vậy trong những ngày qua, hàng chục xe hút hầm cầu đã đổ chất thải này đi đâu?

Không đưa về nhà máy xử lý

Ngày 7-3, chúng tôi đã thu thập được danh sách 85 xe hút hầm cầu đang hoạt động tại TPHCM. Trong đó, quận Gò Vấp có 20 xe, quận Tân Bình 19 xe, quận Tân Phú 20 xe, 26 xe còn lại phân tán ở các quận 11, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Sáng 8-3, chúng tôi "phục kích" tại một điểm tập kết xe hút hầm cầu trên đường Nguyễn Sơn, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú. Khoảng 9 giờ 20 phút, xe mang biển số 54X-0685 rời bãi. Chạy được khoảng 1 km, xe này dừng “ăn hàng” (hút hầm cầu) ở một nhà dân ở đường Lê Thúc Hoạch, (P. Phú Thọ Hòa) sau đó phóng nhanh về hướng nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Chúng tôi bám theo đến đường Bình Long thì mất dấu. Chiều cùng ngày, cũng từ đường Nguyễn Sơn, chúng tôi bám xe hút hầm cầu biển số 54T-8886. Sau khi “ăn hàng” ở quận Bình Thạnh và quận Phú Nhuận xong, xe này quay về quận Tân Phú. Có lẽ phát hiện chúng tôi bám theo nên xe chạy đến đường Nguyễn Sơn rồi tấp vào một bãi đất trống đậu lại qua đêm.

Tiếp tục, sáng 9-3, từ ngã tư Quang Trung - Phạm Văn Chiêu, chúng tôi bám theo xe hút hầm cầu biển số 54M-9182 đang chạy về quận Gò Vấp. Đến đường Lê Đức Thọ, phát hiện bị bám đuôi, chiếc xe này rẽ vào một con hẻm rồi dừng lại. Theo những người lái xe hút hầm cầu đổ đúng nơi quy định, những xe hút hầm cầu đổ bậy thường đục thêm một lỗ xả bên hông xe và trên xe luôn có hai người. Sau khi “ăn hàng” xong, tài xế chạy lòng vòng để người cảnh giới xem có bị bám đuôi không, sau đó chọn những nơi vắng vẻ để đổ, mỗi ngày đổ một nơi, khi thì giữa trưa, lúc thì sáng sớm. Ngoài ra, một số xe đợi đêm xuống mới thả vòi xả chất thải xuống cống để không bị phát hiện.

Anh Quân, kỹ sư môi trường của Công ty XLCT Hòa Bình, cho biết chất thải hầm cầu khi hút lên thì có mùi hôi thối nhưng lúc xả ra thì lại không bốc mùi nên nhiều xe hút hầm cầu đổ bậy ngay ở những lùm cây ven đường nhưng người dân qua lại vẫn không hay biết.

Nguy cơ gây dịch bệnh rất cao

Những ngày qua, dù không chụp được cảnh xe hút hầm cầu đang đổ bậy nhưng chúng tôi đã phát hiện được dấu vết của chất thải hầm cầu đổ ra môi trường, kênh rạch ở một số khu vực trên địa bàn quận 7 và quận 12. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về tình trạng này, bà Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trưởng Khoa Sức khỏe - Cộng đồng Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cho rằng chất thải hầm cầu chứa rất nhiều loại vi trùng gây bệnh, nhất là bệnh về đường ruột. “Nếu để các xe hút hầm cầu đổ bừa bãi ra môi trường, gây dịch bệnh như dịch tả thì rất nguy hiểm” - bà Ngân cảnh báo.

Về việc xử phạt các trường hợp xe hút hầm cầu đổ bậy, theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, Nghị định 150/NĐ-CP của Chính phủ quy định không chỉ cơ quan môi trường mà các phường - xã, quận - huyện vẫn có thể xử phạt các trường hợp xe hút hầm cầu đổ bậy nói riêng cũng như các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh môi trường nói chung.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc xử phạt xe hút hầm cầu đổ bậy ở TPHCM coi như bỏ ngỏ. Theo chúng tôi, hiện TPHCM chỉ có một nơi tiếp nhận chất thải hầm cầu, do đó việc kiểm soát, xử phạt các xe đổ bậy không khó. Đơn cử, những xe chúng tôi ghi hình được khi hút hầm cầu trong ngày 8-3 nhưng đến chiều 9-3 vẫn không về đổ tại Nhà máy XLCT Hòa Bình. Vậy nhiều khả năng những xe này đã đổ chất thải hầm cầu ra môi trường.

Hiện để khuyến khích các xe hút hầm cầu về đổ đúng nơi quy định, Nhà máy XLCT Hòa Bình tiếp nhận miễn phí.

Kêu gọi người dân bảo vệ môi trường

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Nhà máy XLCT Hòa Bình, cho biết sẽ phân công nhân viên đi chụp hình các xe hút hầm cầu đổ bậy, gửi cơ quan chức năng để xử phạt. Thông qua Báo Người Lao Động, ông Dũng kêu gọi người dân cùng góp sức bảo vệ môi trường bằng cách chụp lại hình ảnh các xe hút hầm cầu đang đổ bậy, ghi biển số xe và phản ánh về số điện thoại (08) 9440815 hoặc 0985301685.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo