Từ thuở khai hoang mở đất, thiên nhiên vừa hoang dã khắc nghiệt vừa trù phú đã dệt nên nhiều giai thoại kỳ nhân dị thảo nơi vùng đất U Minh. Trong những câu chuyện kỳ bí ấy, ngày nay người dân vẫn còn truyền tụng nhiều huyền thoại về các thầy đìa có khả năng đặc biệt như những nhà ngoại cảm. Ngoài biệt tài thò chân xuống, áp tai lên mặt nước đoán được trong đìa (ao), kinh, rạch có bao nhiêu cá để thầu, mua thu hoạch; những thầy đìa U Minh còn có khả năng nhìn trời đất, nghe gió thổi mà đoán được hướng cá đi trên sông, rồi định vị đào đìa đón luồng cá ấy.
Thầy đìa Mười Thăng chuẩn bị bữa cơm trưa trong một lần thu hoạch đìa
“Phù thủy sát cá”
Người dân ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh - Cà Mau lâu nay vẫn truyền tai nhau chuyện thầy đìa Năm Điệt (Nguyễn Văn Điệt) thời trẻ được một cao nhân truyền cho câu thần chú để gọi cá. Thuở ấy, vùng này cá nhiều vô kể nên người dân chỉ cần đào đìa, đợi nắng hạn là cá từ ngoài đồng kéo về đầy ắp. Như thường lệ, mỗi đêm trước khi đào đìa, thầy Năm Điệt lại lập bàn hương án bên bờ sông để khấn vái. Xong, ông lặn một hơi thật sâu xuống nước như để nghe ngóng gì đó. Rồi ông bẻ một nhánh cây cắm xuống làm dấu để sáng hôm sau đào đìa tại đó. Một người cao tuổi ở xã Nguyễn Phích đoan chắc: “Có nhiều cái đìa cùng cỡ nằm gần đìa của thầy Năm Điệt, nhưng đến mùa bắt lên chỉ được vài trăm ký cá, trong khi đìa của ông ta có đến vài tấn cá”.
Thời gian gần đây, nguồn cá tự nhiên không còn dồi dào như xưa nên người dân U Minh phải thả cá giống nuôi. Tuy nhiên, đìa của thầy Năm Điệt lúc nào cũng thu hoạch nhiều cá tự nhiên hơn những đìa xung quanh gấp bội.
Ngồi trên bờ đìa nhìn cá táp dậy mặt nước, trò chuyện với tôi, thầy đìa Năm Điệt hé lộ ngón nghề chọn vị trí đào đìa nuôi cá của mình: “Thật ra, tôi chẳng có phép tắc gì như người ta đồn thổi đâu, chẳng qua có kiêng có lành, tôi cúng vái để hy vọng được phù hộ, làm ăn thuận lợi mà thôi”. Thầy đìa Năm Điệt bảo rằng bí quyết nào cũng ở kinh nghiệm thực tế mà ra. “Điều quan trọng là phải chọn thế đìa tránh tiếp xúc suốt ngày với ánh nắng mặt trời và tránh cả hướng gió bấc thổi để cá được mau lớn. Ngoài ra, còn phải chọn mảnh đất gò cao để tránh hứng phèn đọng, nếu không cá sẽ bị nổ mắt chết hoặc còi cọc” – ông tiết lộ.
Thầy đìa Năm Điệt có 8 anh em đều là cao thủ trong giới thầy đìa ở miệt U Minh. Trong đó, ông và người em Sáu Tặng là lợi hại nhất, được người dân địa phương xem là “phù thủy sát cá”. Họ có thể không lại gần mà chỉ đứng quan sát từ xa cũng biết đìa ít hay nhiều cá. Giờ đã bước qua tuổi 60, mắt mờ tai yếu nên các ông không còn làm nghề đi đoán cá để thầu đìa thu hoạch nữa, nhưng bằng kinh nghiệm sẵn có, các ông chỉ cần đào đìa đón luồng cá cũng sống phây phây.
Lên tầm “thầy kinh”
Vùng Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời - Cà Mau có 2 thầy đìa tiếng tăm nổi như cồn là Sáu Quang (Hồ Minh Quang) và Mười Thăng (Trịnh Nhựt Thăng). Trong đó, ông Mười Thăng đã được giới thầy đìa vùng U Minh tôn lên tầm “thầy kinh”, bởi tài đoán cá trong kinh của ông chẳng ai sánh bằng.
Hôm gặp tôi, thầy đìa Mười Thăng vừa trúng thầu đoạn kinh cá đồng dài khoảng 5 km của Nông trường 402 ở Khánh Bình Tây Bắc. Bữa đấu giá, rất đông thầy đìa đến. Người dùng độc chiêu áp tai xuống miệng kinh, nín thở nghe ngóng; người sờ tay vào mép kinh..., song chẳng ai đưa ra được quyết định cuối cùng. Trong lúc mọi người đang phân vân thì thầy đìa Mười Thăng chỉ liếc nhìn qua mặt nước rồi nhảy tọt xuống kinh, mất hút. Chỉ mươi phút sau, ông ngoi lên vỗ tay cái bộp, phán: “Tôi đồng ý thầu đoạn kinh này với giá 150 triệu đồng!”. Trúng thầu, ông chỉ đạo nhóm thợ chụp đìa dọn đám lục bình dày đặc và những bụi cây khô dọc hai bên bờ kinh. Hàng chục người kéo xuống tấm lưới hai lớp khổng lồ. Chỉ vài giờ sau, hàng tấn cá lần lượt được kéo lên, đủ loại rô, lóc, bổi..., có con bự bằng bàn tay, bắp chân.
Mười Thăng tiết lộ ông dám trả giá cao để trúng thầu đoạn kinh này bởi vì phát hiện ở đây có nhiều cá bổi to bằng bàn tay. Đây là loại cá có giá trị, quyết định đến thành bại trong cuộc làm ăn của thầy đìa. Cá bổi loại 4-5 con/kg hiện có giá 120.000 đồng/kg. Thấy đìa Mười Thăng hồ hởi: “Lần này trúng đậm, trừ hết chi phí khai thác chắc chắn lời cả trăm triệu đồng”.
Mặt trời đứng bóng, vợ chồng thầy đìa Mười Thăng hỉ hả phân loại đống cá bổi vừa bắt lên, bảo những thợ chụp đìa nghỉ tay ăn cơm. Ngồi bên mâm cơm đầy ắp cá lóc nướng trui thơm nức mũi, thầy đìa Mười Thăng tâm sự: “Nghề đoán đìa lạ ở chỗ không ai có thể truyền thụ cho ai được mà chỉ tự học hỏi và rút kinh nghiệm dần. Ngày xưa tôi cũng chỉ là thợ chụp đìa thuê, nhờ chịu khó học hỏi và khổ luyện mà trở thành thầy đìa. Những ngày đầu vào nghề, tôi phải khăn gói ra đìa, kinh ngủ cả tuần để tập nghe ngóng tiếng cá thở, đớp, táp mồi... Vậy mà vẫn đoán trật hoài!”. Từ một nông dân không có mảnh đất cắm dùi, nay gia đình thầy đìa Mười Thăng đã tậu được mấy hecta đất nhờ nghề đoán cá mua đìa để thu hoạch.
Tiếc thuở vàng son
Thầy đìa ở U Minh ngày nay không còn nhiều và hầu như chỉ còn lại những người lớn tuổi. Thế hệ trẻ ở U Minh giờ chẳng có ai theo nghề này nữa. Theo thầy đìa Mười Thăng, nguồn cá đồng tự nhiên ở U Minh hiện đang cạn kiệt dần do những cách đánh bắt tận diệt, do hóa chất từ vật tư nông nghiệp và tình trạng xâm mặn.
Thuở vàng son của cá đồng U Minh đã giúp những lưu dân nghèo khó tứ xứ đến đây gầy dựng cơ nghiệp ăn nên làm ra. Hồi ấy, hầu như làng xóm, gia đình nào cũng có đìa. Vì thế mà nghề đoán đìa cá phát triển và trở thành một nét văn hóa đặc thù ở miệt U Minh. Người dân U Minh thu hoạch cá đìa bằng nhiều cách, như: tát, kéo lưới, mò cá..., nhưng dùng giàn lưới chụp đìa được xem là cách bắt cá sáng tạo nhất. Hàng chục năm nay, người dân U Minh dùng lưới chụp để thu hoạch cá đồng, không chỉ ở đìa mà còn ở kinh, rạch giữa rừng. Giàn lưới chụp đìa là một tấm lưới chài lớn hơn miệng đìa. Sau khi dọn sạch rong rêu, cỏ dại trên mặt nước, người ta thả cuộn lưới ấy xuống giữa lòng đìa rồi căng viền lưới ra hai bên thành đìa. Sau khi ghim viền lưới vào thành đìa xong, toàn bộ cá sẽ nằm dưới mặt lưới. Khi cá thấy ngợp sẽ men vào thành đìa, tìm chỗ hở để chui lên. Đợi chừng vài giờ sau, cá chui hết lên mặt lưới phía trên, người ta bắt đầu ghim lưới lần thứ hai, dày hơn, để không cho cá chui ngược trở xuống, sau đó kéo hai viền lưới lên, gom cá để bắt. Tất cả cá bắt được đều còn rất tươi khỏe, nước dưới đìa vẫn không xáo động gì nên người ta dễ dàng thả cá nhỏ trở lại làm giống cho mùa sau.
Trước đây, thương lái mua cá đồng không nhiều trong khi lượng cá ở vùng U Minh lại quá lớn, nên cá phải làm khô, làm mắm để bán dần. Ngày nay, cá đồng không còn nhiều nên nghề thầy đìa ở miệt rừng U Minh cũng đang mai một dần.
Những câu chuyện về thầy đìa vùng U Minh vẫn hiện hữu rành rành mà cứ ngỡ xa xăm như huyền thoại. Có thể nay mai, nguồn cá đồng tự nhiên nơi đây sẽ cạn kiệt bởi môi trường sống bị đe dọa từng ngày cộng với việc khai thác vô tội vạ. Rồi những thầy đìa sẽ không còn nhiều đất để dụng võ, nhưng huyền thoại về họ vẫn sẽ là câu chuyện không thể thiếu mỗi khi nhắc về miền đất U Minh kỳ thú.
Phân cỡ cá bổi thu hoạch được trong một lần đoán đìa
Đoán trúng gần 100%
|
Sai một ly, đi… trốn nợ!
|
Bình luận (0)