Khu vực sân đỗ tàu bay và Đài Chỉ huy cũ của Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP HCM) nếu bị ngập sâu khoảng 20 cm, ngoài ảnh hưởng đến các chuyến bay còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng do trạm phát điện nguồn của Đài Chỉ huy bị hư hỏng
Nhiều tác hại
Cơn mưa chiều 11-9 đã làm sân bay Tân Sơn Nhất cũng như một số tuyến đường ở khu vực này bị ngập. Theo một lãnh đạo sân bay, chiều cùng ngày, có khoảng 7-8 chuyến bay không thể hạ cánh xuống đây. Theo đó, chỉ riêng Vietjet đã có 4 chuyến bay buộc chuyển hướng và 22 chuyến bay khác phải thay đổi giờ khởi hành do thời tiết xấu, máy bay không thể lưu thông tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trong cơn mưa này, nhiều tuyến đường cửa ngõ sân bay như Trường Sơn, Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Nai… cũng ngập nặng khiến hàng loạt phương tiện chết máy.
Sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập trong trận mưa ngày 11-9
Trước đó, chiều 26-8, một cơn mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều bãi đỗ của sân bay Tân Sơn Nhất ngập nặng. Theo lãnh đạo Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, cơn mưa này khiến một số vị trí sân đỗ từ bãi đỗ số 10 đến 14, 51, 56 không thoát nước kịp, gây ngập cục bộ. Trận mưa lớn này cũng khiến gần 70 chuyến bay đến Tân Sơn Nhất bị ảnh hưởng. Trong đó, 2 chuyến bị hủy, 14 chuyến phải hạ cánh xuống các sân bay lân cận như Liên Khương, Cam Ranh, Cần Thơ...
Con kênh A41 bị lấn chiếm, bồi đắp khiến việc thoát nước ở sân bay Tân Sơn Nhất gặp khó khăn Ảnh: QUỐC CHIẾN
“Giờ cứ hễ mưa lớn là ngập sân bay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các mương thoát nước xung quanh đang bị ách tắc dòng chảy” - vị này nói. Trước tình trạng trên, ít nhất 2 năm qua, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã nhiều lần gửi công văn “kêu cứu” các cơ quan chức năng vào cuộc để nhanh chóng giải quyết. Đơn vị cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp chỉ đạo việc giải tỏa những khu vực xây dựng lấn chiếm 2 bờ kênh rạch, đặc biệt là các vị trí thượng nguồn. Đồng thời, thực hiện nhanh công tác duy tu, nạo vét để khơi thông dòng chảy bảo đảm tiêu thoát nước cho khu vực ngập trong Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Vướng đủ thứ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hệ thống thoát nước nội bộ của sân bay Tân Sơn Nhất có các hướng thoát chính ra bên ngoài thông qua tuyến mương Nhật Bản, kênh Hy Vọng, kênh A41. Trong đó, kênh A41 (phường 4, quận Tân Bình) là tuyến kênh chính bảo đảm thoát nước cho 50% khu vực sân đỗ tàu bay và toàn bộ các nhà ga hàng hóa, kho hàng hóa. Kênh này dài khoảng 2 km, gồm 2 nhánh mương bắt đầu từ 2 cống thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất và hợp dòng tại khu vực đường Giải Phóng. Mương dẫn nước ra đường Cộng Hòa rồi đổ vào hệ thống cống ngầm về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đoạn kênh A41 từ ga hàng hóa của Công ty Vietstar vào giáp ranh sân bay có chiều dài khoảng 400 m đã được làm cống hộp. Đoạn còn lại vẫn là hệ thống kênh hở len lỏi giữa các khu dân cư.
Là tuyến kênh vô cùng quan trọng nhưng sáng 12-9, phóng viên Báo Người Lao Động trực tiếp khảo sát và nhận thấy kênh A41 gần như không được cải tạo trong hơn một năm qua. Dọc tuyến kênh, đoạn qua các đường Thăng Long, Giải Phóng, Ba Vì…, dù được Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM (Trung tâm Chống ngập) xây mới 6 cống thoát nước nhưng nước vẫn không thể thoát nhanh được bởi hệ thống cống này thường xuyên bị tắc vì rác. Các loại rác sinh hoạt, phế phẩm, trụ xi măng, than tổ ong, xà bần, nệm, cành cây… bồi đắp cả con kênh. Nhiều đoạn mương bị thu hẹp chỉ còn 1/2 so với thiết kế ban đầu, thậm chí có những đoạn bề rộng chỉ còn khoảng 1 m.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, cư ngụ gần con kênh, cho biết trước kia, khu vực 2 bên kênh rất rộng, thông thoáng nhưng do người dân xả rác, lấn chiếm bờ kênh bừa bãi khiến lòng kênh bị bồi đắp, không còn đáp ứng được nhu cầu tiêu thoát nước trong khu vực.
Trở lại câu chuyện “kêu cứu” của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, từ tháng 6-2016, UBND TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng triển khai nạo vét kênh A41 để bảo đảm thoát nước tốt cho sân bay. Tuy nhiên đến nay, các đơn vị vẫn chỉ dừng lại ở việc vớt rác, còn toàn bộ tuyến kênh chưa được nạo vét hay cải tạo gì.
Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Chống ngập, thừa nhận dự án nạo vét, cải tạo kênh A41 do quận Tân Bình làm chủ đầu tư nhưng dự kiến đến năm 2019 mới hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng. Theo đó, trung tâm kiến nghị UBND TP chỉ đạo quận Tân Bình giải quyết sớm việc giải phóng mặt bằng, cố gắng hoàn thành dự án trong năm 2017.
Ngoài dự án cải tạo kênh A41, theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý thoát nước Trung tâm Chống ngập, để giải quyết ngập cơ bản cho sân bay Tân Sơn Nhất còn đòi hỏi dòng chảy ở tuyến mương Nhật Bản, Hy Vọng phải được thông thoáng. Do đó, Trung tâm Chống ngập đang gấp rút triển khai dự án cải tạo tuyến mương Nhật Bản (đoạn từ tường rào sân bay Tân Sơn Nhất đến đường Nguyễn Kiệm). Dự án đã khởi công vào đầu tháng 5-2016, đang thực hiện gói thầu xây lắp 1. Trong đó, đã thực hiện 256 đốt trong tổng số 323 đốt cống hộp, 21 m cống D1000, 40 m cống D800, 21 m cống D600, 235 m cống D400. Gói thầu xây lắp 1 là gói thầu cống thoát nước chính chạy từ tường rào sân bay Tân Sơn Nhất đến ranh Công viên Gia Định, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 9-2016, bảo đảm việc thoát nước theo hướng tuyến này. Về lâu dài, triển khai dự án cải tạo kênh Hy Vọng nằm trong dự án quản lý rủi ro ngập dự kiến khởi công vào năm 2017, hoàn thành năm 2019.
Quận Tân Bình xin cải tạo đoạn hở mương Nhật Bản
UBND quận Tân Bình vừa đề xuất UBND TP HCM đầu tư dự án cải tạo mương Nhật Bản (phường 2) với số vốn 360 tỉ đồng để giải quyết ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Đây sẽ là mương hở, rộng 3-4 m, từ sân bay Tân Sơn Nhất qua nút giao Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Trường Sơn - Hồng Hà hướng ra Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận) với chiều dài 745 m. Trong đó, 110 tỉ đồng là chi phí xây dựng, còn bồi thường giải phóng mặt bằng là 250 tỉ đồng. Lãnh đạo UBND quận Tân Bình cho rằng đầu tư vào dự án cải tạo mương Nhật Bản sẽ là giải pháp căn cơ để giải quyết thoát nước cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Bình luận (0)