Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) vừa công bố kết quả nghiên cứu về việc thực hiện quy định kê khai tài sản, thu nhập đối với công chức, viên chức. Những nội dung liên quan đến việc thực hiện kê khai, quản lý kê khai tài sản, thu nhập gắn với xử lý tài sản tham nhũng qua các con số báo cáo một lần nữa cho thấy đây thực sự là vấn đề nan giải.
Còn hình thức, đối phó
Theo báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Thanh tra, mặc dù có 81% công chức, viên chức được hỏi đánh giá tích cực về việc thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập nhưng chỉ được sự đồng tình của 35,6% người dân khi nhìn nhận về vấn đề này.
Về hiệu quả của việc kê khai tài sản, thu nhập nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, chỉ 20,1% công chức, viên chức cho rằng biện pháp này có tác dụng trong khi 17,5% nói không có tác dụng và 60,6% đánh giá có tác dụng nhưng không đáng kế. Ngược lại, 30% người dân được hỏi ý kiến cho biết có tác dụng, 21,3% bảo không có tác dụng và 36,7% nhìn nhận ít có tác dụng.
Trong khi đó, theo Thanh tra Chính phủ, tính đến ngày 31-5, có 93 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả minh bạch tài sản, thu nhập về cơ quan này, với trên 995.000 người kê khai. Trong đó, khoảng 979.000 bản kê khai tài sản, thu nhập đã được công khai, đạt 98,4%. Tuy nhiên, trong tổng số 1.225 người thuộc diện phải xác minh, chỉ phát hiện và kết luận 4 người kê khai không trung thực. Thậm chí, báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của TP Hà Nội cũng cho thấy không có trường hợp nào phải xác minh và xử lý về kê khai tài sản thu nhập không trung thực.
“Đa số ý kiến được hỏi đánh giá việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức hiện nay ít hiệu quả, còn đối phó, hình thức… Điều này cũng phù hợp với báo cáo của các cơ quan có trách nhiệm là biện pháp kê khai tài sản hiện nay còn mang tính hình thức, ít tác dụng” - báo cáo của Viện Khoa học Thanh tra nhấn mạnh.
Tham nhũng nhiều, tài sản thu hồi ít
Theo ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, số vụ việc phát hiện tham nhũng hoặc ít nhất là kê khai thiếu trung thực và bị xử lý là rất ít, mỗi năm chỉ vài vụ, chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với số lượng gần một triệu bản kê khai tài sản. Năm 2013, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng dưới 10%, năm 2014 khoảng 22%...
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý tài sản tham nhũng hiện nay của Việt Nam khá nhiều như Luật Tương trợ tư pháp, Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ Luật Tố tụng dân sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này... Dù vậy, theo ông Minh, khi triển khai thì bị vướng rất nhiều, dẫn đến tỉ lệ tài sản tham nhũng thu hồi được rất nhỏ so với tài sản chiếm đoạt. Khảo sát kết hợp giữa Viện Khoa học Thanh tra và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) mới đây cũng chỉ rõ mức độ hài lòng về hiệu quả thu hồi tài sản do tham nhũng là rất thấp. Qua khảo sát tại 16 bộ, ngành và nhiều địa phương, chỉ có 12,9% công chức, viên chức nói việc thu hồi tài sản tham nhũng là có hiệu quả, trong khi 17,1% cho rằng không hiệu quả và có đến 60,8% nhận định chỉ hiệu quả trong một vài trường hợp nhất định.
Hiệu quả của việc phát hiện và xử lý tham nhũng là một trong những khâu yếu nhất, gây ra nhiều bức xúc cho xã hội. Điều lạ là số vụ tham nhũng xảy ra nhiều nhưng khi đến tòa án thì tham nhũng còn rất ít. Thanh tra Chính phủ đánh giá nhiều vụ việc khi được phát hiện thì chỉ xử lý bằng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoặc thuyên chuyển công tác… Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng phải xây dựng cơ chế, quy trình chặt chẽ vì luật có nhưng tài sản tham nhũng không thu hồi, xử lý được thì mục tiêu chống tham nhũng xem như thất bại.
Thiếu phối hợp ngăn chặn tẩu tán tài sản
Việc kiểm soát kê khai tài sản và xử lý tài sản tham nhũng những năm qua chưa mang lại hiệu quả như mục tiêu đề ra. Kết quả khảo sát của Viện Khoa học Thanh tra cho biết 33,9% nguyên nhân là do vướng mắc cơ sở pháp lý; 22,8% do thiếu trách nhiệm của nhà nước trong việc phối hợp với cơ quan tố tụng ngăn chặn tẩu tán tài sản; 29,7% do chưa có quy định cụ thể về tịch thu tài sản của người tham nhũng và 22,2% do chưa có quy định cụ thể về hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài...
Giáo sư Hà Tôn Vinh, chuyên gia kinh tế:
Dân chủ, minh bạch để dân tin
Ở các nước tiên tiến, điều tra xác minh quá khứ và kê khai tài sản, thu nhập của các “công bộc nhà nước” và gia đình họ là việc làm không những cần thiết mà còn bắt buộc, thậm chí được tiến hành trước khi được đề nghị bổ nhiệm. Trách nhiệm, chức vụ và quyền lợi càng cao thì việc điều tra xác minh quá khứ và tài sản càng chặt chẽ, thường xuyên. Việc làm này là để bảo đảm tinh thần dân chủ, thượng tôn pháp luật, tính nghiêm minh của quy trình tuyển chọn cán bộ và tránh mọi phiền phức sau này.
Điều tra xác minh quá khứ và tài sản thường gồm 3 việc. Thứ nhất, người được đề nghị vào các chức vụ quan trọng, có trách nhiệm hay quyền lợi cao sẽ phải tự khai báo, kê khai tài sản. Thứ hai, các tổ chức điều tra nội bộ hay của các cơ quan công quyền sẽ xác minh làm rõ các khai báo nêu trên. Thứ ba, một số tổ chức điều tra chuyên môn có uy tín, có hợp đồng bảo mật sẽ tham gia điều tra xác minh độc lập. Thông tin từ 3 nguồn nêu trên sẽ được tổng hợp, đối chiếu và gửi đến cấp lãnh đạo có trách nhiệm bổ nhiệm.
Kinh nghiệm các nước cho thấy để việc điều tra khai báo tài sản được tôn trọng và có hiệu quả, cần bắt đầu từ các chức vụ cao nhất trong các cơ quan công quyền hay chính phủ. Các báo cáo tài sản, thu nhập của lãnh đạo đương quyền được công bố rộng rãi và điều chỉnh hằng năm. Nếu các bản điều tra kê khai tài sản không khớp với các điều tra độc lập hay có che giấu thì công chức, viên chức thường phải từ chức, bị buộc thôi việc hay không được đề bạt vào các chức vụ cao hơn.
Kê khai tài sản đại trà thường không phải là một việc khả thi và có kết quả tốt. Khai báo thuế hằng năm là việc cần được điều chỉnh, đẩy mạnh và hoàn thiện. Theo kinh nghiệm các nước phát triển, khai báo thuế nếu được làm tốt sẽ thay thế việc khai báo đại trà và là công cụ kiểm soát tài chính cũng như các nguồn thu bất thường.
Cần có các cơ quan chuyên môn tài chính, kiểm toán để thẩm tra các khai báo tài sản, thu nhập. Nếu các bản khai báo, báo cáo điều tra được sử dụng như các công cụ chống tham nhũng thì phải được cập nhật hằng năm, có các chế tài và xử phạt theo luật định đi kèm, như: buộc từ chức, không được đề bạt lên cấp cao hơn, thôi việc hay nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu thiếu các yếu tố nêu trên, việc khai báo tài sản thu nhập chỉ mang tính hình thức, không có tác dụng nào và sẽ làm dấy lên sự nghi ngờ về tính nghiêm túc của việc khai báo, gây mất lòng tin của người dân.
Ông Trần Văn Hùng (quận 1, TP HCM):
Phải giám sát chặt tài sản kê khai
Bất cứ cán bộ, công chức nào thuộc đối tượng quy định cũng phải được kiểm tra chứng minh thu nhập khi hình thành tài sản, như xây nhà, mua nhà, mua xe... Nếu công việc này được nhà nước thực hiện tốt, tôi nghĩ sẽ ngăn ngừa được tham nhũng. Ngày nào trên mạng cũng có thông tin ông A, bà X xây nhà trăm tỉ, mua xe siêu sang... nhưng chưa hề có công bố chính thức của cơ quan chức năng là họ có nguồn thu nhập hợp pháp để hình thành tài sản đó. Theo tôi, cần có cơ chế, quy trình cụ thể để việc giám sát chặt chẽ tài sản sau kê khai của cán bộ.
Bà Trần Diệu Linh (quận 3, TP HCM):
Không như kỳ vọng
Cả nước có cả triệu cán bộ phải kê khai tài sản nhưng chỉ một vài người bị phát hiện, bị kết luận kê khai không trung thực là không đúng thực tế. Qua đây cho thấy việc kê khai tài sản còn rất hình thức, không có tác dụng. Đảng, nhà nước, Chính phủ quyết tâm phòng chống tham nhũng nhưng phải có biện pháp cụ thể chứ như hiện nay thì chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Bình luận (0)