Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy
Với nhiều thế hệ người Việt Nam, Bà mẹ Gio Linh là một trong những bài hát nằm lòng. Cùng với Quê nghèo, Về miền Trung, Bà mẹ Gio Linh thành một chùm ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy khắc họa khung cảnh, con người miền Trung những năm kháng chiến chống Pháp đầy gian lao nhưng hào hùng, bi thương mà vẫn lạc quan để đi đến ngày chiến thắng.
Câu chuyện trong Bà mẹ Gio Linh xảy ra ở làng Mai Xá Chánh, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - quê hương của người viết bài báo này. Ca sĩ Thái Thanh từng nói lần nào hát Bà mẹ Gio Linh, cô cũng khóc và nhiều người trong chúng ta cũng từng rưng rưng khi nghe ca khúc này. Cứ đau đáu một nỗi căm hờn, một sự bao dung, một niềm đau không gì bù đắp nổi mà người ta vẫn phải sống. Cát vẫn trắng, cây vẫn xanh, rồi những câu chuyện sẽ lãng quên hay được giữ gìn để nói lại cho nhau nghe, cũng là có ích. Những ca từ, hình ảnh nếu không phải là người của thế hệ trước hay là người của miền quê này, chưa chắc đã hiểu hết được. Vì vậy, tôi xin có đôi dòng nói thêm.
Câu chuyện đã được nhiều người biết là năm 1948, lính Pháp ở đồn Nhĩ Hạ bắt được anh Nguyễn Đức Kỳ (xã đội trưởng), người làng Mai Xá Thị và anh Nguyễn Phi (cán bộ bình dân học vụ xã) - người làng Mai Xá Chánh rồi đem hành quyết, cắt đầu găm vào đòn xóc, thả xuống đoạn sông trước chợ, cũng là trước cửa đình. Ngày hôm đó, ba của tác giả bài báo này, cùng với cậu Giáo (Trương Quang Giáo) và mấy người bạn - đều tuổi thiếu niên - chạy ra chợ chơi, thấy hai đầu người ở dưới thì tưởng các anh đang tắm sông liền nhào xuống, nói “cho em tắm với”. Vừa xuống thì biết sự tình vội chạy lên bờ cấp báo cho người nhà.
Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chợ cắt đầu
Hò ơi ơi ới hò ! Hò ơi ơi ới hò !
Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu
Nghe tin dữ, bác Cửu Diêu (Lê Thị Cháu) - mẹ của anh Kỳ - cùng người nhà anh Phi cắp thúng ra chợ, gói đầu con vào chiếc khăn rồi giấu trong thúng đem về, sau đó bỏ vào hộp vuông đem đi chôn cất.
Tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy
Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay
Ta yêu con ta, môi thắm bết máu cờ
Nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngó trông ta
Câu chuyện này, khi vào Bình Trị Thiên công tác, nhạc sĩ Phạm Duy (lúc đó tham gia kháng chiến), được nghe kể lại và ông xúc động sáng tác ca khúc Bà mẹ Gio Linh.
Hai đoạn đầu ca khúc đều dẫn ra hình ảnh bà mẹ Gio Linh “Cuốc đất trồng khoai, tưới nước trồng rau”. Ở những miền quê nghèo miền Trung ngày ấy và cả bây giờ, những mảnh vườn nhỏ thường chỉ trồng rau, trồng khoai, dăm nhà trồng được ít cây chè và nhiều nhất ở Quảng Trị là trồng ớt... Khó nghèo nên “áo rách sờn vai, cơm ăn bát vơi bát đầy” là chuyện thường, cũng như trong ca khúc Quê nghèo, Phạm Duy từng mô tả: “Có người bừa thay trâu cày” hay “Vui vì nồi cơm ngô đầy”. Nhưng trong nghèo khó mà vẫn hào hùng, lạc quan, vẫn “mẹ mừng con giết được nhiều Tây”, vẫn “con vui ra đi sớm tối vác súng về”.
Đoạn cuối ca khúc là những hình ảnh có bếp lửa reo vui, có tình mẹ con, quân dân ấm áp.
Mẹ già nấu nước chờ ai
Đêm đêm súng nổ vang trời...
Bộ đội đã ghé về chơi
Khơi vui bếp lửa tơi bời
Mẹ già đi lấy nồi khoai
Bưng lên khói hương mờ bay
Khi trông con nuôi xúm xít dưới túp nhà
Mẹ nhìn đàn con thương nhớ đứa con xưa
Con, con con ơi ! Uống hết bát nước đầy
Ngày một ngày hai, con nhớ ghé chơi đây.
Khung cảnh này là thời điểm Trung đoàn 95 của tỉnh Quảng Trị đưa bộ đội về trong dân, các anh được các gia đình nhận làm con nuôi. Lúc này, ba ông bác của tôi đi bộ đội cũng làm con nuôi các bà mẹ ở làng quê khác, còn bác Tường người Huế làm con nuôi của bà nội tôi. Năm 1975, giải phóng miền Nam, bà nội tôi được các bác đón ra Hà Nội thăm con cháu, bác Tường vẫn còn sống đã đến thăm chào, mẹ con gặp nhau trong nước mắt tủi mừng.
Trong khung cảnh ấy, Phạm Duy khắc họa bà mẹ Gio Linh xởi lởi, ấm áp, hiền từ. Vẫn là nồi khoai lang, ấm nước chè bà mẹ nghèo đãi các anh bộ đội, mẹ nhìn đàn con thương nhớ đứa con xưa, dặn dò các anh nhớ ghé thăm cho cảnh nhà bớt quạnh quẽ... Thật cao cả, tuyệt vời lòng mẹ Việt Nam, các mẹ sống mãi trong lòng người dù đã đi vào cõi vĩnh hằng.
Bình luận (0)