Cử tri TP phản ánh rất nhiều về tình hình phức tạp, hệ lụy từ người nghiện ma túy gây ra, thậm chí đối với nhiều người là sống trong sự bất an. Tuy nhiên, theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 09/2014, để đưa người cai nghiện vào các trung tâm giáo dục cai nghiện là rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Sự phức tạp thể hiện rõ ở quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc... Cụ thể tại TP HCM, người nghiện ở các địa phương khác về chiếm tỉ lệ rất lớn mà theo quy định thì trước khi đưa đi cai nghiện tập trung, người nghiện phải được giáo dục tại địa phương từ 3-6 tháng. Tiếp đó, nếu không được thì giao cho các tổ chức xã hội, phải xét nghiệm có dương tính với chất gây nghiện nhiều lần được đưa ra tòa án quyết định…
Nhưng thực tế, gia đình của người nghiện không ở TP, còn tổ chức xã hội lại không quy định cụ thể là tổ chức nào hay phải thành lập thêm một tổ chức mới, từ đó để đưa được người nghiện vào cai nghiện tập trung phải mất cả năm trời.
Vì vậy, để xóa được cảnh người nghiện ngang nhiên tiêm chích ma túy công khai mà đụng vào thì vướng chế tài, vướng “nhân quyền”, TP HCM khẩn thiết đề nghị Quốc hội ra một nghị quyết có tính chất thí điểm để tháo gỡ những vướng mắc pháp lý hiện hành. Nói rõ hơn là cho phép TP HCM khi kiểm tra, phát hiện đối tượng có nghiện ma túy là có quyền đưa ngay vào cơ sở tập trung để kịp thời cắt cơn, giải độc và tư vấn về mặt tâm lý, giáo dục để họ tái hòa nhập cộng đồng. Nếu thí điểm thành công, sẽ tiến tới sửa quy định hiện hành.
Đã có nhiều bài học thực tế đau xót, đó là khi người nghiện thiếu thuốc, mất kiểm soát đã gây ra bao nhiêu thảm cảnh cho chính họ, người thân và xã hội. Đừng nghĩ bắt cai nghiện tập trung là không bảo đảm nhân quyền vì việc đưa người nghiện vào nơi cai nghiện sớm ngày nào càng tốt cho họ chừng đó. Việc kéo dài thời gian chỉ làm người nghiện càng nặng thêm. Hơn nữa, các trường giáo dưỡng, trung tâm là nơi có chuyên môn, kinh nghiệm giúp cho người nghiện sớm cắt cơn, giải độc, dạy nghề và là nơi cách ly người nghiện khỏi môi trường dễ bị lôi kéo. TP HCM có đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, kinh nghiệm và đội ngũ cai nghiện, giáo dục chuyên nghiệp để giúp người nghiện sớm tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, nhiều thế hệ lãnh đạo TP HCM đã đem sinh mệnh chính trị của mình để xin Quốc hội cho cơ chế đặc thù trong vấn đề cai nghiện và đã thành công.
Bình luận (0)