Ai chịu trách nhiệm trước thiệt thòi của người dân ở khu vực dự án “treo”, quy hoạch “treo” là những vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) HĐND TPHCM tập trung mổ xẻ tại buổi thảo luận của kỳ họp lần thứ 6, HĐND TP khóa VIII vào chiều 4-10. Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín và Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Trần Chí Dũng đã báo cáo trước kỳ họp về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2.000.
Xóa “treo” cho dân nhờ!
ĐB Nguyễn Thành Nhân thẳng thắn: “Khi nói đến quy hoạch hay dự án, nhà đầu tư thì luôn nhắm tới lợi ích của mình nhưng quyền lợi của người dân thì không ai đả động. Người dân giờ chỉ cần nghe xóa dự án “treo” là mừng rồi. Tôi đề nghị biện pháp giải quyết những dự án “treo”, dự án chậm tiến độ của TP đề ra không nên nói chung chung mà cần quy trách nhiệm rõ ràng, như vậy mới sòng phẳng với người dân!”.
“Ba mặt một lời” để cùng nhau tháo gỡ
Theo ĐB Trần Hữu Trí, người dân không phản đối quy hoạch nhưng đừng làm ảnh hưởng đến đời sống, quyền lợi của họ. “Cho phép cất nhà trong khu quy hoạch nhưng chỉ cho cất tạm và không đền bù khi giải phóng mặt bằng thì ai dám cất. Nếu chúng ta đã cho họ xây cất thì phải công nhận quyền lợi hợp pháp của họ. Có như thế người dân dù có “nằm” trong quy hoạch nhưng vẫn yên tâm!” - ông Trí đề xuất. Riêng về các dự án chậm triển khai, ông Trí cho rằng nên có cơ chế ràng buộc chủ đầu tư: ký quỹ hoặc giao đất kèm ấn định thời gian thực hiện, nếu chậm trễ sẽ xử phạt và thu hồi… để tránh tình trạng xí đất, chuyển nhượng sang tay.
ĐB Nguyễn Thanh Chín, Thường trực HĐND TPHCM, cho rằng những vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến dự án “treo”, quy hoạch “treo” cần có những cuộc tiếp xúc giữa nhà chức trách, nhà đầu tư, “ba mặt một lời” để cùng nhau tháo gỡ.
Hôm nay, 5-10, kỳ họp tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn. Dự kiến tham gia trả lời chất vấn là lãnh đạo UBND TP, giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường và Sở Quy hoạch-Kiến trúc xung quanh vấn đề quy hoạch chung của TP, giải quyết dự án “treo”, quy hoạch “treo”.
10 năm: Hơn 2.800 dự án ra đời Từ tháng 1-2001 đến tháng 12-2011, UBND TP đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 2.836 dự án cho các tổ chức để đầu tư xây dựng dự án với diện tích 22.215 ha, sử dụng vào các mục đích nhà ở, sản xuất, kinh doanh, công trình phúc lợi công cộng… Về dự án nhà ở, trong tổng số 882 dự án có 785 dự án chủ đầu tư đã cơ bản hoàn tất công tác nhận chuyển nhượng, bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nhà ở; có 45 dự án đang triển khai BTGPMB đạt tỉ lệ từ 50% đến 80%, đồng thời đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng; có 52 dự án tiến độ BTGPMB dưới 50%. Nguyên nhân chậm tiến độ được UBND TP lý giải là liên quan đến quy định của pháp luật, nội dung quy định chưa cụ thể, rõ ràng, dễ gây hiểu nhầm; một số quy định rất khó thực hiện như việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất, năng lực tài chính của nhà đầu tư... |
Vẽ nhà đẹp nhưng không có tiền xây Hoàn toàn đồng tình với nội dung điều chỉnh quy hoạch chung của TP đến năm 2025 nhưng ĐB Lâm Thiếu Quân nêu vấn đề: “Chúng ta cần xác định số tiền, kinh phí dành cho quy hoạch lấy từ đâu ra. Nếu TP không làm rõ được điều này thì công tác quy hoạch rất khó thực hiện”. Theo ĐB Quân, đề án quy hoạch của TP cũng chưa nêu được lộ trình và thứ tự ưu tiên phải thực hiện.
Như vậy chẳng khác nào “vẽ ra căn nhà đẹp nhưng sờ vào ví thì không có tiền!”. ĐB Nguyễn Thành Nhân băn khoăn: “Về quy hoạch có tầm nhìn xa là tốt nhưng cần phải xác định trọng tâm, trọng điểm. TP xác định mô hình phát triển theo 2 hướng chính gồm hướng Đông và hướng Nam ra biển nhưng khi nào thì thực hiện được. Chỉ còn 8 năm nữa là đến năm 2020, thời gian không còn bao lâu. Liệu TP có làm quy hoạch được không?”. |
Bình luận (0)