Chúng tôi trở lại kênh Ba Bò trong những ngày này, dường như những cảnh báo của các nhà chuyên môn về tác động trái chiều của việc cải tạo dòng “kênh thúi” như sắp trở thành hiện thực khi chứng kiến tình trạng ô nhiễm của dòng kênh này.
Đe dọa ô nhiễm sông Sài Gòn
Tại vị trí cống xả trước KCN Đồng An (huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương), dòng nước thải đen ngòm mang theo nhiều bùn, bốc mùi hôi nồng nặc, trên mặt nước bọt khí nổi ken dày. Thật khó mà tin rằng dòng nước thải này đã qua xử lý theo đúng quy định trước khi đổ ra môi trường!
Dòng nước kênh Ba Bò vẫn đen kìn kịt và nổi lên từng khối bọt trắng. Ảnh: THU SƯƠNG
Xuôi về cầu Liên Tỉnh lộ 43 (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức-TPHCM), đập vào mắt chúng tôi vẫn là hình ảnh quen thuộc của dòng nước đen kìn kịt, những núi bọt và những cái nhăn mặt, bịt mũi đi qua vội vàng của người dân. Có khác chăng là dòng chảy bị thu hẹp, có chỗ bề rộng mặt nước chưa đến 2 m (dòng chính kênh vốn rộng từ 12- 28 m) do đơn vị thi công dẫn dòng tạm, khiến người dân lo sợ về sự “tức nước vỡ bờ” khi mùa mưa sắp đến.
Ông Lê Thanh Tiễn, một người dân ở cạnh kênh, cho biết có những đêm mùi hôi tồn tại lâu hơn bình thường, đi gần kênh thì mùi hôi xộc lên làm mắt cay xè, mũi thì rát và rất nhức đầu. “Những bữa như vậy, sáng ra thấy ngoài bọt trắng còn có những váng vàng rất to trôi trên mặt nước”- ông Tiễn cho biết. Còn bà Nguyễn Thị Thanh Nga chỉ cho chúng tôi bộ đồ thờ bằng đồng loang lổ màu xanh đen vì ôxy hóa và nói: “Bộ đồ thờ nhà tôi mới đánh bóng hôm Tết mà giờ ra gỉ đen hết rồi. Tivi, máy cassette thì thỉnh thoảng phải mang đi thay phụ tùng…!”.
Dòng nước kênh Ba Bò vẫn đen kìn kịt và nổi lên từng khối bọt trắng. Ảnh: THU SƯƠNG
Tuy nhiên, với bà Nga, tình hình năm nay có vẻ “đỡ hơn” vì “trước kia thúi cả ngày lẫn đêm, giờ chỉ vào khoảng từ 22 giờ đến 3- 4 giờ sáng hôm sau mới thúi”. Thế nhưng với những người không quen như chúng tôi, việc ngửi cái mùi dù “đỡ hơn” kia vẫn là một cực hình. Nhiều căn nhà dù không nằm trong diện giải tỏa, người dân vẫn tự di dời để tránh ô nhiễm, cửa khóa im ỉm.
Đi gần hết tuyến kênh chúng tôi thấy nơi nào nước cũng đen và cũng bốc mùi hôi thối. Vì vậy, chứng kiến những công nhân đang hối hả thi công mở rộng tuyến kênh chính, thay vì vui mừng, chúng tôi lại không khỏi cảm giác lo lắng: Sau khi mở rộng lòng kênh, dòng nước ô nhiễm kia được rộng đường thoáng lối sẽ chảy nhiều và chảy nhanh hơn. Khi đó, kênh Ba Bò trở thành một nguồn ô nhiễm khổng lồ đổ “bệnh” vào sông Sài Gòn - đúng như tình huống xấu mà các nhà chuyên môn đã từng đặt ra khi TP quyết định cải tạo dòng kênh này.
Bình Dương thiếu phối hợp?
Theo kết quả quan trắc mới nhất của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, các chỉ tiêu ô nhiễm của những mẫu nước được lấy tại vị trí xả thải ra kênh Ba Bò vẫn không ngừng vượt mức cho phép dù trước khi lấy mẫu, chi cục đã báo trước cho các chủ nguồn thải. |
Hơn chục năm trời gánh ô nhiễm, cũng gần từng ấy năm vấn đề giảm ô nhiễm cho kênh Ba Bò được đặt lên bàn lãnh đạo các sở ngành liên quan, bức xúc nhất là trong các phiên họp HĐND TPHCM. Năm 2004, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP, ông Trần Thế Ngọc, trong cuộc họp HĐND khóa VII từng khẳng định việc xả thải gây ô nhiễm kênh Ba Bò phần lớn xuất phát từ Bình Dương, vì vậy, việc cải thiện kênh Ba Bò cần sự phối hợp giữa TPHCM và Bình Dương để tìm giải pháp tốt nhất về vấn đề này.
Đến năm 2008, trong kỳ họp thứ 13, khóa VII của HĐND TPHCM, trước sự “đòi nợ” ráo riết của các đại biểu, giám đốc mới của Sở TN-MT là ông Đào Anh Kiệt đưa ra thông tin đã làm việc với tỉnh Bình Dương rất nhiều lần để giải quyết vấn đề xả thải, đồng thời tiếp tục khẳng định TPHCM sẽ không làm được dự án nếu không có sự phối hợp của tỉnh Bình Dương.
Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, chính ông đã gửi công văn và làm việc trực tiếp với Bình Dương không biết bao nhiêu lần, phía Bình Dương cũng hứa sẽ phối hợp, quản lý các nguồn xả thải trên địa bàn tỉnh ra kênh Ba Bò nhưng rồi đâu lại vào đấy.
“Do đồng cấp nên không có tính ràng buộc trong việc phối hợp thực hiện. Có lẽ, sở sẽ tham mưu cho TP kiến nghị bộ ngành, Trung ương làm “tổng chỉ huy” mới mong đẩy nhanh vụ việc”- ông Phước nói. Thực ra, Bình Dương cũng đã có những động thái tích cực.
Năm 2009, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thị Kim Vân đã từng khẳng định: Trên địa bàn huyện Thuận An, 100% các doanh nghiệp trong KCN đã đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp ngoài KCN nhưng thuộc lưu vực kênh cũng đã giám sát được nguồn nước thải. Tuy nhiên, bà Vân cũng nhìn nhận rằng hiệu quả của việc đấu nối còn chưa đạt yêu cầu.
“Lời nguyền Ba Bò”
Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TPHCM - người luôn trăn trở với vấn đề ô nhiễm kênh Ba Bò, cũng vừa đi “thăm” lại dòng kênh vào tuần trước. “Lần đầu tiên xuống Ba Bò, tôi rất xót xa khi thấy những cháu nhỏ đang hồn nhiên chơi đùa bên dòng kênh ô nhiễm mà không biết sức khỏe của mình đang bị ảnh hưởng.
Tôi đi tìm hiểu, thu thập chứng cứ về hậu quả của ô nhiễm: tôn gỉ sét, đồ đạc của người dân hư hỏng… mong làm lay động các cơ quan chức năng để họ nhanh chóng hành động vì người dân, vì em nhỏ. Từ đầu đến cuối nhiệm kỳ đại biểu HĐND của mình, kỳ họp nào, tôi cũng đau đáu vấn đề ô nhiễm kênh Ba Bò, cũng mong lời hứa của các cơ quan chức năng sẽ thành hiện thực… nhưng đến nay, kênh Ba Bò ô nhiễm ngày càng trầm trọng, người dân ngày càng khổ sở.
Tôi cũng hiểu một mình TPHCM cố gắng mà Bình Dương không nỗ lực thì không giải quyết được việc gì, tuy nhiên, tôi vẫn mong lãnh đạo TP và các cơ quan chức năng của TPHCM chủ động, tích cực phối hợp hơn nữa trong việc giảm ô nhiễm kênh Ba Bò. Mong rằng một nhiệm kỳ mới, các đại biểu HĐND mới sẽ không phải đi “đòi nợ” Ba Bò như nhiệm kỳ của chúng tôi. Đừng để kênh Ba Bò trở thành một “lời nguyền môi trường”- thứ không thể hóa giải được!”- ông hội đồng Khoa trăn trở.
Ì ạch như… Ba Bò
Năm 2003, UBND TPHCM giao Sở GTVT lập dự án cải tạo kênh Ba Bò, đến năm 2007, dự án được phê duyệt trên cơ sở thống nhất với tỉnh Bình Dương.
Đến năm 2008, dự án được chuyển sang Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP làm chủ đầu tư, lúc này vốn đầu tư đã “đội” gấp 2,5 lần, lên 744 tỉ đồng, do kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng và xây dựng thêm một số hạng mục mới.
Năm 2010, UBND TP đã ra “tối hậu thư” phải hoàn thành dự án vào cuối năm 2011. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn đang thi công rất ì ạch, nguyên nhân được chủ đầu tư lý giải là UBND quận Thủ Đức chưa bàn giao đầy đủ mặt bằng. |
Bình luận (0)