xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kênh rạch bị chiếm, cống không thoát nước

NHÓM PV THỜI SỰ XÃ HỘI

Sở GTCC TPHCM công bố: Đã xóa được 56 điểm ngập, đạt 70% kế hoạch được giao thực hiện từ năm 2001 đến hết năm 2005. Thế nhưng, trên thực tế, mùa khô cũng như mùa mưa, người dân TP vẫn phải sống chung với ngập.

Trong khi nhiều dự án chống ngập của Sở GTCC TP đang... ì ạch, thì tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch tại một số quận, huyện lại gia tăng. Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng tràn lan ở các khu vực đô thị hóa cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh nhiều điểm ngập nặng ở vùng ven.

Một trong những địa phương để xảy ra tình trạng kênh, rạch bị lấn chiếm nhiều nhất là quận Bình Thạnh.

Ai chiếm cũng được!

img
Cứ mỗi trận mưa, ngã tư Bốn Xã lại chìm trong nước Ảnh: N.Triều

Sáng 20-5 vừa qua, lần theo một địa chỉ do bạn đọc cung cấp, chúng tôi có mặt tại nhà của bà Huỳnh Thụy Diệu (79/43 Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh). Chỉ cần vài chục cây cừ, tôn và gỗ tạp, bà Diệu đã có một căn nhà lấn rạch Lăng khoảng... 315 m2. Cách căn nhà nói trên không xa, bà Diệu còn có một căn nhà khác cũng lấn chiếm rạch Lăng trái phép hơn 100 m2, để... cho thuê. Một khu vực khác của quận Bình Thạnh cũng xảy ra tình trạng lấn chiếm kênh rạch trái phép là khu cầu Đỏ, thuộc địa bàn phường 13. Nằm dọc hai bên dòng kênh nước đen là chục căn nhà cơi nới trái phép bằng vật liệu tạm bợ. Nhà xí công cộng được “thiết kế đồng bộ” ngay cạnh các căn nhà này để tiện việc thải thẳng xuống kênh.

Tính chung, 5 tháng đầu năm 2005, TP phát sinh thêm 24 vụ lấn chiếm sông, kênh, rạch, tập trung chủ yếu trên các địa bàn huyện Bình Chánh, Cần Giờ, quận 6, 7 và 9. Chỉ tính riêng trên kênh Tân Hóa-Lò Gốm đã có 1.130 căn nhà lấn chiếm, tại rạch Cầu Sơn-Cầu Bông có khoảng 2.300 căn.

Cơ quan Nhà nước tiếp tay làm ngập

Kế hoạch 5 năm... lần thứ 2

Theo báo cáo của Sở GTCC: Tính đến cuối năm 2004, tổng số điểm ngập được xóa là 56 điểm, đạt 70% so với chỉ tiêu xóa 70 điểm trong chương trình xóa ngập 5 năm của TP. Như vậy, so với điểm ngập còn tồn từ đầu năm 2001 (100 điểm) thì đến đầu năm 2005 số điểm ngập chưa xóa được là 44 điểm. Nếu đem con số còn lại này cộng với số điểm ngập phát sinh thêm ít nhất là 28 điểm (2001: 24 điểm, năm 2002: 4 điểm) thì tổng số điểm ngập hiện nay của TP là hơn 70 điểm. Như vậy sau 5 năm “khổ sở” chống ngập, TP đang trở lại xuất phát điểm với vòng luẩn quẩn này, chưa có lối ra và không biết TP khi nào mới hết ngập.

Rạch Bà Lài (đoạn nhánh của kênh Tân Hóa-Lò Gốm, quận 6) có chức năng tiêu thoát nước cho khu vực Bình Phú và các khu dân cư lân cận. Tuy nhiên, từ cuối năm 2001, con rạch này gần như biến mất, thay vào đó là khu vui chơi giải trí Bình Phú và một “con mương” nhỏ rộng chừng 2 mét với dòng nước thải đặc quánh không lưu thông được! Theo một số hộ dân sống lâu năm ở đây thì trước kia rạch Bà Lài có chiều rộng khoảng 50 mét, dài 300 mét, mỗi khi mưa xuống nước thoát rất nhanh. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết dự án xây dựng khu vui chơi giải trí Bình Phú (thuộc khu dân cư Bình Phú) có quy mô gần 5 ha, do Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 làm chủ đầu tư. Điều đáng nói là dự án này đã được Văn phòng Kiến trúc sư trưởng (nay là Sở Quy hoạch-Kiến trúc) phê duyệt quy hoạch vào ngày 23-5-2001, trong đó cho phép lấp một phần rạch Bà Lài và lắp đặt cống hộp để giải quyết thoát nước. Thế nhưng, theo một cán bộ phòng kỹ thuật của công ty thì hiện việc lắp đặt cống hộp theo quy định chưa thể hoàn tất. Tuy nhiên, với đường kính cống hộp 2 mét x 2 mét thì khả năng tiêu thoát cho toàn khu vực cũng không thể nào tốt như trước.

Một con rạch khác cũng bị xâm lấn là rạch Ông Kích thuộc phường Tân Phong, quận 7. Theo kết luận của Khu Đường sông, tháng 5-2003, qua kiểm tra phát hiện Công ty Phú Mỹ Hưng đã san lấp toàn bộ con rạch này với diện tích 45.000 m2 để xây dựng khu nhà ở cao tầng. Trong khi đó, theo quy hoạch đường thủy và cảng biển TP thì rạch Ông Kích được phân cấp là sông cấp 6 nên việc san lấp sẽ dẫn đến nguy cơ ngập lụt rất cao.

Chưa kịp làm cống thoát nước

Chỉ mới “nếm thử” một vài cơn mưa đầu mùa nhưng hầu hết các tuyến đường ở khu phố 4 và khu phố 10, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân - TPHCM đều chìm trong biển nước. Trưa 19-5 vừa qua, từ đường Nghi Xuân, chúng tôi phải lội bì bõm dọc các con hẻm ngập sâu hơn nửa mét mới vào được bên trong. Bà Xà Thị Ngân, ngụ ở đây, kể: “Mưa cách nay 2 ngày nhưng đến nay nước vẫn không chịu rút! Cứ tới mùa mưa là nước ngập lênh láng, phải lót ván làm cầu mà đi”. Tương tự, do tình trạng đô thị hóa quá nhanh nên 5 năm trở lại đây khu vực ngã tư Bốn Xã, quận Bình Tân, luôn ngập nặng vào mùa mưa. Các con đường giao thông huyết mạch ở khu vực này như Phan Anh, Lê Văn Quới, Bình Long... có lúc ngập sâu đến 1 mét và phải mất vài ngày nước mới rút. Để cứu vãn tình hình, UBND quận Bình Tân cũng đã nhiều lần đổ đá tạm để dặm vá đường nhưng... vì không có hệ thống thoát nước nên tình trạng ngập ở khu vực này vẫn không giảm. Sở GTCC cũng đã có dự án xây dựng hệ thống thoát nước cho khu vực này nhưng... dự kiến sớm nhất đến năm 2006 công trình mới phát huy tác dụng!

Chính quyền, người dân đều “vô tư”

Hơn nửa năm nay, hàng trăm hộ dân ở đường Tân Mỹ, khu phố 4, phường Tân Thuận Tây, quận 7 - TPHCM “dở khóc dở cười” vì hệ thống thoát nước ở đây “dở chứng”, không hoạt động. Vì quá bức bách, nhất là vào mùa mưa nên nhiều hộ dân phải đối phó bằng cách tự tạo “hệ thống” thu nước thải trong nhà và nâng nền nhà để “chạy” mưa. Ông Nguyễn Ngọc Châu, tổ trưởng tổ 4 (khu phố 4), cho biết: Nước thải không thể thoát được vì hệ thống thoát nước chung quá tải. Ban đầu chỉ phục vụ cho một khu vực với vài chục hộ, nay hàng trăm căn nhà mọc lên thì hệ thống cũ không thể “gồng” nổi! Mặt khác, do việc xây dựng không được chính quyền địa phương kiểm soát dẫn đến hệ thống cống chung bị bít dần và do đấu nối vô tội vạ nên mùa mưa tới sẽ càng làm cho tình hình phức tạp hơn.

Còn tại đường An Dương Vương, đoạn tiếp giáp giữa quận 6 và quận Bình Tân, hiện tượng ngập cũng bắt đầu “manh nha” mặc dù mới qua vài cơn mưa đầu mùa. Theo Công ty Thoát nước đô thị: Không ít tuyến thoát nước do công ty quản lý đã bị lấn chiếm. Nhiều nơi, nhà được xây dựng cả trên lưng cống, bít cống thoát nước, tập trung ở các quận như Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh làm cho việc tiêu thoát nước hết sức khó khăn. Nếu chính quyền địa phương không mạnh tay trong việc xử phạt các trường hợp xây dựng lấn chiếm, không thực hiện việc cải tạo, nâng cấp những hệ thống thoát nước quá tải thì e rằng việc ngập ở khu vực nội thành cũng sẽ khó mà tránh khỏi!

Xử lý kiểu... cho có!

Theo Phòng Quản lý Giao thông Đường thủy, Sở GTCC TPHCM, thời gian gần đây, khi các quận nội thành đồng loạt triển khai các dự án giải tỏa nhà trên sông, kênh rạch, một số hộ dân sau khi nhận tiền đền bù đã di dời ra ngoại thành để tiếp tục... xây cất, lấn chiếm kênh, rạch trái phép. Các hộ này thường chọn ngày thứ bảy và chủ nhật để xây dựng vì ít bị dòm ngó. Khi bị cơ quan chức năng kiểm tra thì giải thích là chỉ gia cố để chống sạt lở!

“Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để xảy ra việc lấn chiếm, san lấp sông, kênh, rạch trái phép trên địa bàn do quận, huyện quản lý”. Dù UBND TP quy định trách nhiệm cụ thể như vậy, song việc xử lý sai phạm của các địa phương lại rất chậm trễ. Cụ thể, như trường hợp sai phạm của bà Diệu (quận Bình Thạnh), sau khi phát hiện hành vi xây cất, lấn chiếm rạch Lăng, Khu Đường sông đều thông báo cho địa phương xử lý. Nhưng không hiểu vì sao đến nay hai căn nhà trên vẫn tồn tại? Đối với 12 hộ lấn chiếm tại chân cầu Đỏ, tại cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Tần Xuân Bảo đã chỉ đạo UBND phường 13 xử lý dứt điểm, nhưng theo thông tin mà chúng tôi nhận được mới chỉ 1/12 hộ... nhận quyết định cưỡng chế.

Ông Nguyễn Bật Hận, Trưởng Phòng Tham mưu tổng hợp Thanh tra GTCC cho biết, theo quy định, hành vi san lấp kênh, rạch chịu phạt thấp nhất là 100.000 đồng; cao nhất là 1 triệu đồng. Mức xử phạt quá thấp, chưa đủ sức răn đe! Cũng theo ông Hận, dù Nghị định 37/CP (ban hành ngày 13-3-2005, quy định thủ tục các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định vi phạm hành chính) nêu rõ: “Người bị cưỡng chế phải chịu kinh phí giải tỏa”, nhưng quy định này rất khó áp dụng, bởi lẽ đa số đều là dân nghèo. Phải chăng, vì ngại “gánh” các khoản cho phí này mà các quận, huyện đều thiếu kiên quyết trong việc xử lý các hộ vi phạm?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo