Tôi ủng hộ nỗ lực của các nhà quản lý trong việc giúp kết nối hai bờ Đông - Tây cho khu trung tâm TPHCM vì điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp khởi động dự án Thủ Thiêm và góp phần cải tạo giao thông cho khu trung tâm. Câu hỏi cần đặt ra có lẽ là nên xây dựng cầu như thế nào và vào lúc nào để đạt hiệu quả đầu tư cao nhất.
Theo quy hoạch hiện nay, có 5 cây cầu kết nối hai bờ Đông - Tây nhưng vẫn cần một quy hoạch kết nối, bởi lẽ các nhà quản lý nên đặc biệt lưu ý rằng dự định xây 5 cây cầu và cầu bộ hành chỉ mới là một đề xuất kết nối, chứ đó chưa phải là quy hoạch kết nối thực sự.
Trong hoàn cảnh khu vực bị cắt đôi bởi con sông Sài Gòn và thiếu một quy hoạch kết nối, chúng ta sẽ chỉ có được 3 dự án khu trung tâm nằm cạnh nhau hơn là có được một tổng thể khu trung tâm hoàn chỉnh phát triển đồng bộ và hài hòa.
Khi có được quy hoạch kết nối thực sự đôi bờ sông Sài Gòn, TPHCM sẽ có tổng thể khu trung tâm
hoàn chỉnh, phát triển đồng bộ và hài hòa Ảnh: HUỲNH PHẠM ANH DŨNG
Tham khảo kinh nghiệm trước đây của quy hoạch kết nối hai bờ Đông - Tây sông Hoàng Phố của Thượng Hải, quy hoạch kết nối khu vực hai bờ sông Sài Gòn cần chú ý các mục đích yêu cầu thiết kế sau:
Thứ nhất, xác định vị trí và thời điểm xây dựng theo kế hoạch các dự án kết nối sao cho công trình phục vụ giao thông (xe, bộ, thủy và trên không) được xây dựng phù hợp với kế hoạch xây dựng công trình và hạ tầng của khu vực lân cận một cách đồng bộ và tạo hiệu quả cao nhất về nhiều mặt.
Thủ Thiêm nên học hỏi kinh nghiệm của ông Lawrence Ting - người đã dẫn dắt dự án phát triển Nam Sài Gòn từ một số vốn ban đầu chỉ khoảng 200 triệu USD đến thành công ngày nay nhờ vào kế hoạch phát triển từng bước phù hợp chiến lược kinh tế đô thị trên một nền tảng thiết kế quy hoạch tốt.
Thứ hai, giải quyết vấn đề giao thông và quy hoạch chức năng cho khu vực hai đầu cầu (bán kính đi bộ 400 m - 600 m tính từ đầu cầu) của tất cả cầu kết nối hai bờ Đông - Tây trong tương lai, trong mối liên kết với các khu vực chính của khu trung tâm hiện hữu và trung tâm Thủ Thiêm.
Khi có được quy hoạch kết nối thực sự đôi bờ sông Sài Gòn, TPHCM sẽ có tổng thể
khu trung tâm hoàn chỉnh phát triển đồng bộ và hài hòa. Ảnh: HUỲNH PHẠM ANH DŨNG
Thứ ba, khi cần thiết phục vụ cho mục đích kết nối, cần mạnh dạn cho phép thay đổi thiết kế quy hoạch các khu vực giáp ranh của 3 thiết kế nước ngoài (về mật độ, hệ số sử dụng đất, quy hoạch kiến trúc cảnh quan…).
Thứ tư, kích thích phát triển Thủ Thiêm và góp phần cải thiện quy hoạch khu trung tâm hiện hữu. Việc ưu tiên xây dựng trước các công trình kết nối ngắn và thuận tiện với khu trung tâm giúp thu hút cao ốc xây dựng tại Thủ Thiêm vì người ta có thể đi sang khu trung tâm hiện hữu dễ dàng, mau chóng, nhờ đó giảm áp lực xây dựng nhà cao tầng lên khu trung tâm hiện hữu và gián tiếp giúp bảo tồn di sản kiến trúc tại đó.
Thứ năm, giải quyết vấn đề nan giải về giao thông của khu trung tâm. Việc khuyến khích người dân gửi xe cá nhân bên Thủ Thiêm và dùng giao thông công cộng đi vào khu trung tâm hiện hữu và khu trung tâm mới Thủ Thiêm giúp giải quyết ách tắc giao thông và xây dựng khu trung tâm với hệ thống giao thông công cộng hiệu quả.
Tận dụng lợi thế đất sạch cho phát triển tại Thủ Thiêm để bố trí các đầu mối giao thông quan trọng (cao tốc, xe lửa, metro, giao thông thủy, bãi xe cho giao thông cá nhân từ ngoài TP) bên phía Thủ Thiêm với kết nối đi bộ và giao thông công cộng với trung tâm hiện hữu, từng bước xây dựng trung tâm hiện hữu với hệ thống giao thông công cộng hiện đại mà không gây ảnh hưởng ách tắc giao thông trong quá trình xây dựng tại đó.
Phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. (Ảnh do Ban Quản lý Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm cung cấp)
Thứ sáu, giải quyết vấn đề hiệu quả thiết kế kinh tế đô thị: Trong quy hoạch kết nối, cần phân biệt rõ kết nối theo ý chí chủ quan của người thiết kế (kết nối Quảng trường Trung tâm Thủ Thiêm có quy mô dự kiến 1,8 triệu người với Quảng trường Mê Linh) và kết nối phù hợp quy luật tự nhiên của kinh tế thị trường (kết nối khu vực có tiềm năng đạt giá trị địa ốc cao nhất của Thủ Thiêm nằm bên kia sông của đầu đường Nguyễn Huệ với Quảng trường UBND TP).
Hai kết nối này đều cần thiết nhưng việc ưu tiên phát triển kết nối phù hợp quy luật kinh tế thị trường trước sẽ giúp thu hút đầu tư tư nhân tốt hơn, giải quyết vấn đề thiếu vốn ban đầu cho phát triển Thủ Thiêm.
Cầu đi bộ: Các điểm mạnh và yếu
- Chú trọng về hình thức thiết kế và cảnh quan, giúp tạo nên một điểm đến hấp dẫn để ngắm cảnh quan trên sông và đi dạo. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc thu tiền khách tham quan để thu hồi vốn là không khả thi.
- Chưa thực sự đóng vai trò kết nối khu trung tâm với Thủ Thiêm vì hiện chưa có công trình xây dựng nào quan trọng tại Thủ Thiêm đã xây dựng hay sẽ xây dựng trong tương lai gần.
- Chưa đem lại tác dụng kích thích xây dựng công trình tại Thủ Thiêm hiện nay bởi vị trí cầu chưa phù hợp với khoảng cách đi bộ đến khu trung tâm quá xa (mất khoảng 1.300 - 1.400 m để đi bộ từ trung tâm của Quảng trường Trung tâm của Thủ Thiêm để qua cầu và đến Quảng trường UBND TP)…
Do đó, việc xây dựng cầu sẽ khả thi hơn khi khắc phục được các điểm yếu trên hoặc khi ngân sách TP đủ rộng rãi để chi tiêu cho các dự án tuy không kinh tế nhưng phục vụ mục đích văn hóa, xã hội. |
Bình luận (0)