Tuy nhiên, theo những người chứng kiến, sự việc không đến mức nghiêm trọng và hỗn loạn như phản ánh của dư luận.
Một vài người tranh nhau hoa tạo dư âm xấu cho Lễ hội hoa Hà Nội 2010. (Ảnh: H.V)
Ngày vui không trọn...
Sáng 5-1, tại phố Đinh Tiên Hoàng, nơi vừa diễn ra lễ hội hoa Hà Nội, một nhân viên của Cty Môi trường đô thị đang thu dọn cho biết: "Đúng là đã xảy ra hiện tượng tranh giành hoa tại đây nhưng không đến mức... hỗn loạn. Lúc xảy ra chuyện tranh hoa, tôi cũng có mặt ở đó. Lúc đó vào khoảng 9 giờ sáng, một vài người đi tập thể dục về đã xin một vài bông tuylip nhưng các nhân viên ở đây không cho. Thế nhưng họ cứ xông vào lấy. Những người khác thấy thế, tranh thủ lúc ồn ào cũng vào lấy. Tổng cộng chừng hơn 10 người thôi. Số hoa đó thực ra cũng bị dập héo đi nhiều rồi, còn những bông hoa đẹp hơn đã được chuyển đi từ ngay tối hôm kết thúc lễ hội".
Nhân viên này cũng bày tỏ: "Thực ra, công tác bảo vệ hoa và thái độ ứng xử với hoa của người dân năm nay được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và được bảo vệ đến phút cuối cùng. Có lẽ người dân lần đầu tiên được nhìn thấy loại hoa tuylip lạ và muốn được sở hữu nó làm kỷ niệm (vì hoa này không có bán ở Hà Nội). Trong chuyện này, tôi nghĩ, dù sao lễ hội cũng kết thúc rồi, mà hoa không còn tươi nữa thì cũng nên đối xử với nhau cho có tình, sẽ không xảy ra câu chuyện đáng buồn đó".
Mót hoa trên đống rác còn lại sau Lễ hội.
Đâu rồi nét thanh lịch?
Bà Hoài Thu - Đại diện công ty DC- đơn vị tổ chức lễ hội hoa Hà Nội 2010 khẳng định: "không có chuyện tranh cướp hoa sau lễ hội".
Về việc sử dụng như thế nào với số hoa có giá trị lên đến 17 tỷ đồng, bà Thu cho biết: "BTC tiến hành thu dọn hoa ngay sau khi lễ bế mạc diễn ra vào tối 3-1. BTC tận dụng những cây hoa có khả năng sống lâu và có khả năng tái tạo lại để tặng cho Công ty Công viên cây xanh Hà Nội. Số lượng hoa mang tặng chiếm khoảng 60% tổng số hoa đã được sử dụng trong lễ hội. Số hoa dập nát, hỏng sau lễ hội chiếm khoảng 10 đến 15%. Số còn lại không có khả năng sống lâu nhưng vẫn có thể sử dụng thì BTC để nhân dân mang về dùng". Như vậy, BTC cũng đã có phương án cho người dân hoa sau khi lễ hội kết thúc. Nếu các nhân viên thu dọn không quá máy móc trong việc giữ gìn hoa thì đã không xảy ra hiện tượng tranh cướp như đã diễn ra”.
Mặc dù vậy, vì lý do gì việc tranh giành hoa diễn ra ngay giữa ban ngày cũng là một hành động không đẹp. Nhà văn Băng Sơn, sau khi háo hức đến với lễ hội hoa đã không giấu được nỗi buồn. "Cứ ngỡ rằng sau lần tổ chức đầu tiên, được góp ý nhiều thì nhận thức của người dân sẽ tăng lên nhưng thật đáng buồn, điều đó cũng không cải thiện được nhiều. Nếu không có nhiều người bảo vệ thì chắc gì hoa đã được giữ đến ngày cuối cùng?
Tôi đã thử tìm câu trả lời cho việc vì sao, cũng là lễ hội hoa mà ở TP HCM và Đà Lạt, người ta cư xử văn minh là thế mà sao Hà Nội thì năm nào cũng phải nói? Tôi nghĩ, người Hà Nội gốc hiện nay không còn nhiều, văn hoá Hà Nội cũng từ đó mà pha tạp. Vì thế, việc trước mắt và lâu dài đó là cần phải phục hồi lại sự thanh lịch, vốn là bản sắc của ngươi Tràng An xưa và phải biết xấu hổ về việc ý thức xuống cấp thì mới thay đổi được...", ông Băng Sơn nói.
Bình luận (0)