Trong 2 ngày 26 và 27-9, tổ chức Yêu động vật Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Nông Lâm TP HCM tổ chức tọa đàm Phúc lợi động vật lần thứ 2 với chủ đề “Đối mặt thử thách, kêu gọi hành động”. Tọa đàm này quy tụ hơn 60 đại biểu đến từ nhiều tổ chức quốc tế uy tín tại Ấn Độ, Mỹ và các nhóm hoạt động bảo vệ, cứu hộ vật nuôi trên cả nước.
Mở đầu câu chuyện, anh Lê Đức Chính, điều phối viên Liên minh Bảo vệ chó châu Á (ACPA) tại Việt Nam, chia sẻ người anh đã run lên bần bật khi trực tiếp chứng kiến cảnh các chú chó bị hành hạ rất thê thảm trước khi bị cắt tiết ở các lò mổ Hà Nội. Đó là một thực tế đáng buồn đang diễn ra ở nước ta hiện nay.
Theo anh Chính, tại Việt Nam, mỗi năm có đến 5 triệu con chó bị xẻ thịt. Việc nhập lậu chó từ Thái Lan, Lào và Campuchia diễn ra khá ồ ạt trong khi việc kiểm dịch chó chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đúng quy định. Trước tình trạng này, ACPA đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để ngăn chặn, hạn chế tình trạng nhập lậu và tiêu thụ thịt chó ở Việt Nam. Hiện 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia đã ký cam kết kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán chó.
Trên khắp cả nước, rất nhiều tổ chức, nhóm bảo vệ và cứu hộ động vật, chó mèo được thành lập. Chị Vi Thảo Nguyên, đồng sáng lập tổ chức Yêu động vật Việt Nam, cho hay trong 5 năm qua, tổ chức này đã cứu hàng ngàn chú chó, mèo bị bỏ rơi và khuyến khích sự hình thành của nhiều nhóm cứu hộ chó mèo, đưa triệt sản trở thành yếu tố cần thiết cho mọi người chủ nuôi chó mèo. Tuy nhiên, hiện các hội, nhóm cứu hộ động vật chưa có tư cách pháp nhân, kinh phí còn hạn chế.
Còn TS Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam, trăn trở: “Mặc dù có nhiều văn bản nhưng việc thực thi pháp luật trong công tác bảo vệ và cứu hộ động vật rất khó khăn. Nhiều cơ quan chức năng rất lúng túng khi xử lý những động vật nhập lậu còn sống. Chúng tôi hy vọng rằng sau khi Luật Thú y có hiệu lực vào năm 2016 sẽ giúp công tác cứu hộ thuận lợi hơn”.
Bình luận (0)