Các học giả quốc tế cho rằng vấn đề an ninh biển và khuôn khổ luật pháp quốc tế về Luật Biển hiện có vai trò quan trọng trong việc duy trì hài hòa và hòa bình ở Đông Nam Á.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý nhận định với những thách thức trong các không gian biển hiện nay, khác biệt trong cách nhìn nhận về lịch sử không thể là lý do để tìm cách giải thích khác, phớt lờ hay thậm chí phá bỏ, viết lại nền tảng hệ thống luật quốc tế. Khoảng cách về trình độ phát triển không thể là cớ để khoanh tay trước những thách thức đòi hỏi để ứng phó với không gian sinh tồn chung đang bị đe dọa.
Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Hơn bao giờ hết, các vấn đề an ninh biển và khuôn khổ luật pháp quốc tế về Luật Biển hiện có vai trò quan trọng trong việc duy trì hài hòa và hòa bình ở Đông Nam Á”.
Trong ngày 9-6, các diễn giả tiếp cận những diễn biến gần đây ở biển Đông và Hoa Đông với nhiều khía cạnh khác nhau, từ quốc phòng, ngoại giao đến kinh tế, luật pháp. Việc này nhằm tìm kiếm các cơ hội và ý tưởng về quản trị chung, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia có liên quan trực tiếp đến tranh chấp.
Thảo luận về các thách thức an ninh truyền thống trên biển, ý kiến chung cho rằng trật tự quốc tế, an ninh, an toàn trên biển cần tiếp tục được duy trì và cải thiện. Trong đó, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) được coi là “Hiến pháp Biển”, cần được tất cả các bên tôn trọng.
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ mong muốn các nước liên quan hành động có trách nhiệm trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đóng góp lớn hơn, thiết thực hơn vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực. ASEAN có vai trò quan trọng trong việc định hình kiến trúc an ninh ở khu vực, là diễn đàn quan trọng để thảo luận vấn đề biển Đông, xây dựng các cơ chế để quản lý và kiểm soát những tranh chấp biển.
Tránh va chạm trên biển Đông
Ngày 9-6, cuộc họp lần thứ 12 các quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc (SOM) quanh việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tham vấn về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) cũng được tổ chức tại TP Hạ Long.
Tại cuộc họp, các nước ASEAN đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở biển Đông. Các nước lần đầu tiên trao đổi về bản chất, cách tiếp cận xây dựng, thời gian hoàn thành và đề cương COC. Các nước cũng nhất trí đẩy mạnh thực hiện các biện pháp “thu hoạch sớm”, trong đó có việc sớm hoàn tất tài liệu hướng dẫn để đưa vào vận hành đường dây nóng giữa các quan chức ngoại giao ASEAN và Trung Quốc về ứng phó các sự cố khẩn cấp trên biển cũng như hoàn tất xây dựng Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử để tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) tại biển Đông.
Bình luận (0)