Cũng theo người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội trong lần tiếp xúc cử tri sau kỳ họp HĐND mới đây nhất, sắp tới thủ đô sẽ dẹp bớt cắt cỏ, tỉa hoa trên diện rộng và dự tính tiết kiệm được 700 tỉ đồng mỗi năm.
700 tỉ đồng! Con số này nhiều hơn hoặc tương đương số thu ngân sách trong một năm của hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, như Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu… (mỗi tỉnh từ 450 tỉ đồng đến 700 tỉ đồng; năm 2015, cả 14 tỉnh miền núi phía Bắc đều phải xin hỗ trợ từ trung ương).
Mỗi chuyện đó cũng đủ lý giải vì sao đất nước mãi nghèo. Nghèo vì không biết tiết kiệm, nghèo mà vẫn chi bạo bởi ỷ lại bầu sữa mẹ ngân sách. Tổng kết ngân sách năm 2015 cho thấy rất nhiều tỉnh - thành chi vượt thu hàng ngàn tỉ đồng và địa phương nào cũng xin trung ương khoản chi vượt. Vậy thì tránh sao được bội chi kéo dài, nợ công gia tăng từ năm này qua năm khác?
Trở lại chuyện cắt cỏ tiền tỉ của Hà Nội. Quyết định dừng để tiết kiệm là đúng nhưng chưa đủ. Cần phải làm rõ vì sao chi phí tốn kém đến vậy? Có tổ chức đấu thầu đúng quy định không? Ai giám sát? Tất cả phải minh bạch bởi đó là tiền thuế của người dân.
Ai cũng hô hào, cũng hưởng ứng chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng thực chất thì nhìn đâu cũng thấy của công thất thoát, tan chảy. Năm 2016 này, dự báo thu ngân sách sẽ rất khó khăn do kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực giảm, nhiều dòng thuế về 0% vì thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại quốc tế. Dù vậy, vẫn không ngớt tình trạng chạy đua xây dựng cơ bản ở các tỉnh - thành nghèo với nào là trung tâm hành chính, quần thể tượng đài - công viên, sân bay, chuỗi sân golf, nhà khách… Chẳng có mấy công trình trong số ấy được cất lên từ nguồn vốn xã hội hóa. Bộ mặt tỉnh, thành được khang trang bằng đồng tiền còn mặn chát mồ hôi nước mắt của bao người lao động đầu tắt mặt tối, quanh năm chân lấm tay bùn.
Đâu phải những người đứng đầu chính quyền không nhìn thấy cảnh cơ hàn thường nhật của đại đa số người dân ở địa phương mình. Thậm chí, dù dân nghèo mạt rệp song đây đó vẫn tận thu thuế - phí, nghẹt thở như thu sản trong “Cái đêm hôm ấy đêm gì…” của thời chừng 30 năm trước. Ấy là trường hợp ở thôn Thành Liên, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2016, người dân phải đóng góp tới gần 20 khoản thu. Tại các thôn khác như Phúc Thọ, Yên Minh của xã Trường Sơn này, người ta huy động tất cả trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi và người già mất sức lao động phải đóng góp với mức đóng 150.000 đồng/nhân khẩu. Cũng như vậy, năm 2016, người dân thôn Thái Sơn, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An phải đóng 23 loại quỹ, phí và các khoản thu khác nhau…
Ông cha ta từ ngàn xưa đã dạy phải biết khoan thư sức dân. Bòn rút đến thế mà lại lãng phí vô chừng, bức xúc này kêu trời không thấu!
Bình luận (0)