Sở dĩ người đứng đầu cơ quan lập pháp, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phải thốt lên như vậy bởi ông thấy rằng thông tin mà đại biểu QH chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc 1 con gà phải “gánh” tới mười mấy loại phí tại kỳ họp QH hồi cuối tháng 6 vừa qua là chính xác. “Một con gà mà bị đè ra thu đến 14 loại phí, trời đất ơi!” - người đứng đầu QH bật lên tiếng than của người dân.
Hình ảnh 1 con gà bé nhỏ phải gồng mình cõng tới 14 loại phí đã phần nào phản ánh thực trạng nhói lòng về gánh nặng thuế phí mà nông dân cũng như người dân cả nước đang phải chịu trong bối cảnh thu nhập và mức sống còn khá thấp. Bức tranh ấy không những chưa được cải thiện mà nghe chừng còn chẳng mấy vui vẻ nếu nhìn vào các con số do chính người đứng đầu Bộ Tài chính - cơ quan chấp bút soạn thảo dự án Luật Thuế và Lệ phí - đưa ra tại cuộc họp. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, dù đã tích cực rà soát để bỏ nhiều loại song vẫn còn 937 khoản phí và 90 lệ phí trong riêng lĩnh vực nông nghiệp.
Dù thừa nhận các khoản phí và lệ phí như vậy là quá lớn nhưng vị “tư lệnh” ngành tài chính, thay mặt cơ quan soạn thảo dự án Luật Thuế và Lệ phí, vẫn đề nghị không đưa cụ thể các loại phí vào luật mà để Chính phủ quy định danh mục. Nhận thấy đây có thể là “kẽ hở” khiến “đẻ” ra thêm các loại phí khó kiểm soát sau này, Chủ tịch QH đã kiên quyết đưa tất cả vào luật.
Thực ra, việc người đứng đầu cơ quan phải lo cân đối ngân sách nhà nước muốn nắm trong tay cái quyền đưa vào, đưa ra các loại phí cũng không khó hiểu. Ngoài việc đang có quá nhiều loại thuế, phí khó rà soát hết để đưa vào luật thì cái quyền này cũng có thể giúp họ chủ động hơn trong bảo đảm cân đối ngân sách như thêm phí, tăng phí để tăng thu.
Thuế, phí đang là một gánh nặng đè lên người dân, nhất là người lao động thu nhập thấp. Gánh nặng này có thể sẽ còn nặng hơn nữa nếu ngân sách tiếp tục bội chi như hiện nay. Trong các khoản bội chi này có không ít là đầu tư công; chi ngân sách kém hiệu quả; thậm chí lãng phí, thất thoát... Cụ thể nhất và gần nhất phải kể đến là dự án như cụm tượng đài ở tỉnh nghèo Sơn La. Với tổng kinh phí 1.400 tỉ đồng được phê duyệt, nếu công trình này được triển khai thì gánh nặng thuế, phí trên vai người dân sẽ lại nặng thêm.
Nếu việc sử dụng, chi tiêu ngân sách không hiệu quả, lãng phí như hiện nay vẫn tiếp diễn thì những ca thán về thuế, phí không biết bao giờ mới chấm dứt!
Bình luận (0)