Trong trận đánh ác liệt ở mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang ngày 12-7-1984, đại úy Nguyễn Hữu Thanh - tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 - đã anh dũng hy sinh khi chỉ huy đơn vị tiến công để giành lại các cao điểm bị quân Trung Quốc chiếm đóng. Qua không biết bao nhiêu lần tìm kiếm, mãi đến năm 2012, đồng đội và vợ đại úy Thanh, chị Lưu Thị Lan, mới đưa được hài cốt anh về với quê nhà Quảng Bình.
28 năm đằng đẵng
Ông Đặng Việt Châu, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3, cho biết trong giờ phút cam go của trận chiến, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh đã dẫn 1 phân đội táo bạo đánh thẳng vào sở chỉ huy của quân Trung Quốc. “Bị thương cả 2 chân rồi ở đầu nhưng anh vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em quyết liệt chiến đấu. Anh ngã xuống tại đỉnh Đ3 trên cao điểm 772, cách hầm chỉ huy của quân Trung Quốc chỉ hơn 10 m” - ông Châu xúc động.
Cựu binh Tiểu đoàn 3 Nguyễn Văn Kim, Trưởng Ban Liên lạc cựu quân nhân Sư đoàn 356 tại Yên Bái, nhớ lại: “Tiếng thét xung phong của đại úy Thanh nơi đỉnh đồi biên cương như vẫn còn âm vang đâu đây. Đằng đẵng 28 năm sau, đồng đội và vợ con mới tìm thấy anh. Hàng chục năm nắng mưa sương gió, xương cốt anh không còn được bao nhiêu…”.
Đại úy Thanh hy sinh khi chị Lan mới 29 tuổi và cậu con trai Nguyễn Hữu Long vừa chào đời 7 tháng. “Lần cuối cùng tôi gặp anh là cuối năm 1983. Anh về phép khi tôi vừa sinh cháu Long 1 ngày. Anh ở nhà với vợ con được 21 ngày rồi trở lại đơn vị. Mãi đến năm 1985, gia đình mới nhận được giấy báo tử, ghi anh hy sinh tại cao điểm 772 nhưng do chiến trường ác liệt nên không tìm được thi thể” - chị Lan ngậm ngùi.
Khóc cạn nước mắt, chị Lan gửi lại con nhỏ rồi bắt đầu đi khắp nơi dò hỏi tin tức chồng. “Một số đồng đội của anh Thanh khuyên tôi chưa nên tìm kiếm hài cốt chồng vì nơi anh nằm vốn là chiến trường ác liệt, bom mìn còn sót lại rất nhiều. Thế nhưng, tôi vẫn không thôi hy vọng. Tôi nghĩ chồng mình ngã xuống ở cao điểm 772 thì chắc chắn hài cốt anh vẫn còn nằm đó” - chị Lan kể.
Mãi đến năm 2006, tức 22 năm sau ngày đại úy Thanh hy sinh, chị Lan và con trai mới có dịp lên Hà Giang lần đầu tiên để tìm chồng. Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên mênh mông với 1.700 phần mộ, mẹ con chị Lan tỉ mẩn lần tìm cẩn thận vẫn không thấy anh Thanh đâu.
“Năm 2008, mẹ con tôi lại lên Vị Xuyên. Thêm nhiều hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về đây nhưng tên anh Thanh vẫn biệt tăm. Tôi đành an ủi Long và cả cho mình: “Hai mẹ con cứ thắp hương cho đồng đội của bố và những liệt sĩ vô danh. Cứ coi mình thắp vong cho bố thôi, con ạ” - chị Lan bồi hồi.
Sau chuỗi ngày đằng đẵng tìm chồng không có kết quả, chị Lan nghĩ chỉ còn cách duy nhất là chụp giấy báo tử của chồng đưa lên internet, hy vọng đồng đội của anh biết được sẽ giúp. Không lâu sau, chị nhận được liên lạc từ ông Đặng Việt Châu, hiện sinh sống ở Nghệ An.
“Tôi rất đau xót và chia sẻ với chị Lan. Đồng đội chúng tôi vẫn còn hàng trăm người nằm lại trên cao điểm 772. Gần 30 năm nay, vợ con, người thân và đồng đội vẫn khắc khoải không yên khi hài cốt các anh vẫn chưa được đưa về… Tôi khuyên chị Lan không nên tìm chồng ở các nghĩa trang nữa vì anh Thanh vẫn còn nằm trên cao điểm 772” - ông Châu tâm sự.
Trở lại chiến trường xưa
Ngày 20-6-2012, mẹ con chị Lan cùng những cựu binh Tiểu đoàn 3 trở lại khu vực chiến trường xưa - cao điểm 772, nơi đại úy Thanh đã chiến đấu chống quân Trung Quốc và anh dũng hy sinh, để tìm kiếm hài cốt anh. Theo sau những chiến sĩ công binh rà phá bom mìn, cả đoàn lần tiến lên đỉnh Đ3.
Chỉ huy cuộc tìm kiếm, ông Đặng Việt Châu, nhớ lại: “8 giờ, tôi nhận được điện của Nguyễn Văn Kim: “Bọn em đã đi qua bản Nậm Ngặt”. Tiếp đến, chị Lan thông báo: “Em đã thấy cao điểm 772 nhưng sương mù mờ mịt”. 9 giờ, sương mù tan, đỉnh Đ3 hiện ra trước mắt. Đến 10 giờ, nhóm Kim gọi điện cho biết đã tìm thấy chiến hào 1. Đó là nơi 28 năm trước, đại úy Thanh đã ngã xuống. Tôi dặn Kim rẽ phải khoảng 30-35 m nữa...”.
Đến khoảng 12 giờ, hài cốt vị đại úy tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 đã được tìm thấy ngay trong chiến hào 1. “Tôi lặng người, sống mũi cay cay, trong lòng trào dâng xúc động. Anh Thanh chỉ còn lại hộp sọ, 3 chiếc răng, 2 mảnh xương vai và xương hàm. Bên hài cốt anh còn ngôi sao trên mũ, miếng vải dù hoa, chiếc áo sĩ quan và 4 quả lựu đạn” - ông Châu nhớ lại.
Giây phút nhìn thấy một phần thân thể của anh Thanh sau gần 30 năm xa cách, chị Lan nghẹn ngào không thốt nên lời, nước mắt khóc thương chồng tưởng đã cạn giờ lại tuôn giàn giụa. “Sau bao nhiêu năm khắc khoải tìm kiếm, chiều hôm đó, hài cốt của anh đã được đưa ra khỏi chiến hào 1 trên cao điểm 772 về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Ba Giốc ở Quảng Bình. Đó là mong ước lớn nhất của mẹ con tôi sau khi hay tin anh hy sinh” - người phụ nữ hàng chục năm nay ở vậy thờ chồng, nuôi con tâm sự.
Nằm lại chiến hào năm nào Ông Đặng Việt Châu cho biết suốt một tuần ngay sau trận đánh ngày 12-7-1984, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt luồn sâu vào trận địa để tìm kiếm tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh và các đồng đội đã hy sinh, bị thương hay mất tích. “Tôi đến từng phân đội thăm hỏi, động viên anh em, ai cũng nhắc đến anh Thanh một cách kính trọng và thán phục. Mọi người đều xin được trở lại Đ3 để tìm kiếm người tiểu đoàn trưởng anh dũng và đồng đội, ai cũng quyết một phen sống mái với quân Trung Quốc” - ông Châu nhớ lại. Trong trận đánh ấy, hơn 600 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 356 đã ngã xuống trên chiến trường Vị Xuyên. “Riêng Tiểu đoàn 3 chỉ tìm được gần 50 thi thể đồng đội, còn lại hơn 140 người vẫn đang nằm đâu đó trên chiến hào năm nào” - cựu binh Nguyễn Văn Kim trăn trở. |
Kỳ tới: Không thể lãng quên
Bình luận (0)