xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khác nào “mua bán người”!

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM chủ trì từng kiểm tra hoạt động của mái ấm Hoa Mẫu Đơn và phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng

Sau khi Báo Người Lao Động đăng loạt bài Trục lợi trên thân phận trẻ thơ, chủ mái ấm Hoa Mẫu Đơn (HMĐ), bà Phạm Thiên Đơn, đã có văn bản phản hồi.

Chủ mái ấm nói gì?

Lý giải việc thu tiền của trẻ, bà Đơn cho rằng thực hiện đúng Nghị định 68/2008 của Chính phủ - quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; việc thu kinh phí được thực hiện theo tinh thần tự nguyện sau khi đã có sự thống nhất với người đại diện trẻ.
img
Các bé lớn hơn ở mái ấm Hoa Mẫu Đơn phải phụ bón cơm cho em

Theo bà Đơn, kinh phí này được dùng cho chi phí sinh hoạt hằng tháng của trẻ. Bà Đơn dẫn chứng vài trường hợp: Bé Nguyễn Ngọc Bắc được gửi vào HMĐ tháng 3-2012, gia đình chỉ hỗ trợ 6 tháng (1,2 triệu đồng/tháng) rồi không đến thăm con; bé Trường Thọ gửi vào tháng 7-2012, gia đình do khó khăn chỉ hỗ trợ 3 tháng (500.000 đồng/tháng) và sau đó dừng hẳn… Số tiền này được bà Đơn cho biết dùng vào các khoản sữa, cháo, bột, quần áo, y tế, vệ sinh… của trẻ.

Riêng trường hợp bé Nguyễn Trần Anh Khoa - cha mẹ bị buộc đóng 2,5 triệu đồng/ tháng khi muốn đón về - bà Đơn giải thích: “Phụ huynh muốn rước con phải thanh toán chi phí sinh hoạt hằng tháng nhằm giúp mái ấm có nguồn kinh phí nuôi dưỡng trẻ khác và giúp phụ huynh hiểu trách nhiệm làm cha mẹ”.

Việc buộc cha mẹ viết giấy cho con, chủ mái ấm HMĐ cho rằng quy trình này thoạt nhìn vào có yếu tố nhạy cảm vì liên quan đến tình cảm thiêng liêng, phạm trù đạo đức. Tuy nhiên, “việc hoàn tất thủ tục một cách đầy đủ là cần thiết nhằm hạn chế các phát sinh về sau; đồng thời, đã xảy ra trường hợp sau khi viết giấy cho con, vì nhiều lý do, gia đình đổi ý và muốn đoàn tụ cùng trẻ”!

Đối với việc sở hữu nhiều căn nhà, theo bà Đơn, chúng được mua trước khi thành lập mái ấm HMĐ - năm 2010. Tuy nhiên, thực tế thì mái ấm này đã đón nhận trẻ từ năm 1998. Bà Đơn cho biết nguồn thu từ việc cho thuê nhà ổn định hằng tháng cũng được xem là một trong những tiêu chí để cơ quan chức năng cấp phép cho mái ấm hoạt động. Thế nhưng, nhiều căn nhà trong số này lại đang được rao bán thông qua người cháu của bà!

Khắc phục sai phạm qua loa

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 18-6, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Công an TP… đã kiểm tra hoạt động của mái ấm HMĐ và ghi nhận nhiều sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể: Cơ sở chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), không có khu nhà bếp, bếp ăn chưa đăng ký giấy chứng nhận ATVSTP, nhân viên cấp dưỡng chưa có giấy chứng nhận ATVSTP. Trẻ ở đây không có thẻ BHYT đầy đủ, chưa được theo dõi khám sức khỏe thường xuyên.

Về điều kiện sinh hoạt, phòng ở của trẻ chật chội, không đủ theo quy định. Cơ sở chưa có quy chế hoạt động của cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa trang bị PCCC, lối thoát hiểm. Đặc biệt, chủ mái ấm không thực hiện báo cáo thu chi theo từng năm, định kỳ với cấp có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 68; báo cáo về tài chính không rõ ràng. Chưa hết, hầu hết các trường hợp nhận trẻ vào nuôi đều không thông qua chính quyền địa phương.

Ông Phạm Thành Xuân, Phó Phòng LĐ-TB-XH quận Tân Phú, cho biết sau khi Báo Người Lao Động phản ánh, phòng đã phối hợp cùng UBND phường Sơn Kỳ kiểm tra HMĐ và cũng ghi nhận nhiều sai phạm. Dù đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu khắc phục nhưng đến nay, mái ấm chỉ thực hiện vài việc: Cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho nhân viên cấp dưỡng, mua thẻ BHYT cho trẻ, ký hợp đồng lao động với người lao động, có báo cáo thu chi từng tháng (chỉ thực hiện đến tháng 5-2013) nhưng chưa rõ ràng.

Theo ông Xuân, địa phương sẽ tiếp tục làm rõ những nội dung bài báo nêu, yêu cầu HMĐ trước ngày 15-11 phải khắc phục những thiếu sót. Nếu mái ấm này thực hiện không nghiêm, phòng sẽ đề xuất UBND quận rút giấy phép hoạt động.

Đánh giá về sai phạm của HMĐ, ông Nguyễn Minh Trí - Phó Phòng LĐ-TB-XH quận Tân Phú, phụ trách việc bảo vệ trẻ em - cho rằng việc chủ cơ sở tùy tiện nhận trẻ không thông qua xác nhận của chính quyền địa phương là đã sai nghiêm trọng. Chưa kể HMĐ buộc cha mẹ các em viết giấy cho con là hoàn toàn sai quy định, chẳng khác nào mua bán người.

Luật còn kẽ hở

Hoa Mẫu Đơn(HMĐ) thuộc dạng cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) ngoài công lập. Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng như Nghị định 68, chủ tịch UBND quận Tân Phú là người ký giấy phép thành lập cơ sở. Theo Nghị định 81/2012 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 68), Phòng Nội vụ quận chịu trách nhiệm thẩm định sự cần thiết, cơ sở pháp lý, điều kiện thành lập cơ sở BTXH; các yếu tố bảo đảm cho hoạt động và tính khả thi của đề án… Như vậy, quận Tân Phú, cụ thể là Phòng Nội vụ, phải chịu trách nhiệm đầu tiên về hoạt động của HMĐ.

Theo Nghị định 68, trong quá trình hoạt động, HMĐ có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động tài chính định kỳ và hằng năm với cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan quản lý trực tiếp; định kỳ 6 tháng (trước ngày 15-6) và hằng năm (trước ngày 15-12) với Sở LĐ-TB-XH TP HCM.

Sai phạm của HMĐ là do việc luật pháp của chúng ta chưa quy định rõ nội dung báo cáo của cơ sở BTXH là gì và biện pháp chế tài nếu cơ sở không tuân thủ pháp luật. Luật chưa quy định cụ thể việc thẩm tra cơ sở trước và sau khi cấp phép như thế nào; chưa có quy định cụ thể về thẩm tra, thanh tra cơ sở trong quá trình hoạt động. 

Muốn chấm dứt tình trạng này, luật pháp phải sửa đổi và bổ sung theo hướng quản lý ngay từ khâu thẩm định trước khi đề án đi vào hoạt động, tránh tình trạng cấp phép tràn lan. Khi đã cấp phép, ngoài việc yêu cầu các cơ sở BTXH phải báo cáo thường kỳ, cơ quan chức năng nên chủ động cử đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động định kỳ, từ đó kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm và cần thiết thì đóng cửa - giải thể cơ sở vi phạm.

Cơ sở BTXH hoạt động nhằm mục đích nhân đạo nên nhà nước luôn khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập. Chỉ cần giải trình các điều kiện về môi trường, vị trí, cơ sở vật chất, chăm sóc nuôi dưỡng thì được cấp phép hoạt động. Do quy định pháp luật chưa chặt chẽ nên một số đối tượng lập cơ sở BTXH với mục đích trục lợi.

Các nhà làm luật cần bổ sung quy định trong luật về việc xử lý hình sự các đối tượng lợi dụng danh nghĩa cơ sở từ thiện để trục lợi này. Ngoài ra, luật còn phải có quy định về việc trưng thu và sung công quỹ toàn bộ tài sản của các đối tượng do vi phạm pháp luật mà có.

Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP HCM)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo