Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết sau hơn 4 năm triển khai Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), số người tham gia BHYT tăng nhanh và đạt được mục tiêu mở rộng các đối tượng tham gia. Năm 2013 có 61,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 68,9% dân số. Quỹ BHYT trở thành nguồn tài chính quan trọng đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đến nay đã chiếm khoảng gần 1/3 ngân sách Nhà nước dành cho y tế và chiếm gần 67% nguồn thu sự nghiệp của các cơ sở khám, chữa bệnh.
Còn nhiều kẽ hở
Theo BHXH Việt Nam, dù số người tham gia BHYT ngày một tăng, song việc triển khai Luật BHYT thời gian qua đã bộc lộ nhiều bật cập. Cụ thể như quy định tham gia BHYT theo “trách nhiệm” chưa có tính ràng buộc cao, dẫn đến việc tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHYT gặp nhiều khó khăn; Quy định nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT nên khó khăn trong tổ chức thực hiện. Đối với nhóm đối tượng được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua BHYT do nhiều đơn vị quản lý, lập danh sách tham gia dẫn đến việc trùng thẻ BHYT. Bên cạnh đó, quy định mức cùng chi trả 5% đối với một số nhóm đối tượng như người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội và 20% đối với thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo… đã hạn chế việc tiếp cận dịch vụ y tế và khả năng chi trả của người bệnh BHYT, nhất là những người mắc các bệnh nặng, bệnh mãn tính. Do chưa có Hội đồng Quốc gia về chính sách BHYT để hoạch định chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tại từng thời kỳ nên việc xây dựng danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật chưa phù hợp với yêu cầu thực tế. Ngoài ra, chưa có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với một số nhóm đối tượng để mở rộng diện bao phủ BHYT.
Ưu đãi người có công, hạn chế cấp trùng thẻ
Từ những bất cập trong quá trình triển khai, lãnh đạo BHXH cho biết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT sẽ có một số điểm mới.
Cụ thể, dự thảo sẽ sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT để thuận lợi trong quản lý và tổ chức thực hiện, bao gồm: Nhóm do người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) đóng; nhóm do tổ chức BHXH đóng; nhóm do ngân sách Nhà nước đóng; nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và nhóm tự đóng BHYT. Để khắc phục tình trạng trùng thẻ do nhiều cơ quan cùng quản lý đối tượng, Luật đã bổ sung trách nhiệm của Bộ LĐ-TB-XH, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và qui định trách nhiệm của UBND xã về việc lập danh sách đối tượng tham gia BHYT. Về mức hưởng BHYT theo mức độ bệnh tật, theo nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và theo thời gian tham gia BHYT, dự thảo qui định: quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, từ trường hợp KCB vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, thuốc ngoài danh mục thuốc BHYT. Đặc biệt, dự thảo lầ này cũng bổ sung qui định cùng chi trả cho thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, con của liệt sỹ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh; các thân nhân khác của người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình cận nghèo cùng chi trả 5%. Miễn chi trả cho người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế. Bổ sung đối tượng là người Kinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được Nhà nước mua thẻ BHYT.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung qui định người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã được quyền khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến huyện trên cùng địa bàn huyện hoặc BVĐK khu vực nơi không có BVĐK huyện. Người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại BVĐK huyện hoặc BVĐK khu vực nơi không có BVĐK huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế xã trên cùng địa bàn huyện và không bị coi là trái tuyến, vượt tuyến. Đáng lưu ý Dự thảo Luật qui định tham gia BHYT theo hộ gia đình đồng thời với cơ chế giảm trừ mức đóng cho các thành viên trong hộ: Người thứ nhất đóng bằng mức qui định; người thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm đóng lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ sáu trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Về phân bổ sử dụng quỹ, dự thảo Luật đã chỉnh lý khoản 1 Điều 35 theo hướng qui định cụ thể: dành 90% quỹ cho KCB BHYT, tối thiểu 5% để lập quỹ dự phòng quốc gia, tối đa 5% dành cho quản lý, phát triển mạng lưới BHYT, mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Quỹ BHYT sẽ được quản lý tập trung, thống nhất ở cấp quốc gia để điều tiết chung trên toàn quốc.
Bình luận (0)