Chiều 30-5, một cây xanh trước số nhà 77 Pasteur (giao lộ Pasteur - Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM) bất ngờ bật gốc, ngã đè lên một chiếc taxi và một xe máy, làm người đi trên xe máy bị thương. Đây là cây xanh thứ 11 bị đổ ngã trong các ngày qua.
Xây dựng quỹ dự phòng
Theo báo cáo nhanh của Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM (gọi tắt Công ty Công viên Cây xanh - CVCX), riêng trong chiều 28-5, cơn mưa đầu mùa kèm theo gió lớn khiến 10 cây xanh bị ngã, 3 cây nghiêng cần chống sửa, 27 nhánh cây bị gãy, hư hỏng 4 ô tô, 1 xe máy và 1 bảng quảng cáo.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công ty CVCX đã tổ chức lực lượng, phối hợp cùng các cơ quan chức năng giải quyết sự cố, bảo đảm giao thông được thông suốt. Với các trường hợp bị thiệt hại do cây ngã đổ, theo một lãnh đạo của Công ty CVCX, nếu xét thấy hợp lý đều được bồi thường. Việc bồi thường tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, bảo hiểm phương tiện. Hiện công ty đã lập ra ban kiểm tra để đánh giá và lên kế hoạch cũng như mức độ bồi thường cho các chủ xe. Ngoài ra, công ty cũng đã đề xuất các ban ngành tham mưu, xây dựng quỹ dự phòng để hỗ trợ người dân khi có sự cố tai nạn do cây xanh gây ra, nhất là trong mùa mưa bão.
Theo lãnh đạo Công ty CVCX, dù đã cố gắng khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cây xanh ngã đổ gây ra nhưng việc lốc xoáy, mưa giông dẫn đến một số cây xanh bị bật gốc, tét cành là không lường trước được. Đó là chưa nói đến việc do tác động của quá trình đô thị hóa, mạch nước ngầm giảm, xâm nhập mặn… dẫn đến cây xanh bị xâm hại dễ bị đổ ngã, bật gốc. Hiện Công ty CVCX đang được UBND TP HCM giao duy tu chăm sóc hơn 90.000 cây xanh các loại trên 1.200 tuyến đường, các khu dân cư và một số công viên. Trong đó, các tuyến đường được trồng thuần chủng chiếm khoảng 10%, các tuyến đường còn lại trồng nhiều chủng loại cây xanh do người dân trồng tự phát. Đặc biệt, ngoài các chủng loại đáp ứng tiêu chí cây trồng đường phố, tại các khu dân cư và trên nhiều tuyến đường còn tồn tại một lượng lớn các cây xanh thuộc danh sách cấm trồng do UBND TP HCM ban hành.
Đốn hạ những cây già cỗi
Từ năm 2013 đến nay, Công ty CVCX đã đốn hạ 1.244 cây xanh do bị chết khô và có nguy cơ ngã đổ. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2014, công ty đã tác động mé nhánh 6.210 cây xanh các loại. Theo kế hoạch, để phòng cây xanh đổ ngã khi xảy ra áp thấp nhiệt đới, bão, lốc xoáy, công ty sẽ tăng cường công tác tuần tra phát hiện nhằm ngăn ngừa và xử lý kịp thời các trường hợp cây xanh có nguy cơ bị gãy đổ. Đồng thời, công ty cũng đã thành lập tổ kiểm tra kỹ thuật để tiến hành kiểm tra giám sát, phát hiện kịp thời những cây xanh có vấn đề, đề xuất xử lý; có kế hoạch hạ thấp chiều cao đối với cây có rễ ăn ngang, cành nhánh giòn, dễ bật gốc như sọ khỉ, lim sét, phượng, bò cạp nước; tỉa thưa vòm tán đối với những cây nặng tàn…
Theo Công ty CVCX, vào đầu mùa mưa thường có giông gió. Thời điểm bắt đầu mùa mưa cũng là lúc nhiều cây xanh như: sao, dầu, lim sét… ra hoa kết quả đeo nặng cành, nhánh nên cành, nhánh cũng dễ giòn, gãy hơn. Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, hiện tượng gió lốc xoáy cục bộ xảy ra tại TP HCM dẫn đến một số cây xanh bị đổ ngã. Trước tình hình trên, vào những thời điểm mưa to kèm theo lốc xoáy, người dân khi lưu thông trên đường cần chú ý, đề cao cảnh giác, không nên dừng xe hoặc trú mưa dưới gốc cây, đặc biệt là tại các tuyến đường tập trung nhiều cây lớn như Nguyễn Thị Minh Khai, 3 Tháng 2, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... Khi đi trên đường, nếu bắt gặp sự cố về cây xanh, hãy gọi vào số điện thoại 08.39351351 hoặc 08.39557755, các lực lượng chức năng sẽ nhanh chóng có mặt tại hiện trường để giải quyết.
Bị xâm hại nhiều, xử phạt ít
Trong thời gian qua, tình trạng xâm hại cây xanh diễn ra khá phổ biến trên địa bàn TP HCM. Tại một số tuyến đường có mặt bằng đẹp, nhà hàng, siêu thị, để tạo sự thông thoáng, một số người dân đã lén cắt cành, thậm chí đổ hóa chất, chặt rễ khiến cây xanh không phát triển được, chết hoặc ngã đổ. Thế nhưng, trong số các vụ được phát hiện, số vụ được giải quyết chưa cao, chưa đủ sức răn đe. Theo Công ty CVCX, công ty là đơn vị đảm nhận việc trồng, chăm sóc, xử lý các cây xanh trên địa bàn nhưng lại không có chức năng xử lý các trường hợp vi phạm quy định bảo vệ cây xanh, chặt phá cây trái phép. Nếu phát hiện, đơn vị sẽ lập biên bản, gửi báo cáo Khu Quản lý giao thông đô thị, nơi đây sẽ báo lại cho Thanh tra Sở Giao thông Vận tải để kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cũng chỉ quản lý về mặt hành chính nhà nước, thẩm quyền xử phạt thuộc về Thanh tra Sở Xây dựng TP. Chính những bất cập này mà số vụ xử phạt chỉ ở những con số rất hạn chế.
Bình luận (0)