Những năm trước, khai hội luôn là ngày có số lượng du khách đông nhất của mùa lễ hội chùa Hương. Có năm, chùa Hương đón tiếp đến 100.000 lượt khách. Năm nay, dù thời tiết nắng đẹp, mát mẻ nhưng du khách lại ít hẳn những năm trước.
Nhiều chủ đò hụt hẫng
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội - Trưởng Ban Tổ chức (BTC) Lễ hội chùa Hương 2014 - giải thích: “Có lẽ nhiều du khách rút kinh nghiệm những năm trước đông quá nên năm nay tránh ngày khai hội”.
Theo ông Hậu, dù năng lực tổ chức của BTC được cải thiện qua từng năm nhưng không ai mong sự quá tải du khách trong ngày khai hội bởi điều này đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra sự cố.
BTC đã bố trí gần 5.000 chiếc đò đưa đón khách. Nhiều chủ đò hụt hẫng vì số lượng khách ít hơn dự kiến. Chị Nguyễn Thị Thảo, một người chèo đò trên suối Yến, khẳng định: “Tôi đưa đón khách trên suối Yến hơn 20 năm nhưng nhận thấy năm nay khai hội vắng khách nhất trong vòng 10 năm trở lại đây”. Theo chị Thảo, khách hành hương từ mùng 3 đến mùng 5 Tết còn đông hơn cả ngày khai hội chùa Hương.
Ngày khai hội chùa Hương mọi năm đồng nghĩa với sự quá tải, chen chúc, tắc nghẽn. Thậm chí, có người 2 năm liền đi chùa Hương vào ngày khai hội đã không thể đến được động Hương Tích - di tích được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động”. Cảnh vắng vẻ không chỉ diễn ra ở suối Yến mà còn ở cả những địa điểm như ga cáp treo. Ở đây, mọi người không còn phải chen nhau đến “bẹp ruột” để vào cabin như mọi năm.
Theo dự tính của BTC, năm nay chùa Hương vẫn đón khoảng 1,4 triệu lượt khách trong suốt gần 3 tháng lễ hội. Nghĩa là lượng khách vẫn tiếp tục tăng 5%-10%/năm và năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Việc tăng số lượng khách hành hương khiến lễ hội tăng doanh thu, tạo thêm nhiều công ăn việc làm không chỉ cho riêng lao động nông nhàn ở huyện Mỹ Đức mà còn cả các địa phương lân cận.
Thoải mái “chặt, chém”
Dù đặt mục tiêu thu hút khách về lễ hội chùa Hương ngày càng đông nhưng BTC vẫn chưa thể giải quyết hết những bức xúc tồn tại nhiều năm qua. Trong đó, đáng nói nhất là tình trạng “chặt, chém” khách hành hương mọi lúc mọi nơi.
Năm nay, BTC giữ nguyên các loại giá vé đò, vé tham quan thắng cảnh nhưng tăng giá vé cáp treo từ 120.000 đồng lên 140.000 đồng/vé. Những dịch vụ ăn theo lễ hội thì không ai kiểm soát được. Dịch vụ đầu tiên mà mọi du khách phải sử dụng là đi đò. Người lái đò thường chèo kéo, mời gọi từ đoạn đường trước khi vào suối Yến cả 10 km. Hiện tượng tranh giành khách diễn ra phổ biến ở khu vực bãi để xe và nơi mua vé của khu di tích Hương Sơn.
Như một thứ luật bất thành văn, ngoài tiền vé, du khách còn phải trả thêm cho lái đò một số tiền nhất định tùy vào đoàn đi đông hay ít người. Chúng tôi chỉ đi 2 người nhưng các chủ đò cũng đòi “bo” tới 300.000 đồng. Cộng với vé vào thắng cảnh thì chúng tôi phải bỏ ra 470.000 đồng mới được đi đò. Trong đó, số tiền phụ trội đã gần gấp đôi tiền vé nhà nước quy định.
Trong số các dịch vụ phục vụ lễ hội thì ăn uống và đổi tiền lẻ để lại nhiều bức xúc cho du khách. Nếu như ở đền Trình (đoạn đầu suối Yến), du khách phải đổi tiền lẻ với mức 10 “ăn” 8 thì khi vào đến khu Thiên Trù phải đổi với mức 10 “ăn” 6, thậm chí chỉ 5.
Du khách Lê Thị Du bức xúc: “Tôi đổi 100.000 đồng tiền lẻ để đặt lễ chỉ được 70.000 đồng. Vậy nhưng, khi đếm lại thì chỉ thấy có 50.000 đồng. Ở lễ hội mà vẫn có những hiện tượng lừa lọc như vậy thì không chấp nhận được”.
Đường dây nóng cũng bó tay
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó trưởng BTC Lễ hội chùa Hương 2014, riêng về dịch vụ ăn uống thì BTC yêu cầu tất cả hàng quán phải niêm yết giá nhưng vẫn có một số cơ sở kinh doanh không tuân thủ. “Khi ăn uống, nhất là ở những điểm kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát, khách nên hỏi giá trước” - ông khuyến cáo.
Ông Thanh cho biết từ 2 năm nay, BTC lễ hội lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh và xử lý kịp thời những hiện tượng “chặt, chém” ở chùa Hương. Tuy nhiên, BTC cũng phải bó tay do không thể đủ người kiểm soát ở tất cả các địa điểm. Nhiều du khách cho rằng thông qua đường dây nóng, người của BTC đến thì việc đã rồi nên rất ít người phản ánh qua đường dây này.
Chùa Hương Tích tổ chức tốt
Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Duy Đức, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa - danh thắng chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), cho biết riêng trong ngày khai hội 2014 đã có hơn 15.000 lượt du khách đến dâng hương, vãn cảnh và xin lộc. Tính trong 6 ngày đầu năm mới, đã có hơn 50.000 lượt du khách đến đây.
Mùa lễ hội năm nay, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức để phục vụ du khách. Tình trạng chèo kéo du khách không còn xảy ra. Tình trạng ăn xin dọc các đường dẫn lên chùa cũng được dẹp bỏ. Các dịch vụ thực hiện đúng với bảng giá niêm yết. Dịch vụ trông giữ xe được tổ chức chặt chẽ nên tránh được tình trạng “chặt, chém” du khách vốn xảy ra nhiều ở các năm trước.
Đ.Duy
Tràn ngập “đặc sản bình dân”
Dù Công an TP Hà Nội đã có chỉ thị cấm bày bán thịt thú rừng ở các hàng quán tại khu vực chùa Hương, BTC lễ hội cũng khẳng định sẽ mạnh tay nhưng thực tế, tình trạng này thậm chí còn nghiêm trọng hơn năm trước. Ở ngày đầu khai hội chùa Hương đã xuất hiện nhiều nhà hàng trưng biển bán thịt thú rừng dưới danh nghĩa “đặc sản bình dân”.
Trong một cuộc trả lời báo chí ở Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội hồi đầu tháng 1-2014, ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng BTC Lễ hội chùa Hương 2014, cho biết: “Tình trạng bày bán thịt các loại động vật tuy có phản cảm nhưng rất khó cấm vì đó là quyền của các chủ nhà hàng”. Ông Hậu cũng cho rằng động vật được bày bán nguyên con ở các quán ăn tại chùa Hương không phải là loại hoang dã mà chỉ là các loại thú nuôi như thỏ, nhím.
Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn khác. Bên cạnh các loại thịt thỏ, nhím thì hầu hết hàng quán ở chùa Hương đều bày bán thịt hươu, nai, thậm chí dúi măng, cầy đá... mà người dân địa phương cho biết là đặc sản ở núi rừng Hương Sơn.
Các hàng quán ở chùa Hương thậm chí còn treo nguyên con hươu, nai đã giết thịt trong tủ kính để du khách nhìn cho... đã mắt.
P.Ngọc
Bình luận (0)