Chiều 9-12, kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 12, khóa VIII diễn ra với phần thảo luận tổ. Nhiều đại biểu (ĐB) tỏ ra băn khoăn về các giải pháp chống ngập của TP, tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp dù báo cáo của UBND TP đánh giá “một số loại án giảm”...
Xem lại kim ngạch xuất khẩu
kỳ họp HĐND TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
“Chưa có năm nào chỉ tiêu này lại giảm thê thảm như thế, trong khi cả nước lại tăng 25%. Đề nghị HĐND và UBND giải thích” - ĐB Võ Văn Sen nói. Dẫn chứng thêm, ĐB Sen cho biết chỉ tiêu này của năm 2011 tăng 25%, năm 2012 tăng 6%. “Chúng ta cần đề ra giải pháp để “cấp cứu” tình hình này!” - ĐB Sen đề nghị.
Hoan nghênh kết quả đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo của TP nhưng ĐB Sen cho rằng nếu đi vào thực chất thì đời sống người nghèo không thay đổi là bao do trượt giá. ĐB Sen đề nghị TP nên tăng chỉ tiêu hộ nghèo của giai đoạn mới - thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm thay vì 16 triệu/người/năm như chỉ tiêu đề ra.
Cho rằng đời sống người dân ngày càng khó khăn, ĐB Trần Trọng Dũng đề nghị TP phải quyết liệt duy trì chương trình bình ổn giá. “Sáng nay, tôi đọc Báo Người Lao Động thấy người dân nói ra chợ mỗi ngày là đối mặt tăng giá. Giờ chỉ tin tưởng được mỗi chương trình bình ổn giá. Hỗ trợ chương trình này cũng là hỗ trợ cho sản xuất, góp phần bảo đảm an sinh cho TP 10 triệu dân. Nếu được, cần giám sát các giải pháp, hỗ trợ cho chương trình bình ổn giá” - ông Dũng đề nghị.
Chống ngập phải căn cơ
Nhắc lại hậu quả nặng nề trong đợt vỡ bờ bao gây ngập nặng ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức vừa qua, ĐB Nguyễn Tấn Tài băn khoăn: “TP đổ rất nhiều tiền vào công tác chống ngập nhưng không thấy đánh giá hiệu quả ra sao. Việc làm ăn, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”.
ĐB Sen đề nghị UBND TP HCM giải trình việc này trước HĐND TP để qua đó phân tích làm rõ trách nhiệm của ủy ban phòng chống lụt bão địa phương cũng như chính quyền các cấp.
Theo ĐB Trần Trọng Dũng, nhiều bờ kè ở TP bằng bê tông rất mỏng, chịu áp lực thấp. Một số nơi còn làm bằng đất nên phải xem lại việc đầu tư đê, kè. “Không đầu tư thì thôi, đã đầu tư thì phải có căn cơ, chứ không thì năm nào cũng vỡ bờ bao hết, dân rất khổ” - ĐB Dũng lo ngại.
Cũng nói về chương trình giảm ngập, ĐB Trần Quang Thắng băn khoăn: “Chúng ta chỉ xóa được một số điểm ngập nhưng nó lại phát sinh nhiều điểm ngập mới. Vậy biết đến bao giờ mới giải quyết được? Phải có kế hoạch căn cơ về việc xây đập ngăn ngập”.
Lý giải vấn đề này, ông Đỗ Tấn Lâm, đại diện Trung tâm Chống ngập TP HCM, cho biết TP mới làm xong 1 cống dọc Thị Nghè, 9 cống còn lại do khó khăn về kinh phí nên chưa triển khai được.
Thất nghiệp giảm, sao tội phạm tăng?
Đó là thắc mắc mà ĐB Trần Văn Khuyên đặt ra khi phân tích kết quả giải quyết việc làm theo báo cáo của UBND TP HCM. Theo báo cáo, năm 2013, số lao động được giải quyết việc làm tăng 4.000 người so với năm 2012 và tỉ lệ thất nghiệp giảm còn 4% (hoàn thành kế hoạch đề ra).
“Trong khi tệ nạn xã hội, cướp giật nhiều hơn nhưng người có việc làm lại tăng. Thật là không hiểu nổi!” - ĐB Khuyên nghi ngờ. Ông đề nghị TP đánh giá thực chất hơn số liệu người lao động được giải quyết việc làm. Dẫn chứng tiếp, ĐB Khuyên lo lắng: “Tỉ lệ khu phố văn hóa, phường văn hóa ngày càng tăng. Số liệu nghe êm quá nhưng thực tế xã hội ngày càng phức tạp, tệ nạn cứ nhan nhản”.
Theo ĐB Nguyễn Văn Tươi, tình hình an ninh trật tự ngày càng phức tạp một phần là do luật hiện nay không đủ sức răn đe. Ngoài ra, ma túy là nguồn gốc dẫn đến tình trạng cướp giật gia tăng.
Cần Thơ: Bức xúc dự án treo Báo cáo tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Cần Thơ khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016, ngày 9-12, ông Bùi Văn Hai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Cần Thơ, đã phản ánh bức xúc của cử tri về hàng loạt dự án treo hoặc chậm triển khai trên địa bàn. Trong đó, nổi lên một số dự án như: khu tái định cư Trường ĐH Y Dược, công viên 2 bên bờ sông Cần Thơ (quận Ninh Kiều), Trường ĐH Tây Đô, Nghĩa trang Thiên Đường (quận Cái Răng), quy hoạch Làng ĐH, khu dân cư và chợ Trà Nóc, khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và lò giết mổ (quận Bình Thủy)… Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết tính đến ngày 31-10, UBND TP đã thu hồi chủ trương đầu tư 8 dự án với tổng diện tích gần 294 ha; đồng thời thu hồi 7 dự án do Sở Xây dựng quản lý vì chủ đầu tư triển khai chậm hoặc không có năng lực tài chính. C.Linh Gia Lai: Phải bồi thường thiệt hại do xả lũ Ngày 9-12, tỉnh Gia Lai khai mạc kỳ họp thứ VI, HĐND tỉnh khóa X. Nhiều vấn đề dân sinh - xã hội đã được cử tri kiến nghị, đặc biệt là bồi thường thiệt hại sau lũ. Cử tri thị xã An Khê và nhiều địa phương đề nghị UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) bồi thường những thiệt hại do thủy điện xả lũ. Đồng thời, Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 phải khẩn trương phối hợp với chính quyền các cấp lập thủ tục thu hồi, bồi thường, hỗ trợ toàn bộ diện tích gần 444 ha đất trên vùng ngập lòng hồ Ka Nak (thuộc địa bàn thị xã An Khê, nằm trong dự án thủy điện An Khê - Ka Nak) theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kịp thời chi trả tiền bồi thường cho dân. H.Thanh |
Bình luận (0)