Ngày 11-7, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết đơn vị này chưa đồng ý để Ngân hàng TMCP Việt Á (gọi tắt là Ngân hàng Việt Á) bảo lãnh trả số tiền nợ thuế hơn 334 tỉ đồng của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (Công ty vàng Phước Sơn, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) thuộc Tập đoàn Besra.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Ngân hàng Việt Á cũng là một chủ nợ của Công ty vàng Phước Sơn. Để thu nợ, ngân hàng này tham gia tái cơ cấu Công ty vàng Phước Sơn với tư cách là chủ tịch hội đồng thành viên. Trước đó, Ngân hàng Việt Á đã có chứng thư bảo lãnh số nợ 334 tỉ đồng của Công ty vàng Phước Sơn nhằm chuẩn bị cho việc khai thác trở lại vào tháng 8-2016. Tuy nhiên, trong chứng thư này ngân hàng tự đưa ra thời điểm bảo lãnh là vào ngày 15-8 tới.
“Chúng tôi sẽ làm việc với ngân hàng về vấn đề này và thời gian được bảo lãnh phải theo thời điểm có hiệu lực của quyết định cưỡng chế thuế chứ không phải do họ đưa ra” - một lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho hay.
Sau khi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo xử lý nghiêm đối với công ty vàng nợ thuế, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết theo chức năng, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam sẽ làm việc với đơn vị bảo lãnh để khẳng định văn bản bảo lãnh có đúng các quy định của pháp luật, việc trả nợ thuế có khả thi hay không?. Hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ cơ chế bảo lãnh một cách thận trọng, đúng pháp luật. Đến nay, Cục Thuế chưa có báo cáo về vấn đề này. UBND tỉnh Quảng Nam muốn Công ty vàng Phước Sơn hoạt động trở lại vì như thế mới có thể thu hồi nợ thuế.
Đối với Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (Công ty vàng Bồng Miêu, cùng thuộc Tập đoàn Besra), ông Thu cho biết hiện công ty không có phương án trả hơn 103 tỉ đồng tiền nợ thuế và giấy phép đã hết hạn. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường đồng thời doanh nghiệp sẽ thực hiện theo luật phá sản.
Ngoài số nợ thuế chưa biết trả khi nào, Công ty vàng Phước Sơn còn gây ra những hậu quả rất lớn về môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương trong khi tài nguyên đất nước tiếp tục bị bán ra nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Cảnh - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam - thời điểm Công ty vàng Bồng Miêu còn hoạt động, do không đủ năng lực quản lý nên đã để cho hàng trăm người vào khai thác vàng trái phép. Tính từ năm 2005 đến nay đã có 13 vụ sập hầm vàng nơi đây, làm chết 23 người. Công ty còn dùng hóa chất khai thác vàng, thải ra sông suối gây ô nhiễm môi trường... Chính những lý do này, khi công ty xin được gia hạn giấy phép, lãnh đạo huyện đã phản đối.
Bình luận (0)